Việt Nam có thể rút ngắn lộ trình phát triển ngành công nghiệp bán dẫn
Phát triển ngành công nghiệp bán dẫn: Nhân lực phải đóng vai trò nền tảng Việt Nam nhiều tiềm năng để phát triển ngành công nghiệp bán dẫn |
PV: Ông có thể chia sẻ quan điểm cũng như các đánh giá về phát triển công nghiệp bán dẫn ở Việt Nam?
PGS.TS Nguyễn Thường Lạng: Theo quan điểm của tôi, công nghiệp hoá ở Việt Nam ngày càng đi vào chiều sâu, thực chất, vừa cải thiện sức chống chịu kiên cường vừa phát triển theo xu hướng công nghiệp thế giới và bảo đảm tính độc lập, tự chủ trong hội nhập.
Việc đặt vấn đề phát triển công nghiệp bán dẫn Việt Nam ngang hàng với các cường quốc công nghiệp bán dẫn trên thế giới thể hiện khát vọng “sánh vai với các cường quốc 5 châu” như Bác Hồ hằng mong ước.
Ngành công nghiệp bán dẫn đang đóng vai trò công nghiệp cốt lõi, chiến lược, mũi nhọn, sinh lợi lớn, lan toả mạnh và thu hút nhiều nguồn lực tinh hoa về công nghiệp bán dẫn của nhân loại. Không những thế, trong điều kiện thế giới đang chuyển dịch mạnh cơ cấu công nghệ, cơ hội đi tắt đón đầu công nghệ đang hiện hữu, các ngành công nghiệp mới và phân ngành mới công nghiệp xuất hiện và phát triển rất nhanh trong đó có công nghiệp bán dẫn.
Ảnh minh hoạ. |
Việc phát triển thành công ngành công nghiệp bán dẫn là tiêu chí đặc biệt quan trọng trong chuyển dịch cơ cấu công nghiệp, đổi mới mô hình tăng trưởng và thực hiện thành công nghiệp hoá. Chủ trương phát triển công nghiệp bán dẫn hoàn toàn đúng đắn và hứa hẹn bước tiến chưa từng có trong lịch sử phát triển công nghiệp Việt Nam.
Kinh nghiệm thành công của các nền kinh tế đi trước như Hàn Quốc, Nhật Bản... là bài học tham chiếu hữu ích để Việt Nam có thể rút ngắn lộ trình phát triển một ngành công nghiệp non trẻ song triển vọng phát triển rất lớn.
PV: Theo ông, liệu Việt Nam có đủ thời gian đào tạo nguồn nhân lực để kịp đáp ứng cho ngành công nghiệp bán dẫn hay không?
PGS. TS Nguyễn Thường Lạng: Việc phát triển công nghiệp bán dẫn hầu như không có điểm tận cùng cho nên cần tính đến khoảng thời gian cần thiết thậm chí tối ưu để các sản phẩm là các chip bán dẫn công nghệ cao sử dụng trong tất cả thiết bị số hoá và cả trong quốc phòng. Do đó, cần quyết liệt tranh thủ cơ hội và tiết kiệm thời gian, thực hiện đầu tư phát triển ngành công nghiệp này. Đây là thời điểm có thể nói hội đủ cả “thiên thời, địa lợi, nhân hoà” và phát triển công nghiệp bán dẫn không bao giờ muộn, vì công nghiệp hoá Việt Nam có đặt mục tiêu đến 2045- thời điểm đất nước trở thành nước công nghiệp thu nhập cao (theo Văn kiện Đại hội XIII Đảng Cộng sản Việt Nam).
Tuy nhiên, cần khẩn trương để tận dụng cơ hội các nhà đầu tư công nghiệp bán dẫn đang sẵn sàng hợp tác với Việt Nam cũng như không bị tụt hậu trong phát triển ngành công nghiệp mũi nhọn này. Để phát triển công nghiệp non trẻ này cần có nhân lực được đào tạo. Nếu đào tạo từ kiến thức, kỹ năng cơ bản đầu tiên sẽ cần thời gian nhiều hơn.
Thực tế, Việt Nam cũng đã có nguồn lực ở mức độ nhất định theo đó cần tập hợp, huy động cả nhà khoa học, đội ngũ nhân lực trong công nghiệp bán dẫn trong các doanh nghiệp, viện nghiên cứu, trung tâm, trường đại học, tập đoàn cùng với cơ chế huy động hiệu quả từ người Việt Nam ở nước ngoài. Cần chiến lược đào tạo nhân lực quyết liệt với thời gian biểu xây dựng khoa học, tối ưu, kết hợp đào tạo lý thuyết và thưc hành nhuần nhuyễn, phát huy nguồn lực tinh hoa công nghiệp bán dẫn, khả năng giải mã và phát triển công nghệ thực chất để kết quả đạt được có độ tin cậy cao nhất, tạo lòng tin cao nhất vào thắng lợi khi thực hiện mục tiêu đặt ra.
Việc đào tạo có thể thực hiện trong nước, nước ngoài với chương trình học tập, nghiên cứu, sáng tạo và khả thi với quá trình giám sát chặt chẽ để bảo đảm nhân sự đào tạo phát huy vai trò cao nhất.
PGS.TS Nguyễn Thường Lạng |
PV: Dưới góc độ quản lý nhà nước, Bộ Công Thương cần làm gì để phát triển công nghiệp bán dẫn như một ngành công nghiệp cốt lõi?
PGS.TS Nguyễn Thường Lạng: Bộ Công Thương là cơ quan quản lý nhà nước đóng vai trò tham mưu trực tiếp chiến lược, chính sách, quy hoạch, pháp luật phát triển công nghiệp nói chung và công nghiệp bán dẫn nói riêng. Theo quan điểm cá nhân, Bộ Công Thương cần tích cực, chủ động dựa trên chủ trương chung để xây dựng thành Đề án phát triển công nghiệp bán dẫn giai đoạn 2024 - 2030 và tầm nhìn đến năm 2045.
Cần chỉ ra lộ trình cụ thể phát triển công nghiệp bán dẫn với mục tiêu phát huy tối đa năng lực hiện có của đất nước cả tiềm năng tài nguyên và con người, trước mắt cần đảm nhận những khâu công việc như thiết kế, đóng gói, tiếp theo cần quyết liệt giải mã công nghệ chế tạo, công nghệ cốt lõi trong chuỗi giá trị công nghiệp chất bán dẫn tinh xảo, tinh vi và phức tạp.
Cần rà soát, đánh giá có chế, chính sách phát triển công nghiệp bán dẫn, đánh giá sâu sắc, toàn diện tiềm năng phát triển, dự báo tương lai, đánh giá tác động cụ thể, chi tiết công nghiệp bán dẫn đến cơ cấu công nghiệp, tiến trình công nghiệp hoá và phát triển kinh tế, đề xuất xây dựng cơ chế, chính sách mới thậm chí cả hệ sinh thái phát triển. Cùng đó tính toán nguồn vốn và cấu vốn đầu tư, hiệu quả, cơ chế huy động và phát triển nhân lực chất lượng cao, phương thức kết nối chuỗi trị để vừa tạo giá trị tối đa cho nền kinh tế, vừa cải thiện vị thế công nghiệp và nền kinh tế quốc gia trong giai đoạn có khả năng phát triển đột phá.
PV: Xin cảm ơn ông!
Việc phát triển thành công ngành công nghiệp bán dẫn là tiêu chí đặc biệt quan trọng đánh dấu sự thành công của chuyển dịch cơ cấu công nghiệp, đổi mới mô hình tăng trưởng và thực hiện thành công nghiệp hoá. |