Xuất khẩu thủy sản tăng trưởng bứt phá
Xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang Mỹ tăng 80% sau 10 năm Xuất khẩu tôm sang Mỹ và Trung Quốc ghi nhận kết quả tích cực Xuất khẩu cá ngừ sang Chile tăng cao |
Trong bối cảnh xuất khẩu nhiều mặt hàng chủ lực suy giảm, ngành thủy sản dần có dấu hiệu tích cực.
Xuất khẩu thủy sản có dấu hiệu khởi sắc
Số liệu từ Tổng cục Hải quan cho thấy, trong 15 ngày đầu tháng 9.2023, giá trị xuất khẩu thủy sản đạt 363,8 triệu USD, tăng 5,6% so với cùng kỳ năm trước.
Trong tháng 8 và nửa đầu tháng 9.2023, các mặt hàng chủ lực như tôm chân trắng, cá tra, cá ngừ, tôm sú, mực, chả cá đông lạnh vẫn thấp hơn so với cùng kỳ năm 2022, khiến doanh số xuất khẩu chung chưa thể phục hồi.
Ảnh minh họa |
Tuy nhiên, nhiều sản phẩm thủy sản, tập trung chủ yếu vào các loài hải sản như, cua ghẹ, tôm hùm, cá trích, cá thu, nước mắm, cá ngừ chế biến, cá biển đóng hộp, tôm biển, cá tra chế biến, tôm khô… ghi nhận đà tăng bứt phá.
Tính lũy kế 7 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu cá ngừ chế biến và đóng hộp sang Hàn Quốc tăng mạnh, đặc biệt cá ngừ đóng hộp tăng 468% so với cùng kỳ năm 2022. 8 tháng đầu năm nay, Chile cũng có xu hướng tăng mạnh nhập khẩu cá ngừ chế biến và đóng hộp của Việt Nam, tăng 131% so với cùng kỳ năm 2022 - theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP).
Điều này cho thấy, trong khó khăn vẫn có những hướng đi mang lại cơ hội và thành công.
Tìm hướng đi phát triển bền vững ngành thủy sản
Trước sự thay đổi thị hiếu từ các thị trường nhập khẩu truyền thống, ngành thủy sản cần thay đổi để ổn định và tăng trưởng bền vững, đặc biệt trong lĩnh vực chế biến.
Mục tiêu đề ra là phát triển chế biến thủy sản hiện đại, hiệu quả và bền vững, đáp ứng được nhu cầu, quy định của thị trường tiêu thụ. Đồng thời nâng cao năng lực cạnh tranh và tiếp tục hội nhập sâu rộng vào chuỗi giá trị toàn cầu; phấn đấu đưa Việt Nam trở thành trung tâm chế biến thủy sản và đứng trong số 5 nước hàng đầu thế giới vào năm 2030.
Để hoàn thành những mục tiêu này, đề án đưa ra một số nhiệm vụ cơ bản như kiểm soát, phát triển nguồn nguyên liệu chế biến thủy sản; thu hút đầu tư, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả chế biến thủy sản. Đồng thời cần đẩy mạnh chế biến sản phẩm thủy sản có giá trị gia tăng cao; phát triển thị trường tiêu thụ thủy sản; tổ chức lại chuỗi sản xuất nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế và sức cạnh tranh của sản phẩm thủy sản chế biến.
Trao đổi với PV, đại diện Cục Thủy sản chia sẻ về đề án bảo vệ môi trường trong hoạt động thủy sản. Trong đó, nhiệm vụ đến năm 2023 sẽ rà soát, xây dựng, hoàn thiện quy định pháp luật về bảo vệ môi trường lĩnh vực thủy sản. Chủ động phòng ngừa, quản lý, kiểm soát nguồn ô nhiễm, chất thải từ các hoạt động thủy sản; quan trắc môi trường phục vụ quản lý ngành thủy sản
Kiểm kê, đánh giá nguồn vốn tự nhiên thủy sản phục vụ phát bền vững ngành thủy sản. Hướng dẫn, kiểm tra, xây dựng năng lực phòng ngừa, cảnh báo nguy cơ sự cố môi trường trong ngành thủy sản. Thúc đẩy các mô hình kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh trong hoạt động thủy sản. Bảo tồn, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản, phục hồi hệ sinh thái quan trọng góp phần ngăn chặn suy giảm đa dạng sinh học.