Việt Nam - Tây Ban Nha: Thúc đẩy hợp tác thương mại, đầu tư qua Hiệp định EVFTA
Hiệp định EVFTA, tạo “xa lộ” cho nông sản Việt thâm nhập thị trường Hiệp định EVFTA: Cân bằng lợi ích của Việt Nam và EU |
Kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng khả quan
Trong 9 tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam – Tây Ban Nha đạt xấp xỉ 2,99 tỷ USD tăng 11,1% so với cùng kỳ, trong đó xuất khẩu đạt hơn 2,51 tỷ USD tăng 11,2%, nhập khẩu đạt gần 0,48 tỷ USD tăng 10,6%, xuất siêu tiếp tục được duy trì ở mức cao là 2,03 tỷ USD. Theo Thương vụ Việt Nam tại Tây Ban Nha, đây là mức tăng trưởng xuất khẩu khả quan trong bối cảnh nhiều thị trường lớn bị sụt giảm/tăng trưởng âm so với cùng kỳ (khu vực thị trường EU có mức sụt giảm chung là 8,9%).
Xuất khẩu các mặt hàng công nghiệp tiếp tục duy trì đà tăng trưởng tốt bao gồm: Sản phẩm từ cao su 61,3%, hàng du lịch 56,1%, hàng dệt may 40,4%, giày dép các loại 30,2%, nguyên phụ liệu dệt may - da giày 21,4%, phương tiện vận tải - phụ tùng 14,6% và đồ chơi - dụng cụ thể thao - bộ phận 149,6%. Ngoại trừ mặt hàng gạo hiện có mức tăng trưởng cao là 145,9%, nhiều mặt hàng nông thủy sản bị sụt giảm tăng trưởng, cụ thể là thủy sản 32,4%; hạt điều 2,3%; hồ tiêu 22,8%; cà phê 7,6%; gỗ và sản phẩm gỗ 10,0%; và sản phẩm mây, tre, cói, thảm 7,9%.
Việt Nam là một trong những nước có thị phần và kim ngạch xuất khẩu lớn nhất khu vực châu Á sang thị trường Tây Ban Nha. Ảnh: TTXVN |
Ông Vũ Chiến Thắng - Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Tây Ban Nha cho biết, hiện tại Việt Nam vẫn duy trì là một trong những nước có thị phần và kim ngạch xuất khẩu lớn nhất khu vực châu Á sang thị trường Tây Ban Nha, chỉ xếp sau các đối tác vốn được xem là chiến lược của bạn như Trung Quốc, Ấn Độ, và Nhật Bản, xếp trên tất cả các nước ASEAN khác.
Về đầu tư, Tây Ban Nha luôn là một trong những nhà đầu tư trực tiếp ra nước ngoài (FDI) tiềm năng lớn tại khu vực châu Âu. Theo thống kê cập nhật của Cục Xúc tiến Thương mại - Đầu tư Tây Ban Nha (ICEX), tổng số FDI của Tây Ban Nha ra nước ngoài đến nay đạt xấp xỉ 903,30 tỷ euro, chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực như: Dịch vụ tài chính - bảo hiểm, viễn thông, năng lượng, khoáng sản trừ kim loại, thực phẩm, hóa công nghiệp, bất động sản, khai thác dầu khí, xây dựng và dịch vụ kho bãi và vận chuyển, đầu tư tập trung nhiều nhất tại các quốc gia như Anh, Mỹ, Mexico, Pháp, Bồ Đào Nha, Luxemburg, Hà Lan, Malaysia, Brazil, và Đức.
Về FDI của Tây Ban Nha tại Việt Nam, theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam, lũy kế các dự án FDI còn hiệu lực đến tháng 6/2023, Tây Ban Nha có tổng số 92 dự án với tổng số vốn đăng ký là 143,71 triệu USD, đứng thứ 36 trong số 147 quốc gia và vùng lãnh thổ có FDI tại Việt Nam. “Việc tăng cường tận dụng hiệu quả các ưu đãi của Hiệp định EVFTA và thúc đẩy quá trình phê chuẩn và thực thi Hiệp định EVIPA (Hiệp định bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU) hứa hẹn sẽ góp phần thu hút mạnh mẽ hơn nữa dòng vốn FDI của Tây Ban Nha vào Việt Nam trong thời gian tới”- ông Vũ Chiến Thắng đánh giá.
