Xây dựng dàn lãnh đạo có học vị "khủng", Đèo Cả hoạt động ra sao?
Trong giới xây dựng hạ tầng giao thông, Tập đoàn Đèo Cả nhiều năm qua đã thiết lập được một vị trí hàng đầu, dẫn đầu cả về quy mô lẫn chất lượng hoạt động tại Việt Nam.
Tập đoàn Đèo Cả có 20 công ty thành viên, chia thành 5 khối ngành nghề như đầu tư, dự án, sản xuất kinh doanh, dịch vụ và đầu tư nước ngoài. Doanh nghiệp có hơn 6.000 cán bộ, nhân viên.
Ông Hồ Minh Hoàng, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đèo Cả |
Đèo Cả được mệnh danh là "Vua hầm" khi một thập kỷ qua đã xây dựng hơn 22 km hầm đường bộ, cùng với đó là 275 km đường cao tốc, quốc lộ, 6 cây cầu lớn và quản lý 15 trạm thu phí, với tổng mức đầu tư 100.000 tỷ đồng. Hiện nay, Đèo Cả cũng đang tham gia vào các công trình giao thông quan trọng khác như một số gói thầu của dự án cao tốc Bắc - Nam.
Ông Hồ Minh Hoàng, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đèo Cả gây ấn tượng với nhiều người bởi quan điểm nêu cao vai trò của học tập và sự chủ động trong việc xây dựng nguồn nhân lực có trình độ cho tập đoàn.
Hồi năm ngoái, ông đã khen thưởng 10 người có thành tích học tập tốt trong khoá học đào tạo thạc sĩ điều hành cao cấp cho hàng chục lãnh đạo của Đèo Cả tại một đại học trong nước. 5 học viên đạt điểm tốt nghiệp xuất sắc nhất được tập đoàn cử tham gia tiếp chương trình nghiên cứu sinh tiến sĩ.
"Tiền có thể đi vay được, nhưng văn hoá và nhân lực là hai thứ phải tự tạo lập và xây dựng lên chứ không thể đi mượn ai được", Chủ tịch Đèo Cả từng nói về tầm quan trọng của nguồn nhân lực với doanh nghiệp tại một sự kiện.
Trong nghị quyết mới công bố, ông Hồ Minh Hoàng đã thay mặt HĐQT giao nhiệm vụ học tập, nghiên cứu nâng cao học vị đối với nhân sự tham gia công tác quản lý, điều hành.
Theo đó, Phó chủ tịch hội đồng quản trị của Đèo Cả (không bao gồm thành viên độc lập hội đồng quản trị) phải tham gia chương trình nghiên cứu sinh theo lĩnh vực được phân công và đến 31/12/2028 đạt học vị tiến sĩ.
Nghị quyết được ký bởi Chủ tịch HĐQT Hồ Minh Hoàng |
Bên cạnh đó, Đèo Cả cũng yêu cầu ban điều hành tập đoàn, đơn vị thành viên, văn phòng hội đồng quản trị (gồm chánh/phó văn phòng, trợ lý, thư ký...) cũng đi học chương trình cao học theo lĩnh vực chuyên môn được phân công, đến 31/12/2026 phải là thạc sĩ.
Theo nghị quyết, các cá nhân hoàn thành nhiệm vụ học tập và nghiên cứu đạt học vị theo quy định sẽ được chủ tịch khen thưởng. Đối với người không hoàn thành các chương trình nâng cao học vị, tùy vào tình hình thực tế, chủ tịch hội đồng quản trị sẽ xem xét kỷ luật hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền kỷ luật bằng các hình thức bãi nhiệm, miễn nhiệm, điều chuyển công việc…
Được biết, Đèo Cả hiện có 7 Phó chủ tịch đều đã là thạc sĩ, bao gồm: Ông Lê Quỳnh Mai - Thạc sĩ kết cấu xây dựng/kỹ sư xây dựng cầu đường; ông Phan Văn Thắng - Thạc sĩ Quản trị kinh doanh/kỹ sư cầu đường; ông Võ Thụy Linh - Thạc sĩ Quản trị kinh doanh/kỹ sư điện; ông Nguyễn Tấn Đông - Thạc sĩ Quản trị kinh doanh/kỹ sư cầu đường; ông Phùng Tiến Thành - Thạc sĩ Quản trị kinh doanh/kỹ sư cầu đường/thạc sĩ quản lý xây dựng; ông Nguyễn Quốc Ánh - Thạc sĩ Quản trị kinh doanh/cử nhân tài chính; ông Nguyễn Hữu Hùng - Thạc sĩ Quản trị kinh doanh/cử nhân kế toán/cử nhân tin học kinh tế.
Giữ vị trí cao nhất trong HĐQT, ông Hồ Minh Hoàng cũng có học vị Thạc sĩ Quản trị kinh doanh. Tại ban điều hành, Đèo Cả có 11 thành viên, trong đó 10 người là thạc sĩ, và 1 người là tiến sĩ là ông Dương Châu Sâm.
Nhìn lại hoạt động kinh doanh của Tập đoàn Đèo Cả, theo số liệu gần nhất, năm 2022, Đèo Cả ghi nhận doanh thu thuần đạt 4.184 tỷ đồng, tăng 9% so với cùng kỳ năm trước; lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt 419 tỷ đồng, tăng 2,2%, tương ứng biên lợi nhuận 10%.
Doanh thu năm 2022 tăng trưởng nhờ công ty hoàn thành đảm bảo tiến độ các dự án: cầu Tình Yêu, hầm bao biển Quảng Ninh, cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận, hầm Thung Thi. Các dự án khác như hầm Trường Vinh, cao tốc Cam Lâm – Vĩnh Hảo, đèo Prenn cũng đang thi công đảm bảo tiến độ.
Năm 2023, Đèo Cả đặt mục tiêu doanh thu hợp nhất hơn 6.700 tỷ đồng, tăng 50% so với năm 2022; chi trả cổ tức tối đa 80% lợi nhuận sau thuế.
Tổng tài sản của Đèo Cả tại thời điểm cuối năm ngoái là 41.781 tỷ đồng, tăng hơn 2.300 tỷ đồng so với đầu năm. Riêng tài sản cố định là gần 29.000 tỷ đồng, còn lại các khoản chiếm tỷ trọng lớn là phải thu ngắn hạn (3.547 tỷ đồng), phải thu dài hạn (1.087 tỷ đồng), chi phí trả trước dài hạn (hơn 4.800 tỷ đồng). Doanh nghiệp có hơn 1.200 tỷ đồng tiền mặt và các khoản tương đương tiền, hơn 800 tỷ đồng đầu tư tài chính dài hạn.
Tổng nợ phải trả của doanh nghiệp ở mức gần 30.000 tỷ đồng, riêng nợ vay dài hạn chiếm hơn 20.000 tỷ đồng. Đèo Cả còn có hơn 1.200 tỷ đồng nợ vay ngắn hạn. Các khoản nợ chủ yếu là vay từ ngân hàng và các tổ chức tài chính, nợ trái phiếu ghi nhận 200 tỷ đồng.