Vì sao bất động sản Tây Nam Bộ trở nên hấp dẫn?
Kịch bản nào cho thị trường bất động sản năm 2024? Thị trường bất động sản: Nhìn người mà ngẫm cho ta Thị trường bất động sản ấm dần sau Tết |
Tại tọa đàm mới đây về bất động sản của Tây Nam Bộ, ông Dương Quốc Thủy, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản thành phố Cần Thơ chia sẻ, tín hiệu khó khăn của thị trường bất động sản bắt đầu bùng mạnh và lan rộng vào thời điểm cuối năm 2022. Bước sang năm 2023, khó khăn bao trùm toàn thị trường bất động sản.
Trong đó, điểm nhấn đáng chú ý là việc đóng cửa, rút khỏi thị trường bất động sản của hàng loạt doanh nghiệp địa ốc. Cụ thể, trong 11 tháng năm 2023, có 1.160 doanh nghiệp bất động sản rời khỏi thị trường, đóng cửa hay tạm dừng hoạt động. Nhiều doanh nghiệp bất động sản lớn phải cơ cấu lại bộ máy, giải thể công ty con, cắt giảm nhân sự (nhiều doanh nghiệp xây dựng, bất động sản đã cắt giảm từ 50 - 80% nhân sự).
Tuy nhiên, bước sang năm 2024, nhiều chuyên gia bất động sản đều kỳ vọng thị trường bất động sản tươi sáng hơn, đặc biệt là thị trường Tây Nam Bộ đầy tiềm năng.
Tiềm năng lớn đang chờ...cất cánh
Tại tọa đàm Bất động sản Tây Nam Bộ năm 2024 “Đón cơ hội trong vận hội mới”, TS. Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) thẳng thắn bày tỏ và đánh giá khu vực Tây Nam Bộ là vùng có tiềm năng lớn khi sở hữu nhiều điều kiện thuận lợi về tự nhiên, khí hậu. Nơi đây không chỉ phát huy năng lực tăng trưởng nông nghiệp, xuất khẩu thủy hải sản mà còn thu hút mạnh dòng vốn FDI lĩnh vực công nghiệp, năng lượng sạch, logistics...
TS. Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam đánh giá bất động sản Tây Nam Bộ năm 2024 đầy tiềm năng. Ảnh: VARS |
Ngoài ra, các tỉnh, thành phố trong vùng còn trở thành động lực tăng cường kết nối thông thương nội vùng, giữa vùng với TP. Hồ Chí Minh, Đông Nam Bộ và cả nước. Đây là cơ hội cho vùng nâng cao chất lượng sống của người dân, vừa là cơ hội cho các chủ đầu tư tìm đến phát triển các dự án bất động sản Tây Nam Bộ đáp ứng nhu cầu ở cho người dân.
Bên cạnh đó, tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, hạ tầng giao thông đã và đang đẩy mạnh triển khai, trở thành điểm sáng thu hút nhà đầu tư trong, ngoài nước.
Cụ thể, trong giai đoạn 2023 - 2025, Tây Nam Bộ đã khởi công loạt tuyến cao tốc trục ngang là An Giang - Cần Thơ - Hậu Giang - Sóc Trăng và tuyến Cao Lãnh - An Hữu, với tổng chiều dài hơn 215km, tổng vốn đầu tư hơn 51.000 tỷ đồng.
Đặc biệt, tuyến cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận – Cần Thơ đã thông xe, triển khai dự án khu công nghiệp Vĩnh Thạnh đã tạo thành cú huých cho thị trường bất động sản khu vực.
Trong khuôn khổ tọa đàm, bàn về bất động sản Tây Nam Bộ, ông Đính nhấn mạnh “Giá bất động sản khu vực đang rất thấp, hơn hết lại có nhiều “đại bàng” đang ẩn mình. Khi đầu tư công, hệ thống cơ sở hạ tầng được đẩy mạnh sẽ thúc đẩy những yếu tố có sẵn của khu vực phát triển nên tiềm năng tại khu vực rất lớn”.
Nếu chú trọng đầu tư công, hệ thống cơ sở hạ tầng, bất động sản Tây Nam Bộ có nhiều tiềm năng phát triển. Ảnh: VARS |
Đồng quan điểm trên, ông Dương Quốc Thủy, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản thành phố Cần Thơ cho rằng, khu vực Tây Nam Bộ là một trong những địa phương được hưởng lợi từ các yếu tố tích cực của thị trường bất động sản, đặc biệt là khi Tây Nam Bộ là một trong những vùng có hàng loạt các dự án hạ tầng trọng điểm được hoàn thành và khởi công trong giai đoạn 2023-2025.
"Bất động sản Tây Nam Bộ đang có nhiều cơ hội để “cất cánh” trong vận hội phát triển của bất động sản thời kỳ mới", ông Thủy bày tỏ.
Nhiều chính sách thông thoáng, tạo đà cho phát triển
Ngoài những yếu tố nội lực, vốn có của khu vực, chính sự quan tâm của Chính phủ và các bộ, ngành, các chính sách, luật sửa đổi đã giúp thị trường bất động sản nói chung và khu vực Tây Nam Bộ phát triển mạnh mẽ trong năm 2024 này.
Bàn luận về tiềm năng bất động sản năm 2024, chuyên gia kinh tế, TS. Cấn Văn Lực chia sẻ, sắp tới nhiều chính sách thay đổi theo hướng có lợi cho thị trường bất động sản. Trong đó, các chính sách tác động mạnh đến xây dựng, thị trường bất động sản như: Ngân hàng, Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Kinh doanh Bất động sản (sửa đổi), tăng tính công khai, minh bạch về thông tin dự án bất động sản, giúp người mua có khả năng tiếp cận thêm nhiều thông tin hơn.
Đặc biệt, Luật sửa đổi quy định rõ các thông tin phải được cập nhật khi có sự thay đổi sẽ ràng buộc thêm trách nhiệm của chủ đầu tư, tăng khả năng bảo vệ người mua; giảm rủi ro tranh chấp…
Bên cạnh đó, mở rộng quyền kinh doanh bất động sản của người Việt Nam định cư ở nước ngoài là công dân Việt Nam. Cho phép người Việt Nam định cư ở nước ngoài là công dân Việt Nam theo quy định của pháp luật về quốc tịch được phép nhập cảnh vào Việt Nam thì được kinh doanh bất động sản theo các hình thức tương đồng với công dân Việt Nam ở trong nước…
Dòng vốn cho lĩnh vực bất động sản được khơi thông sau khoảng thời gian bị siết chặt, 4 lần giảm lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước đã tác động rõ nét đến thị trường bất động sản.
Ngoài ra, không thể không nhắc đến sự quan tâm đặc biệt của Chính phủ và các bộ, ngành với hơn 20 Nghị quyết, Quyết định, Nghị định, Thông tư, Chỉ thị, Công điện nhằm mục đích tháo gỡ khó khăn cho thị trường, doanh nghiệp, nhà đầu tư bất động sản và người dân. Đây được coi là cuộc giải cứu “có một không hai” trong lịch sử phát triển của ngành bất động sản Việt Nam.
TS. Nguyễn Văn Đính: Nếu chú trọng đầu tư công, cơ sở hạ tầng, bất động sản Tây Nam Bộ sẽ có sự bứt phá và đầy triển vọng. |