Đẩy mạnh tận dụng EVFTA
Nhận định về triển vọng xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Tây Ban Nha, Thương vụ Việt Nam tại Tây Ban Nha cho biết, hiện nay và trong thời gian tới sẽ gặp khó khăn và thách thức nhiều hơn trước, nhất là trong bối cảnh sức ép cạnh tranh thị trường ngày càng lớn khi EU và Tây Ban Nha - hiện làm Chủ tịch luân phiên của EU đang ưu tiên thúc đẩy phê chuẩn Hiệp định FTA giữa EU với Chile, Mexico và các nước khối Mercosur và đã nối lại đàm phán các hiệp định FTA với các nước ASEAN khác như Thái Lan, Indonesia và Philipines.
Ngoài ra, hàng hoá Việt Nam phải cạnh tranh với các sản phẩm nhất là hàng thủy sản, rau quả, cà phê, gỗ và sản phẩm gỗ đến các nước có các ưu thế vượt trội về địa lý, chi phí, thời gian vận chuyển hàng hóa và sẵn có mối quan hệ truyền thống đặc biệt với cộng đồng nói tiếng Tây Ban Nha đông đảo như các quốc gia châu Mỹ La tinh và Bắc Phi. Cộng đồng kiều bào tại Tây Ban Nha còn nhỏ bé và nhất là chưa có doanh nhân Việt kiều đủ lớn để có thể nhập khẩu hàng hóa một cách thường xuyên hay giá trị hợp đồng đáng kể với trong nước.
Vì vậy, theo ông Vũ Chiến Thắng, Thương vụ Việt Nam tại Tây Ban Nha sẽ tiếp tục chủ động nghiên cứu, nắm vững nhu cầu, thị hiếu, yêu cầu của thị trường và thường xuyên cập nhật các quy định, chính sách mới của nước sở tại để tham mưu, đề xuất những phản ứng chính sách kịp thời, nhanh nhạy. Đồng thời, tăng cường kết nối, thúc đẩy hợp tác, thu hút các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào các lĩnh vực mà trong nước đang có nhu cầu và có chính sách ưu đãi đầu tư như: Cơ khí, chế biến chế tạo, điện tử, hóa chất, vật liệu mới và các ngành công nghiệp phụ trợ, dịch vụ tài chính, ngân hàng, logistics, chuyển đổi năng lượng xanh.
Bên cạnh đó, Thương vụ Việt Nam tại Tây Ban Nha cũng sẽ tiếp tục tăng cường tổ chức và tham gia các sự kiện xúc tiến thương mại, đầu tư hợp tác công nghiệp và giao thương kết nối doanh nghiệp song phương theo hình thức kết hợp cả trực tiếp và trực tuyến. Phối hợp với một số thành phố lớn như Barcelona và Sevilla tổ chức các Webinar giới thiệu về cơ hội hợp tác kinh doanh tiềm năng đối với các doanh nghiệp địa phương hai nước tận dụng việc thực hiện Hiệp định EVFTA, nhất là đối với một số nhóm mặt hàng Việt Nam có tiềm năng xuất khẩu.
Ngoài ra, ông Vũ Chiến Thắng cho hay, Thương vụ sẽ tăng cường hoạt động kết nối các doanh nghiệp - sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam tới các tập đoàn - nhà nhập khẩu - siêu thị phân phối lớn sở tại thực hiện “Đề án hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tham gia trực tiếp các mạng phân phối ở ngoài nước tới năm 2030”, trong đó có hoạt động kết nối với Tập đoàn INDITEX về dệt may và da giày, kết hợp lồng ghép với hoạt động đối thoại doanh nghiệp, Tuần hàng Việt Nam....; tiếp tục cập nhật cơ sở dữ liệu doanh nghiệp xuất nhập khẩu của Việt Nam và Tây Ban Nha để phục vụ thường xuyên hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư, tiếp thị và kết nối giao thương. Chủ động cảnh báo về rào cản thương mại, các biện pháp kỹ thuật sở tại cho các cơ quan, tổ chức và hiệp hội doanh nghiệp trong nước...
Thương vụ Việt Nam tại Tây Ban Nha sẽ tăng cường phối hợp trong công tác xác minh đối tác sở tại (về tư cách pháp nhân, năng lực tài chính, cơ sở vật chất, thị trường tiêu thụ - phân phối và uy tín) trước khi đi đến đàm phán ký kết hợp đồng ngoại thương để trách tình trạng bị lừa đảo, chiếm đoạt hàng hóa, chiếm dụng vốn, trây ì hay thanh toán,…. |