Xây dựng vị thế cho nông sản Việt Nam tại thị trường châu Âu
Xuất khẩu sang Bắc Âu: Cầu nối từ EVFTA | |
Xây dựng chuỗi giá trị nông sản để tận dụng cơ hội xuất khẩu | |
Xuất khẩu nông sản, thực phẩm sang EU: Đầu tư chất lượng để đi đường dài |
“Trái ngọt” nhờ EVFTA
Sau hơn 2 năm thực thi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Liên minh châu Âu (EVFTA), tổng kim ngạch thương mại hàng hóa giữa Việt Nam và EU (gồm 27 thành viên) ghi nhận sự tăng trưởng liên tục ở cả góc độ xuất khẩu và nhập khẩu.
Theo Bộ Công Thương, riêng lượng tiêu thụ nông sản trồng (tính theo 11 mã HS) quy ra kim ngạch nhập khẩu riêng thị trường EU gồm 27 quốc gia trên 2,6 tỷ USD, chiếm khoảng 12% tổng kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng này của Việt Nam đi thế giới (trên dưới 16 tỷ USD).
Nông sản Việt Nam đang từng bước khẳng định vị thế trên thị trường EU |
“Trái ngọt” về xuất khẩu của nông sản sang thị trường châu Âu được nhận định là một phần nhờ Hiệp định EVFTA có hiệu lực từ 1/8/2020 và Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Vương quốc Anh (UKVFTA) có hiệu lực từ 1/5/2021. Theo đó, EVFTA cũng như UKVFTA đã tạo điều kiện thuận lợi cho thương mại nông sản Việt Nam sang châu Âu, đặc biệt là các nhóm nông sản có giá trị xuất khẩu cao như cà phê, điều, rau quả, thủy sản…
Trước khi EVFTA có hiệu lực, rau quả Việt Nam xuất khẩu vào EU đã được hưởng mức thuế suất ưu đãi (GSP), nhưng vẫn ở mức khá cao (10 - 20%). Từ ngày 1/8/2020, EVFTA có hiệu lực, khoảng 94% trong tổng số 547 dòng thuế nhóm hàng rau, quả tươi và chế biến được EU cắt giảm về 0%, trong đó có nhiều mặt hàng rau, quả là thế mạnh xuất khẩu của Việt Nam.
Như vậy, nhờ lợi thế từ EVFTA, nông sản Việt Nam có thể tự tin cạnh tranh rất lớn so với các mặt hàng nông sản của các nước ở châu Á (vì có nhiều mặt hàng tương đồng), đặt biệt với hai thị trường nông sản lớn cuả Thái Lan và Trung Quốc, do chưa có hiệp định thương mại tự do với EU.
Nắm bắt xu thế của thị trường
Tuy nhiên, châu Âu được biết đến là một trong những thị trường khó tính hàng đầu thế giới, vì thế để khai thác có hiệu quả EVFTA, thâm nhập sâu hơn nữa vào thị trường này trong giai đoạn tới sẽ có không ít thách thức phía trước đối với nông sản Việt Nam.
Để hoá giải thách thức từ thị trường, chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành nhấn mạnh, việc cải thiện năng lực quản trị của doanh nghiệp, cũng như nâng cao chất lượng sản phẩm chính là vấn đề cốt lõi khi tiếp cận thị trường châu Âu của doanh nghiệp Việt cũng như mặt hàng nông sản. Bởi thực tế, ngươi tiêu dùng châu Âu luôn hướng tới những sản phẩm thương hiệu gắn liền với chất lượng chứ không quan tâm đến giá cả.
