Hiệp định EVFTA: Cân bằng lợi ích của Việt Nam và EU
Hiệp định EVFTA, thúc đẩy doanh nghiệp gia tăng mặt hàng chế biến sâu Ưu đãi từ Hiệp định EVFTA, thuỷ sản Việt Nam làm gì để vào thị trường Italia? |
FTA thế hệ mới lớn nhất về lợi ích
Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) bao gồm 17 chương, 18 phụ lục, 4 tuyên bố chung, 2 nghị định thư và 2 biên bản ghi nhớ về một số khía cạnh điển hình trong các FTA. Một số chương và điều khoản của Hiệp định không yêu cầu sửa đổi pháp luật trong nước để thực thi.
Đánh giá về tác động của EVFTA, theo Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công Thương, EVFTA có thể thúc đẩy mạnh mẽ và đẩy nhanh quá trình cải cách trong nước theo hướng minh bạch và thuận lợi hóa thương mại. Bên cạnh những tác động khác, EVFTA sẽ giúp thúc đẩy cạnh tranh, hợp tác và nâng cao năng lực, kích thích phát triển các ngành dịch vụ, bao gồm dịch vụ tài chính, viễn thông và nhập cảnh tạm thời của các nhà cung cấp dịch vụ.
Bên cạnh đó, nhiều điều khoản của EVFTA cũng sẽ kích thích cải cách thể chế nhằm củng cố và chuẩn hóa các quy tắc, thúc đẩy tính minh bạch và hỗ trợ tạo ra các thể chế hiện đại ở Việt Nam, nhất là trong các lĩnh vực môi trường, mua sắm chính phủ, sở hữu trí tuệ, đầu tư, tiêu chuẩn lao động, vấn đề pháp lý, quy tắc xuất xứ các biện pháp phi thuế quan.
Liên minh châu Âu hiện là một trong những đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam. Ảnh: TTXVN |
Đặc biệt, EVFTA là FTA thế hệ mới lớn nhất về lợi ích. Theo đó, việc Hiệp định EVFTA có hiệu lực, EU sẽ loại bỏ thuế nhập khẩu đối với 85,6% số dòng thuế, tương đương 70,3% hàng xuất khẩu của Việt Nam sang EU. Sau 7 năm, EU sẽ loại bỏ thuế nhập khẩu đối với 99,2% dòng thuế, tương đương với 99,7% hàng xuất khẩu của Việt Nam; đối với 0,3% còn lại, EU cam kết dành cho Việt Nam một lượng hạn ngạch thuế quan với mức thuế nhập khẩu là 0%.
Đối với hàng xuất khẩu của EU, Việt Nam cam kết loại bỏ 48,5% dòng thuế ngay khi Hiệp định có hiệu lực. Sau đó, sau 7 năm, 91,8% dòng thuế tương đương 97,1% hàng xuất khẩu của EU sẽ được gỡ bỏ. Sau 10 năm, 98,3% dòng thuế sẽ được loại bỏ; đối với 1,7% dòng thuế còn lại của EU, Việt Nam sẽ áp dụng lộ trình bãi bỏ thuế nhập khẩu hoặc áp dụng hạn ngạch thuế quan phù hợp với các cam kết của WTO.
Một số nội dung cam kết quan trọng, như: Về rào cản kỹ thuật đối với thương mại (TBT) bao gồm các quy định kỹ thuật bắt buộc và các tiêu chuẩn không bắt buộc xác định các đặc điểm cụ thể mà sản phẩm cần có, chẳng hạn như kích thước, hình dạng, thiết kế, ghi nhãn, đánh dấu, đóng gói, chức năng hoặc hiệu suất. Các quy trình cụ thể được sử dụng để kiểm tra và chứng minh liệu một sản phẩm có tuân thủ các yêu cầu này hay không cũng được đề cập trong chương này.
Cam kết về vệ sinh và kiểm dịch thực vật (SPS) tái khẳng định tất cả các nguyên tắc của Hiệp định SPS của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và tham khảo một số tiêu chuẩn của các cơ quan quốc tế, bao gồm Codex Alimentarius (Codex) về an toàn thực phẩm, Tổ chức Thú y thế giới (OIE) trong sức khỏe động vật, Công ước bảo vệ thực vật quốc tế (IPPC) về sức khỏe thực vật. Các cam kết này cao hơn cả các quy định của WTO và không hoàn toàn giống hiệp định SPS của WTO.
