e magazine
Longform | Xuất khẩu gạo: Vì sao chuyên gia lo trượt chân trên sân nhà?

09/08/2023 10:44

Hiện nay, giá gạo xuất khẩu toàn cầu tăng cao kỷ lục cũng đã đẩy giá lúa gạo trong nước leo thang.
Xuất khẩu gạo: Vì sao chuyên gia lo trượt chân trên sân nhà?

Xuất khẩu gạo: Vì sao chuyên gia lo trượt chân trên sân nhà?

Hiện nay, giá gạo toàn cầu tăng cao kỷ lục cũng đã đẩy lúa gạo trong nước leo thang. Bên cạnh đảm bảo an ninh lương thực, đây được nhận định một cơ hội “vàng” để thúc đẩy mặt hàng nông sản này.

Để làm rõ hơn vấn đề này, PV Báo Công Thương đã có cuộc trao đổi với ông Vũ Vinh Phú, chuyên gia kinh tế, nguyên Chủ tịch Hội Siêu thị Hà Nội.

PV: Thưa ông, hiện nay, mặt hàng lúa gạo đã tăng giá và lập đỉnh trong 11 năm qua. Là một chuyên gia theo dõi kinh tế lâu năm, ông có đánh giá gì về việc này?

Chuyên gia Vũ Vinh Phú: Tôi cho là việc này mừng nhiều, nhưng trong đó cũng có những nỗi lo, hai cái này đi song song với nhau. Mừng vì, trong 7 tháng qua, chúng ta xuất khẩu hơn 4,83 triệu tấn lúa gạo, trị giá hơn 2 tỷ USD. So với những năm trước, con số này tăng khoảng 15-20%, tăng về cả giá trị lẫn sản lượng xuất khẩu. Tiếp đến, lúa gạo tăng giá, người nông dân cũng vui mừng. Đời sống của họ được trực tiếp cải thiện, từ đó họ sẽ động lực để giữ đất, thâm canh sản xuất. Người dân sẽ chủ động thay đổi các giống lúa chất lượng cao, từ đó cả chất và lượng của đầu ra lúa gạo được tăng lên.

Không chỉ người dân mà doanh nghiệp cũng mừng bởi doanh thu, lợi nhuận từ xuất khẩu lúa gạo tăng cao. Mà theo tôi, cái mừng lớn nhất là tuy thị trường lúa gạo thế giới biến động lớn nhưng thị trường tiêu dùng nội địa vẫn được duy trì ổn định. Từ những điều kể trên, có thể thấy, đây là một tín hiệu tích cực góp phần thúc đẩy nền kinh tế của chúng ta từ nay đến cuối năm, đặc biệt là trong giai đoạn khó khăn này.

Nhưng cái lo là gì? Qua theo dõi thông tin, tôi thấy rằng trên thị trường bắt đầu có hiện tượng thu mua gom lúa gạo để đầu cơ, chờ giá trục lợi. Đây là hành vi lợi dụng thị trường để đẩy cao giá lúa gạo một cách vô lý. Như chúng ta đã biết, Thủ tướng Chính phủ mới có chỉ thị quán triệt về vấn đề này. Làm sao vừa đảm bảo an ninh lương thực, nhưng cũng phải thúc đẩy sản xuất, đẩy mạnh xuất khẩu bền vững.

Thêm một cái lo nữa là, mặt hàng lúa gạo vốn chiếm phần lớn trong cái ‘rổ’ tính giá CPI. Chính vì vậy, làm sao phải kiểm soát tốt, không để giá gạo tăng đột biến, gây ảnh hưởng, xáo trộn đời sống người dân. Gạo là mặt hàng thiết yếu, nếu bị tăng giá đột ngột sẽ làm nhiều mặt hàng khác tăng theo như bún, phở, các loại dịch vụ. Mà xưa nay, các loại hình dịch vụ vốn được cho là lên nhanh nhất nhưng gần như không bao giờ xuống.

Với cái lo này, thì từ Chính phủ cho tới Bộ, ban, ngành cùng với doanh nghiệp, người dân phải tính tới và chung tay kiểm soát.

Xuất khẩu gạo: Vì sao chuyên gia lo trượt chân trên sân nhà?

