Thấy gì qua chuyện một doanh nghiệp trúng nhiều gói thầu giao thông tại Quảng Ninh?
Ông Phạm Ân Trường và hành trình doanh nhân
Ông Phạm Ân Trường là doanh nhân tuổi Giáp Dần, sinh ra và lớn lên tại mảnh đất Như Quỳnh, huyện Mỹ Văn, tỉnh Hưng Yên. Sau đó, ông lập nghiệp ở Hà Nội với tấm bằng kỹ sư xây dựng cầu đường. Và nơi đầu tiên ông được trải nghiệm công việc thật sự của một kỹ sư là Công ty Vật tư và Xây dựng công trình, ở tuổi 22 - độ tuổi vừa tốt nghiệp ra trường.
Đối tác lớn nhất của ông Phạm Ân Trường tại tỉnh Quảng Ninh là Sở Giao thông vận tải |
6 năm sau, ông Phạm Ân Trường tiếp tục trên con đường phát triển sự nghiệp. Lần này, điểm đến ông chọn là Công ty Quản lý và Sửa chữa đường bộ 236, một doanh nghiệp nhà nước trực thuộc Bộ Giao thông vận tải, có nhiệm vụ quản lý, khai thác duy tu bảo dưỡng cơ sở hạ tầng trên các tuyến đường quốc lộ được giao.
Tại đây, ông được thử sức với công việc là chuyên viên Phòng Kế hoạch - Kỹ thuật, nhưng chưa đầy 4 năm sau (2002 - 2006), ông đã thăng tiến lên vị trí Phó phòng rồi Trưởng phòng Kế hoạch - Kỹ thuật của công ty.
Quãng thời gian đó, Công ty Quản lý và Sửa chữa đường bộ 236 cũng chứng kiến sự thay đổi lớn về cấu trúc hoạt động, sau khi Bộ Giao thông vận tải quyết định cổ phần hóa doanh nghiệp vào năm 2005 - 2006, đồng thời đổi tên thành Công ty Cổ phần Quản lý và Xây dựng công trình giao thông 236 (gọi tắt là Công ty 236).
Từ lúc này, Nhà nước không còn nắm toàn bộ 100% cổ phần của Công ty 236, thay vào đó, chỉ sở hữu 24,17% vốn điều lệ. Người lao động trong doanh nghiệp mới là nhóm cổ đông lớn nhất khi nắm 55,83; còn lại 20% cổ phần được đem đấu giá công khai với giá khởi điểm 10.000 đồng/cp.
Được sở hữu cổ phần Công ty 236 có lẽ là động lực rất lớn giúp ông Phạm Ân Trường và các đồng nghiệp thêm gắn bó với doanh nghiệp. Ông Phạm Ân Trường sau đó nhận trách nhiệm dẫn dắt Phòng Kế hoạch - Kỹ thuật trong 6 năm kế tiếp (2006 - 2012), đến khi được chọn làm Giám đốc Ban điều hành xây dựng các công trình trực thuộc Công ty 236 ở tuổi 38.
Ông Phạm Ân Trường, chủ sở hữu Công ty Cổ phần Phát triển xây dựng và Thương mại số 909, Công ty TNHH Xây dựng 209 |
Trước đó, ông đã giữ một ghế ủy viên trong HĐQT của doanh nghiệp (từ năm 2007). Đến năm 2014, ông làm Phó Giám đốc doanh nghiệp, giúp sức cho ông Nguyễn Văn Tự (Chủ tịch HĐQT) và ông Phạm Ngọc Trương (Giám đốc) - cũng là hai cá nhân kỳ cựu của Công ty 236.
Với kinh nghiệm dày dặn cùng mạng lưới quan hệ trong ngành giao thông, được vun đắp trong những ngày làm việc tại Công ty 236, ông Phạm Ân Trường sớm bắt đầu thêm con đường kinh doanh riêng, thành lập ra những doanh nghiệp chuyên về xây dựng công trình giao thông như: Công ty Cổ phần Phát triển xây dựng và Thương mại số 909 (Công ty số 909), Công ty TNHH Xây dựng 209 (Công ty 209) từ năm 2009 - 2010.
Những năm qua, Công ty số 909 và Công ty 209 là hai nhà thầu hoạt động năng nổ trong lĩnh vực giao thông, thị trường cũng tương đối linh hoạt, phủ dài từ Bắc vào Nam, nhưng nổi bật nhất là khu vực Quảng Ninh. Dường như, ông Phạm Ân Trường có phần "mát tay" hơn cả tại Đất mỏ, khi trúng dồn dập nhiều gói thầu lớn nhỏ tại đây, thay vì là Hà Nội - nơi ông sinh sống và lập thân suốt 30 năm, hay như quê hương Hưng Yên đã nuôi dưỡng ông từ ngày thơ ấu.
