Xuất khẩu tôm sang Mỹ và Trung Quốc ghi nhận kết quả tích cực
Xuất khẩu bật tăng nửa cuối tháng 8 Giá dầu giằng co, kết phiên tăng nhẹ Vì mục tiêu gỡ 'Thẻ vàng' IUU trong khai thác thủy hải sản |
Với những tín hiệu tích cực hơn từ thị trường Mỹ và Trung Quốc, xuất khẩu tôm của Việt Nam trong những tháng cuối năm nay sẽ thu hẹp dần mức giảm và ghi nhận kết quả tích cực hơn nửa đầu năm 2023.
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), tháng 8/2023, xuất khẩu tôm Việt Nam đạt 337 triệu USD, giảm 15% so với cùng kỳ năm ngoái. Lũy kế 8 tháng đầu năm, xuất khẩu tôm đạt 2,2 tỷ USD, giảm 28% so với cùng kỳ.
Ảnh minh họa |
Xu hướng xuất khẩu sang các thị trường trong tháng 8 vẫn tương tự xu hướng của tháng 7: xuất khẩu sang 2 thị trường Mỹ và Trung Quốc tiếp tục đà tăng trưởng dương của tháng 7, xuất khẩu sang các thị trường nhỏ hơn như Australia, Đài Loan, Thụy Sỹ ghi nhận tăng trưởng dương từ 3%-51%, xuất khẩu sang các thị trường như EU, Nhật Bản, Hàn Quốc vẫn ghi nhận sụt giảm từ 32%-41% so với cùng kỳ năm ngoái.
Về cơ cấu sản phẩm tôm xuất khẩu, tôm chân trắng (chiếm tỷ trọng 74%) có giá trị xuất khẩu đạt 1,6 tỷ USD, giảm 29%. Giá trị xuất khẩu tôm sú (chiếm 14%) đạt 315 triệu USD, giảm 25%, xuất khẩu tôm loại khác (chiếm 12%) đạt 257 triệu USD, giảm 25% so với cùng kỳ năm ngoái.
Sau khi ghi nhận mốc tăng trưởng dương so với cùng kỳ năm ngoái lần đầu tiên trong tháng 7, xuất khẩu tôm Việt Nam sang Mỹ tiếp tục tăng 11% trong tháng 8, đạt 76 triệu USD. 8 tháng đầu năm nay, xuất khẩu tôm sang Mỹ đạt 451 triệu USD, giảm 27%.
Theo Cơ quan Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ (NOAA), Mỹ nhập khẩu 69.501 tấn tôm trong tháng 7/2023, tăng 3% so với tháng 7/2022. Lần đầu tiên sau 13 tháng, khối lượng nhập khẩu tôm của Mỹ ghi nhận tăng trưởng dương so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, giá trị nhập khẩu tôm của Mỹ trong tháng 7 năm nay vẫn giảm 8% so với tháng 7/2022. Giá trung bình tôm nhập khẩu đạt 8,22 USD/kg, giảm 10% so với cùng kỳ năm ngoái.
Ấn Độ, nguồn cung tôm lớn nhất cho Mỹ (chiếm thị phần 38%), xuất khẩu sang Mỹ 26.641 tấn tôm trong tháng 7/2023, tăng 13% so với cùng kỳ năm 2022. Giá trị xuất khẩu tôm Ấn Độ sang Mỹ trong tháng 7 vẫn giảm 3% so với cùng kỳ. Xuất khẩu tôm Ecuador sang Mỹ (chiếm 27% thị phần), trong tháng 7 năm nay giảm 6% về khối lượng và giảm 13% về giá trị so với tháng 7 năm ngoái.
Đơn đặt hàng từ các hãng bán lẻ, nhu cầu nhập hàng phục vụ dịp “Lễ hội ăn chay” của năm tới đều có xu hướng tăng. Dự báo, tháng 11 và 12 năm nay, nhu cầu nhập khẩu tôm của Mỹ cũng sẽ khả quan hơn.
Mức tiêu thụ ngành thực phẩm và đồ uống của nước này nhìn chung ổn định trong nửa đầu năm 2023. Tính đến tháng 7/2023, chỉ số niềm tin người tiêu dùng (CCI) tại Hoa Kỳ đã tăng 10% so với thời điểm đầu năm nay. Điều này cùng với thời điểm mùa lễ hội cuối năm sẽ là những tín hiệu tích cực đối với triển vọng tăng trưởng tiêu thụ ngành F&B của Hoa Kỳ trong nửa cuối năm nay.
Ngoài thị trường Mỹ, xuất khẩu tôm sang Trung Quốc và Hồng Kông tháng 8/2023 đạt 56 triệu USD, tăng 32% so với cùng kỳ. Lũy kế 8 tháng đầu năm nay, xuất khẩu tôm sang Trung Quốc và Hồng Kông đạt 393 triệu USD, giảm 5% so với cùng kỳ.
Theo Tổng cục Hải quan Trung Quốc, nhập khẩu tôm nói chung vào thị trường Trung Quốc vẫn trên đà tăng trưởng. Lũy kế 7 tháng đầu năm đạt 591.827 tấn, trị giá 3,33 tỷ USD, tăng 38% về sản lượng và 19% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty CP Thực phẩm Sao Ta, sau giai đoạn giảm sút kéo dài suốt nửa đầu năm nay, hoạt động xuất khẩu của Thực phẩm Sao Ta đã được cải thiện đáng kể trong những tháng gần đây. Cụ thể, sản lượng tiêu thụ tôm thành phẩm trong tháng 7/2023 của doanh nghiệp này đạt hơn 1.900 tấn với doanh số đạt 21,3 triệu USD, tăng 19% về sản lượng tiêu thụ và tương đương về mặt doanh số so với cùng kỳ năm 2022.
Xu hướng này tiếp tục cải thiện trong tháng 8/2023 khi Thực phẩm Sao Ta ghi nhận doanh số lên đến 22,4 triệu USD - mức cao nhất 19 tháng trở lại đây và trở thành tháng có doanh thu cao thứ 3 trong lịch sử hoạt động của doanh nghiệp này.
Theo ông Hồ Quốc Lực, xu hướng tích cực này sẽ tiếp tục được giữ vững trong những tháng tới. Dựa trên lượng hợp đồng đang có (đến đầu tháng 9/2023), ban lãnh đạo doanh nghiệp kỳ vọng doanh số những tháng cuối năm nay sẽ chỉ giảm 10% so với cùng kỳ năm 2022; trong khi đó, mặt bằng chung toàn ngành xuất khẩu tôm Việt Nam có thể giảm tới 15%. Các thị trường xuất khẩu tôm lớn nhất của Thực phẩm Sao Ta hiện nay là Hoa Kỳ, châu Âu, và Nhật Bản. Đây cũng là những thị trường quan trọng nhất đối với ngành thuỷ sản Việt Nam.
Với những tín hiệu tích cực hơn từ thị trường Mỹ và Trung Quốc, xuất khẩu tôm Việt Nam trong những tháng cuối năm nay sẽ thu hẹp dần mức giảm và ghi nhận kết quả tích cực hơn nửa đầu năm.