Xuất khẩu đang “ấm” lên
Đà giảm của giá gạo xuất khẩu bao giờ kết thúc? Xuất khẩu dầu của Iran sang Trung Quốc đạt mức cao kỷ lục Xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang Mỹ tăng 80% sau 10 năm |
Theo số liệu mới nhất từ Tổng cục Thống kê, trong tháng 8/2023, kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 60,92 tỷ USD, tăng 6,7% so với tháng trước và giảm 7,9% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu đạt 32,37 tỷ USD, tăng 7,7% so với tháng 7. Đây là tháng thứ 4 liên tiếp xuất khẩu tăng, và mức tăng của tháng sau có xu hướng cao hơn tháng trước (tháng 5 tăng 4,3% so với tháng 4; tháng 6 tăng 4,5% so với tháng 5; tháng 7 tăng 0,8% so với tháng 6).
Chuyên gia kinh tế, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) nhìn nhận trong những tháng gần đây, nền kinh tế ghi nhận những tín hiệu tích cực, cho thấy sự phục hồi đang diễn ra. Từ tháng 7, thị trường đã chứng kiến sự tăng mạnh các đơn hàng, gồm cả các đơn hàng nhỏ lẻ và đơn hàng lớn, đặc biệt trong lĩnh vực máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện.
Không riêng lĩnh vực công nghệ, nhiều ngành khác như ngành gỗ và dệt may cũng đang trải qua những bước chuyển biến tích cực khi các đơn hàng quay trở lại.
Đáng chú ý, cả các doanh nghiệp ở nhiều địa phương như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Bắc Ninh cũng đang nỗ lực quay trở lại và tăng cường sự sản xuất. Điều này thể hiện trong việc tuyển dụng lượng lớn công nhân để đáp ứng nhu cầu sản xuất tăng ca và cũng như gia tăng nhu cầu nhập khẩu nguyên liệu và phụ kiện đầu vào.
“Những dấu hiệu tích cực này là một tín hiệu mạnh mẽ cho sự phục hồi của nền kinh tế Việt Nam sau thời gian khó khăn do đại dịch COVID-19. Cho thấy hoạt động xuất khẩu sẽ tiếp tục ấm lên trong thời gian tới”, chuyên gia Đinh Trọng Thịnh nhấn mạnh.
Gạo là mặt hàng mang lại nhiều kỳ vọng về xuất khẩu trong bối cảnh lạm phát tăng cao đặt ra nhiều rủi ro với kinh tế toàn cầu. Ảnh minh họa |
Vẫn theo chuyên gia, nguyên nhân chủ yếu đến từ việc tăng cầu từ người tiêu dùng và doanh nghiệp sau một thời gian giãn cách xã hội và giới hạn sản xuất do đại dịch COVID-19. Thứ nữa, các chương trình kích thích kinh tế, hỗ trợ tài chính đã tạo điều kiện tốt hơn cho người tiêu dùng và doanh nghiệp để đầu tư vào sản phẩm công nghệ. Nguồn cung cũng ổn định hơn sau những khó khăn về sản xuất và vận chuyển trong thời gian dịch bệnh.
Trước đó, tại họp báo Chính phủ thường kỳ, Thứ trưởng Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, theo số liệu của Tổng cục Thống kê, kim ngạch xuất khẩu tháng 8/2023 đạt 32,37 tỷ USD, tăng 7,7% so với tháng 7.
Máy vi tính, sản phẩm điện tử, điện thoại, linh kiện điện thoại, dệt may, giày dép, gỗ và các sản phẩm về gỗ... là các mặt hàng xuất khẩu ghi nhận sự tăng trưởng cao trong tháng 8/2023.
Đại diện Bộ Công Thương cho biết thêm, trong tháng 8/2023, xuất khẩu trong khu vực kinh tế trong nước đạt 8,43 tỷ USD (tăng 8,7% so với tháng trước), trong khi khu vực FDI bao gồm cả dầu thô xuất khẩu đạt 23,94 tỷ USD (tăng 7,3%). Xuất khẩu tháng 8 cũng giúp cán cân thương mại sau 8 tháng đầu năm 2023 xuất siêu 20,2 tỷ USD.
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải lý giải cùng với các chính sách hỗ trợ từ Chính phủ, Bộ, ngành cũng như sự nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp thì từ tháng 4 đến nay, nhất là tháng 8 vừa qua nhu cầu của các thị trường đã tăng trở lại.
Theo ông Hải, như thị trường Mỹ, một trong những thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam đã ghi nhận tỷ lệ tồn kho giảm mạnh. Cụ thể, 6 tháng đầu năm tỷ lệ tồn kho tại Mỹ ở mức đến 20%, nhưng đến tháng 8 chỉ còn 10%, dự đoán đến cuối năm 2023 tiệm cận về mức 0.
"Đây là cơ hội hàng xuất khẩu của chúng ta tại thị trường Mỹ", ông Hải nhấn mạnh.
Từ nay đến cuối năm dù đã có nhiều tín hiện tích cực song dự báo kinh tế thế giới còn nhiều khó lường. Lạm phát đã chững lại song vẫn còn ở mức cao tại nhiều nước; tình hình địa chính trị vẫn phức tạp ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng toàn cầu, giá cả nguyên vật liệu đầu vào…
"Hy vọng từ nay đến cuối năm, xuất khẩu có thể tiếp tục phục hồi khi các doanh nghiệp Việt Nam có sức chống chịu tốt, cũng như rất linh hoạt trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Ngoài ra, các doanh nghiệp Việt Nam cũng rất chủ động trong việc tìm kiếm các thị trường mới, phát huy tốt các hiệp định thương mại thế hệ mới", Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết.
Đáng chú ý, theo báo cáo từ các địa phương có doanh nghiệp FDI cho biết dự báo xu hướng xuất khẩu tốt hơn. Đặc biệt là các sản phẩm mới để xuất khẩu cho mùa cuối năm như Samsung với các mẫu điện thoại mới.
"Căn cứ vào các kết quả nêu trên thì mục tiêu tăng trưởng 6% kim ngạch xuất khẩu như kế hoạch đặt từ cuối năm 2022 dù khó khăn nhưng với sự chủ động của Chính phủ, bộ ngành, địa phương cũng như doanh nghiệp, chúng tôi rất tin tưởng vào kết quả khả quan từ nay đến cuối năm", Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết.
Nhận định về triển vọng xuất khẩu những tháng cuối năm, tại hội nghị giao ban với hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài do Bộ Công Thương tổ chức mới đây, bà Nguyễn Thảo Hiền, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu – châu Mỹ (Bộ Công Thương) cho biết các nước EU, Hoa Kỳ đã có nhiều biện pháp để kiềm chế lạm phát, thúc đẩy tiêu dùng, thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu. Theo đánh giá, các chính sách này đã bước đầu phát huy hiệu lực, lạm phát ở các thị trường lớn như Hoa Kỳ, EU, Anh đều có chiều hướng giảm xuống. Thời gian tới, với nhiều điều kiện và yếu tố thuận lợi, xuất khẩu có thể khôi phục tăng trưởng vào quý 4/2023. Bên cạnh đó, việc Anh gia nhập CPTPP sẽ mở ra cơ hội mới cho xuất khẩu Việt Nam. |