PV: Dự báo chỉ ra rằng, giá lúa gạo sẽ vẫn trên đà tăng giá trong thời gian tới. Ông có nhận định gì về những tác động kinh tế tới những quốc gia chuyên xuất khẩu lúa gạo, đặc biệt là Việt Nam?

Chuyên gia Vũ Vinh Phú: Phải nói thế này. Trên thế giới, không phải riêng Việt Nam xuất khẩu gạo. Những biến động lớn nhất sẽ tác động đến những nước xuất khẩu gạo lớn như Ấn Độ. Điều quan trọng đối với chúng ta hiện nay là làm sao không để đứt, bám sát thị trường, làm ăn tử tế, trách nhiệm. Không thể vì giá lúa gạo tăng cao mà ta tăng theo mãi. Nói rõ hơn, là chúng ta đừng quá đặt lợi ích ngắn hạn mà phải tìm cách giữ được bạn hàng. Giả thiết đặt ra, nếu như Ấn Độ bỏ lệnh cấm xuất khẩu lúa gạo, đôi khi ta lại trượt chân trên chính sân nhà.

Như chỉ thị của Thủ tướng, chúng ta cần làm ngay việc quy hoạch lại vùng trồng lúa để đảm bảo sản lượng một năm phải đạt 42 triệu tấn, trong đó xuất khẩu khoảng 7 triệu tấn. Đó là cái đích mà chúng ta phải thực hiện ngày để đảm bảo an ninh lương thực, đồng thời thúc đẩy xuất khẩu.

Cái nữa theo tôi chúng ta cần phải tính toán lại chi phí vận chuyển logistics và các chi phí khác phục vụ cho xuất khẩu. Hiện nay, chi phí logistics của chúng ta đang cao hơn từ 17 – 20%, thậm chí gấp đôi so với các nước tiên tiến. Đây chính là nguyên nhân làm giảm năng lực cạnh tranh, một rào cản vô hình đối với lúa gạo xuất khẩu.

Thêm vào đó, hiện nay các kho cảng của nước ta còn rất ít, thậm chí có tình trạng làm cảng rồi nhưng không có đường ra cảng. Việc triển khai, xây dựng hệ thống cảng bãi không đồng bộ cũng gây khó khăn cho xuất khẩu lúa gạo. Chính vì vậy, Việt Nam nên phát triển những phương tiện vận chuyển hiệu quả như đường biển, đường sắt.

Nói tóm lại chúng ta phải tìm cách hiệu quả nhất để nâng cao năng lực xuất khẩu lúa gạo trên ra thị trường quốc tế. Từ việc hoàn thiện chuỗi sản xuất, ứng dụng khoa học công nghệ cho tới hệ thống kho bãi, cảng biển xuất khẩu. Nghĩ xa hơn, chúng ta có thể tạo nên một nền công nghiệp xuất khẩu gạo. Thậm chí, biến Việt Nam trở thành trung tâm xuất khẩu gạo của thế giới.

Xuất khẩu gạo: Vì sao chuyên gia lo trượt chân trên sân nhà?

PV: Trong nguy luôn có cơ. Bên cạnh nguy cơ mất an ninh lương thực, liệu đây có phải một cơ hội vàng để ngành nông nghiệp cũng như các doanh nghiệp trong nước nắm bắt để thúc đẩy xuất khẩu hay không? Xin ông cho biết ý kiến.

Chuyên gia Vũ Vinh Phú: Tôi phải nói luôn, đúng là cơ hội vàng, nhưng có làm, có nắm bắt được hay không lại là chuyện khác. Giả sử, chúng ta nhận được đơn hàng lớn nhưng lại không gom đủ, không xử lý được vấn nạn đầu cơ gom hàng thì sẽ thất bại xuất khẩu. Việc cần làm ngay là giảm chi phí sản xuất cả nội địa lẫn xuất khẩu. Bên cạnh đó là đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ cho chuỗi cung ứng xuất khẩu bao gồm: Sản xuất, thu hoạch, dự trữ, chế biến và xuất khẩu.

Cơ hội vàng ở chính trong tay chúng ta. Nhưng nếu không biết tận dụng, làm ăn chân chính thì cơ hội sớm vuột khỏi tầm tay. Để chớp thời cơ, đòi hỏi các Bộ, ngành phải tham mưu cho Chính phủ chỉ đạo sát sao, chính quyền địa phương, doanh nghiệp phải là người đánh trận.

