Xuất khẩu gạo tăng trên 40%, cơ hội 3 tháng cuối năm vẫn còn rất lớn
Longform | Xuất khẩu gạo: Vì sao chuyên gia lo trượt chân trên sân nhà? Giá gạo xuất khẩu rời xa đỉnh, về sát mốc 600 USD/tấn Giá gạo xuất khẩu của Thái Lan và Việt Nam tiếp tục giảm |
Xuất khẩu gạo tăng ấn tượng, giá gạo cao nhất trong 10 năm
Ông Nguyễn Văn Việt – Vụ trưởng Vụ Kế hoạch (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn – NNPTNT) - cho hay: Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu 9 tháng năm 2023 ước đạt 68,92 tỷ USD, trong đó, xuất khẩu các mặt hàng nông, lâm, thủy sản đạt 38,48 tỷ USD. Đáng chú ý, cùng với rau quả có tỉ lệ xuất khẩu tăng tới trên 70% so với cùng kỳ năm trước, thì xuất khẩu gạo hiện nay đã đạt 3,66 tỷ USD, tăng 40,4%. Trong nhóm 3 mặt hàng nông sản đạt trị giá xuất khẩu cao nhất trong 10 năm, xuất khẩu gạo đã vinh dự sánh vai cùng nhóm hàng rau quả và cà phê.
Ảnh minh họa |
Xuất khẩu gạo tăng ở mức ấn tượng, ngoài việc các nước tăng cường nhập khẩu, còn bởi do giá gạo liên tục tăng kể từ khi Ấn Độ có lệnh tạm ngừng nhập khẩu gạo cho đến khi có thông báo mới. Trong 9 tháng qua, mức giá xuất khẩu gạo bình quân đạt 553 USD/tấn, tăng 14% so với cùng kỳ.
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam VFA, giá gạo xuất khẩu 5% tấm ngày 30.9.2023 ở mức 613-617 USD/tấn; giá gạo 20% tấm ở mức 598-602 USD/tấn. Như vậy, hiện nay giá gạo Việt Nam vẫn cao nhất thế giới, cao hơn gạo Thái Lan khoảng 20 USD/tấn, cao hơn gạo Pakistan 15 USD/tấn. Có thời điểm giá gạo lên đến 650 USD/tấn mà doanh nghiệp không thể gom đủ gạo để bán. "Đây là mức giá cao nhất trong hơn 10 năm trở lại đây" – ông Nguyễn Văn Hòa – Giám đốc Dương Vũ Rice thông tin.
Cơ hội xuất khẩu gạo còn rất lớn
Theo Bộ NNPTNT, trong 3 quý, cả nước gieo cấy được 6.855,3 nghìn hecta lúa, sản lượng thu hoạch 33,6 triệu tấn, tăng 1,4% so với cùng kỳ năm trước.
Còn theo bà Đỗ Thị Thu Hà - phụ trách Vụ Thống kê nông, lâm nghiệp và Thủy sản (Tổng cục Thống kê), sản xuất lúa 9 tháng đầu năm 2023 đạt khá do điều kiện thời tiết thuận lợi, tích cực chuyển đổi cơ cấu giống lúa; nâng cao trình độ kỹ thuật canh tác ở các địa phương.
Sản lượng lúa 9 tháng ước đạt 32,1 triệu tấn (chiếm khoảng 74,7% tổng sản lượng cả năm), tăng 1,3% so cùng kỳ năm trước, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tăng cường xuất khẩu gạo năm 2023.
Trong 3 tháng còn lại của năm 2023, Tổng cục Thống kê dự báo, ước sản lượng lúa vụ mùa ước đạt 8.229 nghìn tấn, tăng 5,4 nghìn tấn; vụ thu đông sản lượng ước đạt 3.929,6 nghìn tấn, tăng 310,7 nghìn tấn so với cùng kỳ năm trước.
"Dự kiến cả năm 2023, sản lượng lúa đạt được từ 43-43,4 triệu tấn, tăng khoảng 650 -700 nghìn tấn so 2022, vượt 170 nghìn tấn so với kế hoạch của ngành nông nghiệp nông thôn năm 2023. Theo ước tính của Tổng cục Thống kê, khả năng sẽ đạt được 7,5 triệu tấn gạo xuất khẩu trong năm 2023 mà vẫn đảm bảo an ninh lương thực trong nước" - bà Hà nói.
Còn theo ông Vũ Tuấn Anh - Chủ tịch Công ty GLE (đơn vị chuyên làm kết nối xuất nhập khẩu), cơ hội xuất khẩu gạo từ nay đến cuối năm vẫn còn rất lớn khi các nước vẫn đang tăng cường nhập khẩu gạo để dự trữ. Đặc biệt, hiện nay sản xuất lúa gạo tại Malaysia vẫn cần nhập khẩu tới 30% để đảm bảo yêu cầu tiêu dùng và dự trữ trong nước.
"Malaysia nhập gạo trắng chủ yếu từ Ấn Độ, Pakistan, Thái Lan, Việt Nam và Campuchia, hơn nữa, người tiêu dùng Malaysia lại tương đối thích gạo Việt Nam, đây chính là cơ hội cho gạo Việt" - ông Vũ Tuấn Anh nhấn mạnh.
Để nắm bắt cơ hội tăng xuất khẩu gạo, Bộ NNPTNT đã tăng cường các giải pháp để ổn định năng suất, chất lượng lúa gạo, trong đó tăng diện tích trồng lúa vụ thu đông thêm 50.000ha.
Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến cho biết, sẽ chỉ đạo Cục Trồng trọt theo dõi sát tình hình thời tiết khí tượng, thủy văn để chỉ đạo thời vụ, cơ cấu cây trồng phù hợp, đặc biệt lưu ý đảm bảo nguồn nước cho sản xuất lúa tại các tỉnh Bắc Trung bộ và tăng cường công tác bảo vệ thực vật.