Việt Nam phải là "mắt xích" trọng yếu của ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu
Việt Nam nhiều tiềm năng để phát triển ngành công nghiệp bán dẫn Tập đoàn NVIDIA sẽ xây dựng cơ sở về bán dẫn tại Việt Nam Việt Nam có thể rút ngắn lộ trình phát triển ngành công nghiệp bán dẫn |
Đào tạo đội ngũ nhân lực toàn diện
Phát biểu tại cuộc họp chiều 27/2, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, thời gian tới Bộ sẽ tập trung tổng hợp ý kiến các bên liên quan để hoàn thiện Đề án phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn, sớm trình Chính phủ trong quý I/2024, đẩy nhanh tiến độ thực hiện nhằm sớm đạt được mục tiêu đến năm 2030.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng |
Theo đó, năm 2030, Việt Nam hướng tới đào tạo nguồn nhân lực có trình độ, chuyên môn. Cụ thể, các kỹ sư Việt Nam có khả năng tham gia sâu vào quy trình thiết kế các vi mạch bán dẫn hiện đại (từ front-end đến back-end), tham gia sâu vào công đoạn đóng gói và kiểm thử vi mạch bán dẫn, làm chủ được một phần công nghệ đóng gói và kiểm thử.
Bên cạnh đó, kỹ sư Việt Nam tham gia làm việc trong các nhà máy sản xuất bán dẫn, từng bước nắm bắt được công nghệ trong công đoạn sản xuất và đào tạo được 50.000 kỹ sư phục vụ ngành trong tất cả các công đoạn của chuỗi giá trị.
Xa hơn nữa, đến năm 2045, Việt Nam hướng đến việc trở thành mắt xích quan trọng trong chuỗi giá trị ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu với đội ngũ kỹ sư, chuyên gia đủ khả năng đáp ứng được yêu cầu phát triển ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam cả về chất lượng và số lượng.
Để đạt được mục tiêu trên, từ tháng 9/2023 đến tháng 2/2024, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã giao Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC), cơ quan chủ trì dự thảo Đề án tổ chức nhiều hoạt động phục vụ nghiên cứu, xây dựng Đề án.
Tại buổi làm việc lấy ý kiến về dự thảo, ông Vũ Quốc Huy, Giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC), đại diện Ban soạn thảo đã giới thiệu tổng quan quá trình và kết quả nghiên cứu, xây dựng Đề án. Qua đó, nhận được sự đánh giá cao từ phía các cơ quan, doanh nghiệp, trường đại học, viện nghiên cứu, chuyên gia người Việt Nam ở trong và ngoài nước.
Không chỉ thực hiện công tác khảo sát, tổ chức các chương trình đào tạo ngắn hạn cho giảng viên, sinh viên, kỹ sư ngành với mong muốn tham gia chuyển đổi sang ngành công nghiệp bán dẫn… Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia trong thời gian qua đã phối hợp với nhiều trường đại học.
Minh chứng rõ nét là việc phối hợp với Cadence, Đại học bang Arizona, FPT, Đại học Giao thông Dương Minh (Đài Loan)… hình thành các trung tâm đào tạo thiết kế chip, tổ chức các khóa đào tạo cho giảng viên, sinh viên và hỗ trợ bản quyền phần mềm, chương trình đào tạo, cấp học bổng cho các trường đại học. Hoạt động này có ý nghĩa rất quan trọng, là bước đầu tạo tiền đề triển khai các nhiệm vụ của Đề án.
"Thiên thời địa lợi nhân hòa"
Cách đây ít lâu, trả lời phỏng vấn phóng viên Báo Công Thương, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng khẳng định Việt Nam đang hội tụ đầy đủ điều kiện và yếu tố cần thiết để phát triển công nghiệp bán dẫn.
Có thể kể đến hệ thống chính trị ổn định, vị trí địa lý thuận lợi, cơ chế ưu đãi đầu tư hấp dẫn, nguồn nhân lực kỹ thuật - công nghệ dồi dào, cơ sở hạ tầng số ngày một phát triển. Chính phủ Việt Nam quyết tâm cao trong việc theo đuổi, phát triển ngành công nghiệp bán dẫn, đã và đang thu hút ngày càng nhiều các tập đoàn lớn trong ngành này.
Đặc biệt, Tổng thống Hoa Kỳ cam kết và ủng hộ Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị công nghệ cao toàn cầu và vào ngành chíp, bán dẫn đã mở ra cơ hội lớn cho Việt Nam gia nhập mạng lưới sản xuất có giá trị cao của quốc tế.
Nhiều tập đoàn, doanh nghiệp lớn ngành điện tử, bán dẫn có kế hoạch mở rộng đầu tư tại Việt Nam. Ảnh minh họa |
Không những vậy, nhận thấy tiềm năng của Việt Nam, nhiều tập đoàn, doanh nghiệp lớn trong ngành điện tử, bán dẫn đã hiện diện và đang có kế hoạch mở rộng đầu tư tại Việt Nam như: Intel, Samsung, Synopsys, Qualcomm, Infineon, Amkor… Điều này là minh chứng cho vai trò then chốt và ngày càng quan trọng của Việt Nam trong chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu.
Ngoài ra, không thể không nhắc đến những quyết sách đúng đắn, quan trọng, mang tính quyết định nhằm tăng cường thu hút đầu tư vào lĩnh vực bán dẫn từ Quốc hội, Chính phủ Việt Nam.
Theo đó, Việt Nam đang xây dựng Chiến lược quốc gia về công nghiệp bán dẫn đến năm 2023; Đề án phát triển nguồn nhân lực cho ngành bán dẫn, với mục tiêu đào tạo, phát triển 50.000 nhân lực cho ngành đến năm 2030.
Vừa qua, Quốc hội cũng đã ban hành Nghị quyết số 110/2023/QH15 Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, giao cho Chính phủ xây dựng Nghị định, thành lập quỹ hỗ trợ đầu tư cho ngành công nghệ cao, trong đó công nghiệp bán dẫn, dự kiến ban hành vào giữa năm 2024.
Chính phủ cũng đã phê duyệt Quy hoạch điện VIII và thành lập Ban chỉ đạo Nhà nước về các công trình trọng điểm ngành năng lượng với mục tiêu cung cấp điện ổn định, bền vững phục vụ các dự án đầu tư, đặc biệt là các dự án đầu tư vào lĩnh vực công nghệ cao và ngành bán dẫn, đẩy mạnh công tác giải phóng mặt bằng, chuẩn bị đủ mặt bằng sạch tại các khu công nghiệp, khu kinh tế, khu công nghệ cao, cũng như đẩy nhanh tiến độ các công trình giao thông quan trọng kết nối với cảng biển, sân bay… tạo thuận lợi và nâng cao sức cạnh tranh của các dự án bán dẫn.