Quy tắc xuất xứ (ROO) là một vấn đề thách thức được phản ánh bởi các ngưỡng nghiêm ngặt cả về nguồn gốc trong nước tối thiểu hoặc nguyên liệu có nguồn gốc ngoài khu vực FTA ở mức tối đa (bên cạnh những yếu tố khác). Chương ROOs khuyến nghị tăng cường sản xuất trong nước và tăng giá trị xuất khẩu bên cạnh những yếu tố khác.
Theo Bộ Công Thương, có một số điểm khác biệt nhất định với Hiệp định SPS của WTO, nhưng cam kết về SPS trong EVFTA không thay đổi mức độ cam kết của EU và Việt Nam trong Chương SPS một cách đáng kể mà cung cấp thêm các hướng dẫn hoặc yêu cầu kỹ thuật tạo thuận lợi cho việc thực hiện các nghĩa vụ hiện tại của WTO, chẳng hạn như các yêu cầu về tính minh bạch và hỗ trợ kỹ thuật.
Tỷ lệ tận dụng ưu đãi EVFTA chưa cao
Liên minh châu Âu hiện là một trong những đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam với kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2019 là 56,5 tỷ USD, trong đó xuất khẩu đạt 41,5 tỷ USD, nhập khẩu từ EU đạt 14,9 tỷ USD. Trong năm 2022, kim ngạch trao đổi thương mại giữa Việt Nam và các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) đạt 62,24 tỷ USD, tăng 9,2% với năm 2021. Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang các nước EU đạt 46,8 tỷ USD, tăng 16,7% so với năm 2021. Kim ngạch nhập khẩu từ các nước EVFTA đạt 15,4 tỷ USD, giảm 8,6% so với năm 2021.
Tại báo cáo kết quả triển khai Hiệp định CPTPP, EVFTA và UKVFTA của các Bộ, ngành, địa phương trong năm 2022, Bộ Công Thương cho biết, kim ngạch xuất khẩu sang EU theo mẫu C/O theo EVFTA (mẫu EUR.1) đạt 12,1 tỷ USD, chiếm 25,9% xuất khẩu chung sang EU, tăng 49,4% so với năm 2021. Nhiều mặt hàng quan trọng của Việt Nam xuất khẩu sang EU tiếp tục có tỷ lệ tận dụng tích cực, ví dụ thủy sản đạt 82,9% (tăng 29,5% so với năm 2021), rau quả đạt 72,6% (tăng 34,2%), giày dép đạt 99,5% (tăng 49,7%), dệt may đạt 15,7% (tăng 43,4%), gỗ và sản phẩm gỗ đạt 14,2% (tăng 85,2%)... Các thị trường xuất khẩu chính là Hà Lan (chiếm 22,3%), Đức (chiếm 19,2%), Italia (chiếm 9,5%), Bỉ (chiếm 8,5%), Pháp (chiếm 7,9%)...
Ở chiều ngược lại, nhập khẩu từ EU ghi nhận mức sụt giảm so với năm 2021. Nhiều mặt hàng nhập khẩu quan trọng từ EU như máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện giảm 8,6%, máy móc, thiết bị giảm 15,9%, dược phẩm giảm 4,5%, sản phẩm hóa chất giảm 1,7%, nguyên phụ liệu dệt may, da giày giảm 21,4%, máy móc thiết bị giảm 15,9%... Các thị trường nhập khẩu chính trong khối EU là Đức (chiếm 23,5%), Ailen (chiếm 21,7%), Italia (chiếm 11,6%), Pháp (chiếm 10,6%)...
Thặng dư thương mại của Việt Nam với các nước EU trong năm 2022 đạt 31,4 tỷ USD, tăng 35,1% so với năm 2021. Tuy nhiên, dù có mức thặng dư thương mại lớn thứ 2, chỉ sau Hoa Kỳ nhưng tỷ trọng thị trường EU trong tổng kim ngạch xuất khẩu và nhập khẩu của Việt Nam còn chưa cao, tương ứng là 12,6% và 4,3%.
Ngoài ra, theo Bộ Công Thương, hiện tỷ lệ tận dụng ưu đãi trong EVFTA khoảng gần 26%. Việc xây dựng và định vị thương hiệu cho các mặt hàng “Made in Viet Nam” tại thị trường khó tính như thị trường các nước FTA chưa được quan tâm; khả năng đáp ứng, tuân thủ các yêu cầu về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm và các yêu cầu kỹ thuật của hàng hóa xuất khẩu Việt Nam vẫn còn hạn chế; các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam chủ yếu dưới dạng thô hoặc theo đơn đặt hàng gia công của các nhà nhập khẩu nước ngoài. Số lượng doanh nghiệp Việt Nam xây dựng được thương hiệu xuất khẩu sang các thị trường FTA còn hạn chế.