Loạt gói thầu may mắn
Đối tác lớn của ông Phạm Ân Trường tại tỉnh Quảng Ninh là Sở Giao thông vận tải. Các gói thầu do cơ quan này làm chủ đầu tư, trực tiếp mời thầu đa phần thuộc về doanh nghiệp của ông Trường, nếu ông có nộp hồ sơ đăng ký tham dự.
Gần đây nhất, tháng 3/2023, Công ty số 909 đã trúng liên tiếp 2 gói thầu lớn từ Ban Quản lý dự án vốn sự nghiệp giao thông (Sở Giao thông vận tải tỉnh Quảng Ninh) với tổng giá trị xấp xỉ 110 tỷ đồng. Trong đó, gói thầu số 01: Quản lý, bảo dưỡng thường xuyên đường cao tốc CT.06 đoạn cầu Bạch Đằng – thành phố Hạ Long có giá 46,8 tỷ đồng và gói thầu số 01: Quản lý, bảo dưỡng thường xuyên đường cao tốc CT.06 đoạn Cẩm Hải - Vân Đồn - Tiên Yên và đường gom là 62,6 tỷ đồng.
Đáng nói, tỷ lệ giảm giá bình quân của 2 gói thầu trên đều thấp. Nhiều khả năng, nhờ lợi thế là nhà thầu nộp hồ sơ dự thầu, Công ty số 909 đã nhận được một mức giá "hời".
Những gói thầu tại Sở Giao thông vận tải tỉnh Quảng Ninh đã góp phần nuôi lớn Công ty số 909, Công ty 209 - Ảnh minh họa |
Tuy nhiên, điều đáng nói là tình trạng trúng thầu sát giá, bằng giá giữa Công ty số 909 và cơ quan phụ trách giao thông đường bộ của tỉnh Quảng Ninh.
Thực tế minh chứng, trước đó ngày 22/3 và 30/3/2021, Công ty số 909 cũng đã trúng 2 gói thầu, bao gồm gói thầu số 01: Quản lý, Bảo dưỡng thường xuyên đường và cầu các tuyến QL.10, QL.17B, QL.279 (đoạn Km27+200-Km62+550), QL.18 (đoạn Km59+400-Km65+418, Km91+200-Km94+700, Km119+600-Km132+400, Km170+900-Km187) từ ngày 1/4/2021 đến ngày 31/3/2024 và gói thầu số 02: Quản lý, Bảo dưỡng thường xuyên đường và cầu các tuyến QL.4B, QL.18B, QL.18 (đoạn Km187-Km301) và QL.18C từ ngày 1/4/2021 đến ngày 31/3/2024 với tổng giá trị gần 60 tỷ đồng.
Sở Giao thông Vận tải đã ký ban hành 2 quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu đề cập phía trên, lần lượt là Quyết định số 1338/QĐ-SGTVT và Quyết định 1509/QĐ-SGTVT.
Quyết định số 1338/QĐ-SGTVT ngày 22/3/2021 |
Theo văn bản, tại gói thầu số 01, Công ty số 909 trúng thầu với giá 14,49 tỷ đồng, tiết kiệm cho ngân sách nhà nước vỏn vẹn 30 triệu đồng.
Tương tự, trong vai trò liên danh cùng Công ty Cổ phần Quản lý cầu đường bộ II Quảng Ninh, Công ty số 909 tiếp tục trở thành nhà thầu thực hiện gói thầu số 02: Quản lý, Bảo dưỡng thường xuyên đường và cầu các tuyến QL.4B, QL.18B, QL.18 (đoạn Km187-Km301) và QL.18C từ ngày 1/4/2021 đến ngày 31/3/2024 với giá trúng 44,26 tỷ đồng, một lần nữa thấp không nhiều so với giá gói thầu được duyệt.
Các gói thầu đều chỉ ghi nhận 1 nhà thầu nộp hồ sơ đăng ký tham dự, đó là Công ty số 909/hoặc liên danh có sự hiện diện của doanh nghiệp này.
Chuyện tương tự giữa Công ty số 909 của ông Phạm Ân Trường và Ban Quản lý dự án vốn sự nghiệp giao thông của Sở Giao thông vận tải tỉnh Quảng Ninh lặp đi lặp lại nhiều lần suốt những năm qua, gây nhiều sự chú ý cho người dân địa phương.