Có một thực tế hiện nay là chúng ta chưa hoàn thiện được chuỗi cung ứng một cách hiệu quả. Việc một mặt hàng nông sản từ đồng ruộng cho tới bàn ăn phải qua 4 – 5 cầu là quá vô lý. Chỉ cần qua mỗi khâu trung gian lại chiếm 10% thì cũng đẩy giá hàng hóa lên cao. Muốn hạ giá sản phẩm, chúng ta phải cắt bớt khâu trung gian, rút ngắn chuỗi cung ứng lại. Thực trạng này, các cơ quan quản lý buộc phải nhìn nhận lại và có trách nhiệm khắc phục.

Một cái thiếu hiện nay của chúng ta là chưa có sàn giao dịch lúa gạo công khai như nhiều nước trên thế giới. Sự mua bán minh bạch lúa gạo nói riêng vẫn còn nhiều điều đáng bàn.

Có một điều mà tôi thấy buồn khi nghe câu nói “Ai chơi với nông dân đều giàu. Chỉ có nông dân là chưa giàu”. Nếu điều này còn diễn ra, chúng ta chưa thể phát triển mạnh sản xuất lúa gạo cũng như nhiều mặt hàng nông sản khác. Ở Thái Lan, một cân đường bán ra, người trồng mía phải được hưởng 70% lợi nhuận sau thuế, chỉ có 30% dành cho khâu lưu thông. Trong khi, ở Việt Nam thì đang ngược lại. Người nông dân luôn chịu thiệt, trong khi các khâu trung gian lại hưởng lợi quá nhiều một cách vô lý.

Nếu ta thẳng thắn nhìn vào những bất cập này, vượt qua được khó khăn, chúng ta sẽ nắm bắt được cơ hội vàng xuất khẩu. Ngược lại, nếu không nhìn nhận, sát sao, cơ hội vàng này sẽ được các nước xuất khẩu lúa gạo lớn khác chớp mất.

Xuất khẩu gạo: Vì sao chuyên gia lo trượt chân trên sân nhà?

PV: Thời gian qua, cùng với nhiều Bộ ngành, Bộ Công Thương đã có nhiều giải pháp thương mại giúp nông sản nói chung, lúa gạo nói riêng vươn xa hơn tới nhiều thị trường trên thế giới. Trong giai đoạn khó khăn về kinh tế như hiện nay, theo ông, ngành công thương cần làm gì để nắm bắt cơ hội vàng lần này?

Chuyên gia Vũ Vinh Phú: Tôi cho rằng, công thương luôn là ngành nắm nhiều lĩnh vực vô cùng quan trọng. Trước hết, Bộ Công Thương cần giữ vững vai trò tham mưu cho Chính phủ, sát cánh cùng các địa phương trước diễn biến lúa gạo hiện nay. Trước hết các giúp các địa phương đẩy mạnh sản xuất, làm sao luôn để hàng hóa dồi dào, chất lượng hơn. Đồng thời gắn kết được các khâu sản xuất, tiêu thụ, tránh rơi rớt, lãng phí ở các khâu trung gian không cần thiết. Bởi thực tế hiện nay, nhìn sang thị trường các nước, Việt Nam chúng ta đang phải trải qua hàng loạt rào cản kỹ thuật do họ tạo ra để bảo vệ người tiêu dùng.

Thêm một cái, tôi cho rằng, Bộ Công Thương cần tham mưu, đề xuất Chính phủ, Bộ GTVT đầu tư cơ sở hạ tầng kho bãi, bảo quản nông sản để giảm chi phí vận chuyển. Đồng thời, phải tạo được các chợ đầu mối nông sản lớn, trong đó có lúa gạo. Các chợ đầu mối hiện nay của nước ta thực chất vẫn chỉ dừng lại ở mức gom hàng và bán ra thị trường. Vai trò quản lý chất lượng, sau đó phân phối ra thị trường chưa hề làm được.

Thậm chí, đến các cửa khẩu, hàng hóa chờ xuất đi, nằm chờ nhiều ngày cũng không có kho lạnh, dẫn đến tăng chi phí bảo quản tại chỗ. Và khi hàng hóa nằm chờ quá lâu sẽ bị giảm chất lượng, hư hỏng, dẫn tới thiệt hại khó lường cho doanh nghiệp xuất khẩu và người sản xuất.

