Đà giảm của giá gạo xuất khẩu bao giờ kết thúc?
Đà đảo chiều giá gạo xuất khẩu có kéo dài? Dù đã giảm nhưng giá gạo xuất khẩu Việt Nam vẫn cao nhất thế giới |
Từ góc nhìn của nhà xuất khẩu, cũng như kinh doanh mặt hàng này nhiều năm, chuyên gia cho rằng, thị trường xuất khẩu gạo đang bị làm giá; dự báo, đà giảm giá gạo xuất khẩu này còn kéo dài đến hết tháng 9/2023.
Theo đó, gạo 5% tấm của Việt Nam hiện giảm 15 USD/tấn so với phiên 5/9 về 628 USD; gạo 25% tấm cũng giảm 15 USD về mức 613 USD/tấn. Đây là 2 phiên giảm liên tiếp mạnh nhất kể từ sau khi Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo.
Hình minh họa |
Trên thị trường thế giới, gạo 5% của Thái Lan cũng giảm 15 USD về 618 USD/tấn, 25% tấm sụt 12 USD về 563 USD/tấn so với hôm 5/9.
Giá gạo xuất khẩu đi xuống được cho là bị tác động bởi lệnh áp trần của Philippines - nước tiêu thụ gạo lớn nhất của Việt Nam. 7 tháng đầu năm nay, Việt Nam xuất gần 1,94 triệu tấn gạo sang nước này, chiếm gần 40% tổng lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam.
Ông Phan Văn Có - Giám đốc Marketing Công ty TNHH Vrice Group cho biết, từ góc nhìn của nhà xuất khẩu cũng như kinh doanh mặt hàng này nhiều năm, ông cho rằng, thị trường đang bị làm giá, và dự báo, đà giảm giá gạo xuất khẩu này còn kéo dài đến hết tháng 9/2023.
Bởi lẽ, lúa gạo là cây trồng ngắn ngày, chỉ trong khoảng 3 tháng thì đã có mùa vụ mới. Các tỉnh trồng lúa xen kẽ nhau, do đó, lượng thu hoạch sẽ thường xuyên. Đồng nghĩa đầu vào của chúng ta không thiếu.
Thứ hai, đó là áp lực từ các nhà nhập khẩu. Mặc dù, họ có nhu cầu thật nhưng giá gạo xuất khẩu quá cao thì họ sẵn sàng chuyển sang thực phẩm khác thay thế như lúa mỳ, lúa mạch...
Thứ ba, Ấn Độ có thể bỏ lệnh cấm xuất khẩu gạo bất kỳ lúc nào. Do đó, nếu doanh nghiệp nào có quan điểm găm hàng, chờ giá lên thì cũng sẽ đối diện với nguy cơ thua lỗ rất lớn.
Ông Dương Đức Quang - Phó Tổng Giám đốc Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) cho biết, gần đây, giá gạo thế giới đã lên mức cao nhất trong vòng 11 năm, giúp giá gạo xuất khẩu của Việt Nam cũng tăng theo, cụ thể tăng khoảng 15% trong vòng 4 tháng qua.
Hiện nay, giá bán gạo của Việt Nam đang cao hơn gạo xuất khẩu của Thái Lan và Ấn Độ, tuy nhiên, nhu cầu đối với gạo Việt Nam vẫn khá lớn.
"Mặc dù trong 2 tuần gần đây, giá gạo xuất khẩu giảm, tuy nhiên, với những lo ngại về sụt giảm nguồn cung nghiêm trọng do ảnh hưởng của El Nino, tôi cho rằng, giá gạo vẫn còn nhiều dư địa tăng trong những cuối năm. Trong kịch bản xấu nhất, khi El Nino tiếp tục gây ra thiệt hại đối với vụ lúa thứ 2 trong năm tại các quốc gia châu Á, giá cao hoàn toàn có thể tăng thêm từ 15 – 20%", ông nói.
Tại thị trường trong nước, giá gạo nội địa đang cao hơn nhiều so với giá xuất khẩu. Dữ liệu từ VFA cho thấy, giá gạo trong nước tuần cuối tháng 8 (từ 25-31.8) tiếp tục được điều chỉnh tăng từ 79-254 đồng/kg, tùy loại. Cụ thể, mỗi kg gạo lứt loại 1 giá 12.646 đồng, gạo xát trắng loại 1 ở mức 14.750 đồng, gạo 5% tấm là 14.564 đồng, gạo 15% tấm khoảng 14.333 đồng và loại 25% tấm giá 14.033 đồng. Tại các đại lý gạo ở TP.HCM, giá gạo hôm 7/9 của nhiều cửa hàng được điều chỉnh thêm 500 đồng mỗi kg so với tuần trước đó. Gạo thơm hoa sữa từ 17.500 đồng/kg lên 18.000 đồng, nở xốp cơm mềm lên 22.500 đồng, sơ ri cũ lên 16.000 đồng. |