Không ngoại lệ, Công ty 209 - cơ nghiệp khác của ông Phạm Ân Trường cũng nhận tham gia nhiều gói thầu của Ban Quản lý dự án vốn sự nghiệp giao thông, cho dù giá trúng cao ngất ngưởng so với giá gói thầu, vẫn rất hiếm có lần chịu thua thầu.
Có thể kể đến như gói thầu: Xây dựng công trình, thuộc dự án xử lý các điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông tại đoạn Km203+500 - Km203+800; Km234+800 - Km235+100, trên QL.18, tỉnh Quảng Ninh được phê duyệt theo quyết định số 2276/QĐ-SGTVT ngày 6/5/2021.
Văn bản do Sở Giao thông Vận tải ký ban hành đã một lần nữa lựa chọn doanh nghiệp của ông Phạm Ân Trường là nhà thầu thực hiện với giá trúng thấp.
Hay như gói thầu 02: Quản lý, bảo dưỡng thường xuyên đường và cầu Quốc lộ 18 (đoạn Km187-Km301), Quốc lộ 18B, Quốc lộ 18C và Quốc lộ 4B, tỉnh Quảng Ninh hồi tháng 6/2018. Lần này, Công ty số 909 và Công ty 209 liên danh cùng vượt qua hai đối thủ khác là Công ty Cổ phần Quản lý và Đầu tư xây dựng Công trình giao thông 238 và Công ty Cổ phần Thương mại và Xây dựng Đức Cường - bị loại ở bước đánh giá về năng lực và kinh nghiệm.
Đối thủ trượt chân từ vòng "gửi xe", nên dù đưa ra mức giá với tỷ lệ chiết khấu thấp, bộ đôi của doanh nhân Phạm Ân Trường vẫn thắng lợi tại gói thầu trị giá 38,6 tỷ đồng này.
Theo tài liệu của Báo Công Thương, loạt gói thầu từ Sở Giao thông vận tải tỉnh Quảng Ninh là một trong những nguồn thu cốt lõi nuôi lớn doanh nghiệp của ông Phạm Ân Trường những năm qua.
Giá trị quá nhỏ, lợi nhuận của Công ty số 909 gần như biến mất khỏi biểu đồ |
Vì vậy, doanh thu của Công ty số 909 giai đoạn 2018 - 2022 liên tục tăng trưởng, lần lượt đạt 123,8 tỷ đồng, 158,2 tỷ đồng, 242 tỷ đồng, 231 tỷ đồng và 316 tỷ đồng.
Có thể thấy, khác với đại đa số nhà thầu đang lao đao trước "cơn bão" của ngành xây dựng năm 2021 - 2022, Công ty số 909 ngược dòng thiết lập các đỉnh doanh thu mới. Tuy vậy, một điểm đáng lưu tâm là lợi nhuận sau thuế của Công ty số 909 công bố lên cơ quan chức năng quá thấp, chỉ dao động trong ngưỡng vài trăm triệu đồng.
Điều đó dựng nên bức tranh tương phản tại Công ty số 909, một mặt tích cực nhận số tiền lớn từ ngân sách nhà nước thông qua các gói thầu. Mặt khác số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp lại cho ngân sách nhà nước vô cùng nhỏ, khi báo lãi mấp mé mức lỗ hàng năm.
Chỉ 8% nguồn vốn được hình thành từ vốn chủ sở hữu, còn lại 92% thuộc về chủ nợ, đối tác |
Thêm vào đó, khá bất ngờ khi Công ty số 909 của ông Phạm Ân Trường chỉ có vốn điều lệ 9 tỷ đồng. Nhà thầu phải dựa vào các chủ nợ, vì vậy riêng khoản tiền vay đã lên tới 70 tỷ đồng, gấp hơn 6 lần vốn chủ sở hữu, tính đến thời điểm cuối năm 2022.
Bên cạnh đó, Công ty số 909 ghi nhận đến 66 tỷ đồng phải trả người bán ngắn hạn, qua đó tổng nợ phải trả tại ngày lập báo cáo tài chính năm 2022 là 158,2 tỷ đồng. Với vốn chủ sở hữu vỏn vẹn 11,3 tỷ đồng, tổng nợ đang vượt tận 14 lần, gây nhiều tranh cãi khi một nhà thầu có bức tranh tài chính "trung bình" đến vậy, lại là đối tác được Sở Giao thông vận tải tỉnh Quảng Ninh nhiều năm "chọn mặt gửi vàng".