Đơn cử như mặt hàng cà phê, EU là thị trường tiêu thụ nhiều nhất cà phê của Việt Nam, chiếm 40% trong tổng lượng và 38% về tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước. Vì vậy, để có chỗ đứng tại thị trường EU, Bộ Công Thương từng đưa ra khuyến nghị, các doanh nghiệp phải khảo sát nhu cầu của thị trường về các lĩnh vực gồm thị phần - thị hiếu - chất lượng - giá cả. Từ đó, xác định tỷ trọng chế biến các loại sản phẩm phù hợp (bao nhiêu % sản phẩm sơ chế, bao nhiêu % sản phẩm tinh chế) để định hướng phát triển sản phẩm, xây dựng chiến lược quảng bá, marketing, định vị thương hiệu phù hợp với năng lực của mình.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp Việt Nam cần tìm hiểu đặc điểm và xu hướng tiêu dùng của người châu Âu, đặc biệt là xu hướng tiêu thụ thực phẩm xanh trong bối cảnh hiện nay. Về vấn đề này, ông Trần Ngọc Quân - Tham tán thương mại tại Bỉ và EU cũng đã khuyến cáo, tất cả các cơ sở nông nghiệp của EU đang phải chuyển đổi theo hướng xanh hoá. Theo đó, không có lý do doanh nghiệp của Việt Nam đứng ngoài do trước đây, sản xuất và tiêu thụ sản phẩm xanh, sạch là yêu cầu của nhóm mua, người mua hàng, nay, nó trở thành quy định.
Đặc biệt lưu ý đối với hàng nông sản thực phẩm, ông Trần Ngọc Quân nêu rõ, doanh nghiệp cần chú ý đến hai khía cạnh, trước hết là theo Luật Thực phẩm chung, tất cả thực phẩm được bán trên thị trường Liên minh châu Âu phải an toàn. Ngoài ra, đó là quy định luật hạn chế các chất, hóa chất và chất gây ô nhiễm, tồn dư.
Đồng thời, các doanh nghiệp khi hợp tác với châu Âu cần lưu ý đến chính sách Green Deal trong nông nghiệp và chính sách từ nông trại đến bàn ăn (Farm to Fork). Năm 2019, Ủy ban Châu Âu đã khởi động Thỏa thuận xanh châu Âu (EGD). Đây là một gói các hành động nhằm giảm phát thải khí nhà kính và giảm thiểu việc sử dụng tài nguyên trong khi vẫn đạt được tăng trưởng kinh tế. Điều này có nghĩa là các sản phẩm được bán tại thị trường EU sẽ cần phải đáp ứng các tiêu chuẩn bền vững cao hơn.
Ngoài ra, các quy tắc về ghi nhãn trong quy định mới của tổ chức hữu cơ sẽ không chỉ bao gồm nhãn trên sản phẩm mà còn áp dụng cho tất cả các tuyên bố, chỉ dẫn, nhãn hiệu, tên thương mại, hình ảnh hoặc dấu hiệu liên quan đến một sản phẩm trên bao bì, tài liệu, dấu hiệu, nhãn, vòng hoặc các dải đi kèm hoặc đề cập đến sản phẩm đó.
Hiện tại, theo các chuyên gia kinh tế, nông sản Việt Nam vẫn sản xuất theo hướng manh mún nhỏ lẻ, người nông dân chưa am hiểu sâu về các kỹ thuật tiến bộ để nâng cao nâng suất và chất lượng sản phẩm, cũng như còn nhiều hạn chế trong việc tiếp cận với công nghệ trong việc xây dựng quy trình truy xuất nguồn gốc sản phẩm.
Chính vì vậy, theo một số kiến nghị, vấn đề liên kết giữ người nông dân với các doanh nghiệp, tập đoàn hoặc tập hợp thành mô hình hợp tác xã để dễ dàng áp dụng kỹ thuật công nghệ vào quá trình trồng trọt và thu hoạch. Mặt khác, các doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất nông sản cũng cần chú trọng đến việc xây dựng hệ thống bảo quản, chế biến sau thu hoạch, đặc biệt là chế biến sâu.
Đồng thời, từ năm 2005, EU xác định truy xuất nguồn gốc là quy định bắt buộc cho các nước thành viên, theo đó, việc áp dụng truy xuất nguồn gốc nông sản là cơ sở nền tảng để doanh nghiệp Việt Nam mở rộng hơn nữa trong thị trường quốc tế vốn đòi hỏi khắt khe về truy xuất nguồn gốc hàng hóa, được xem là giấy thông hành cho bước tiến xa trong hội nhập, nâng cao vị thế của hàng hóa Việt Nam trên trường quốc tế.