Một khi lợi nhuận thấp, thậm chí thua lỗ, chúng ta làm sao kích thích được doanh nghiệp, người dân sản xuất, nâng cao chất lượng hàng hóa đây!?

Tất cả những việc này, rất cần Bộ Công Thương đứng sau hỗ trợ các địa phương, phát huy tối đa nội lực để thúc đẩy sản xuất theo chỉ thị mới đây của Thủ tướng.

Thời gian qua, Bộ Công Thương đã có những cố gắng nhất định trong công tác đẩy mạnh xuất khẩu nông sản. Nhưng theo tôi, một mình Bộ Công Thương không thể làm xuể, mà cần có sự phối hợp của các Bộ, ngành liên quan như NN-PTNT, Tài chính, Kế hoạch Đầu tư, Tài nguyên Môi trường…

Xuất khẩu gạo: Vì sao chuyên gia lo trượt chân trên sân nhà?

PV: Theo số liệu mới nhất, 6 tháng đầu năm, giá trị xuất khẩu nông lâm thủy sản cả nước đạt gần 24,6 tỷ USD. Riêng mặt hàng lúa gạo tăng cả sản lượng và giá trị xuất khẩu. Với vai trò một chuyên gia kinh tế, ông có đề xuất gì thúc đẩy xuất khẩu lúa gạo thời gian tới, góp phần vào mục tiêu kinh tế cả năm hay không?

Chuyên gia Vũ Vinh Phú: Tôi xin được nhấn mạnh, Bộ Công Thương là bộ có vai trò vô cùng quan trọng để chúng ta có thể hoàn thành nhiệm vụ kinh tế xã hội cả năm 2023. 6 tháng đầu năm, tăng trưởng xuất khẩu chỉ đạt 12% dù nông lâm thủy sản đều tăng. Hiện nay, theo tôi, một mặt chúng ta nắm bắt thời cơ, nhưng cũng phải chuẩn bị kịch bản cho năm 2024. Chúng ta phải nhìn xa hơn, dài hơi hơn bởi bối cảnh kinh tế dự báo vẫn còn nhiều khó khăn. Do đó, ta phải làm tốt công tác hậu cần thương mại, chi phí vận chuyển thương mại, liên kết thương mại. Bên cạnh xuất khẩu, chúng ta cũng xác định đi bằng hai chân, coi trọng thị trường nội địa 100 triệu dân trong khi các nước cũng đang tham vọng đầu tư mạnh mẽ.

Theo thống kê, 90% doanh nghiệp của chúng ta là quy mô nhỏ lẻ. Chính vì vậy, tôi cho rằng, các doanh nghiệp cần liên kết với nhau để lớn mạnh, có sức chống chịu tốt hơn trước biến động thị trường. Sau đó là len chân vào chuỗi cung ứng toàn cầu đầy khốc liệt.

Thêm một điều nữa, tôi cho rằng, nhân lực ngành công thương là một vấn đề không đơn giản. Hiện nay trong ngành bán lẻ tiêu dùng, có tới 80% nhân lực là từ ngoài ngành nhảy vào. Thêm vào đó, những giáo trình đào tạo bán lẻ không còn phù hợp với biến động thị trường hiện nay. Bởi ngành bán lẻ hiện nay vô cùng sáng tạo, biến đổi từng ngày, buộc nhân lực phải đáp ứng được yêu cầu.

Ở tầm vĩ mô hơn, Chính phủ đã và đang có những chỉ đạo quyết liệt, sâu sát, đúng trọng tâm. Tôi cho rằng các Bộ, ngành hơn lúc nào hết phải chung tay lo cùng Chính phủ trong giai đoạn kinh tế khó khăn hiện nay. Đảm bảo nền kinh tế phát triển mạnh mẽ nhưng vững chãi, bền bỉ.

Xuất khẩu gạo: Vì sao chuyên gia lo trượt chân trên sân nhà?

PV: Cảm ơn ông đã dành thời gian trả lời Báo Công Thương. Xin chân thành cảm ơn!

Xuất khẩu gạo: Vì sao chuyên gia lo trượt chân trên sân nhà?

Thu Quỳnh (thực hiện)

Ảnh: Cấn Dũng - J.K

Thu Quỳnh (thực hiện)