Thị trường bất động sản: Nhìn người mà ngẫm cho ta
Kịch bản nào cho thị trường bất động sản năm 2024? “Ông lớn” bất động sản nào phát hành trái phiếu lớn nhất năm? |
Trong một diễn biến mới nhất, Tập đoàn Zhongzhi (Trung Thực) Enterprise Group về bất động sản đã được một tòa án ở Bắc Kinh chấp nhận đơn xin phá sản, khởi đầu cho một trong những vụ phá sản lớn nhất Trung Quốc trong những năm gần đây.
Ở thời kỳ đỉnh cao, Zhongzi sở hữu khối tài sản được đánh giá tương đương đương 140 tỷ USD. Zhongzhi được biết đến là một “ngân hàng ngầm” (shadow banking) tại Trung Quốc chuyên huy động vốn của các hộ gia đình để cho vay hoặc đầu tư vào bất động sản, cổ phiếu, trái phiếu và hàng hóa.
Theo nhận định của các chuyên gia, bất động sản chính là động lực chắp cánh cho sự tăng trưởng thần kỳ của nền kinh tế số hai thế giới trong hàng chục năm qua, đặc biệt là trong vòng 20 năm trở lại đây với việc tạo ra hơn 28% GDP của Trung Quốc.
Trớ trêu thay nước này hiện đang phải vật lộn với cuộc khủng hoảng ở chính lãnh địa động lực này để phòng ngừa những hậu hoạ xấu nhất có thể tiếp tục xảy ra cả trước mắt và trong thời gian tới cho tăng trưởng kinh tế.
Có thể nhìn ra được những bài học gì từ sự ra đi của những đại gia bất động sản của Trung Quốc. Sự phát triển nóng của thị trường bất động sản nước này xảy ra trong khoảng 20 năm trở lại đây trong khi ở Việt Nam mới chỉ trong vòng 1 thập niên. Điều này có nghĩa là những bài học, những kinh nghiệm hãy vẫn còn đang rất thời sự, rất nóng hổi.
Ảnh minh hoạ. |
Đáng chú ý là có một số giải pháp mà cả Việt Nam và Trung Quốc đều đang áp dụng trong thực thi các chiến dịch “giải cứu” bất động sản như: Giãn hoãn thuế, giãn hoãn nợ, cho doanh nghiệp bán tài sản trả nợ, doanh nghiệp đàm phán với trái chủ để gia hạn. Những giải pháp này xuất phát từ điểm chung của thị trường bất động sản của hai nền kinh tế là cơ chế bán nhà ở hình thành trong tương lai, tâm lý ưa chuộng nhà đất của người dân.
Điểm khác quan trọng ở đây là Việt Nam đã có chính sách linh hoạt và chủ động hơn với việc có những cảnh báo, khuyến nghị từ khá sớm khi thị trường mới có những “sóng ở đáy sông”. Cùng đó có những chủ động điều chỉnh chính sách theo hướng mềm dẻo và tập trung cho những vấn đề nổi cộm chứ không áp dụng lên toàn ngành, toàn hệ thống bất động sản.
Bài học này hiện vẫn chứng tỏ là một những bài học quan trọng hàng đầu để thị trường bất động sản có thể có những hạ cánh “mềm”, không gây sốc hoặc di hoạ cho các ngành kinh tế khác, cho dẫu Việt Nam không ở vào khung cảnh để có thể có những diễn biến xấu như ở Trung Quốc.
Một bài học khác rất cần được nhấn mạnh ở đây là cần có những động thái hạn chế đầu cơ bất động sản cũng như bảo đảm được khả năng chi trả, tiếp cận nhà ở của người dân theo hướng nhà là để ở chứ không phải và không thể là để đầu cơ.
Kinh nghiệm từ những “sóng” của thị trường bất động sản cả Trung Quốc lẫn Việt Nam thời gian qua là truyền thông chính thống cần đóng vai trò quan trọng để bảo đảm cơ chế chính sách được phổ biến đầy đủ và chính xác cũng như kịp thời tới người dân. Truyền thông cũng cần lan toả tối đa có thể những tín hiệu từ thị trường bất động sản để khôi phục, củng cố niềm tin của nhà đầu tư và khách hàng.
Việc minh bạch thông tin đặc biệt là trên thị trường nợ trái phiếu doanh nghiệp là hết sức cần thiết bởi các nhà đầu tư tổ chức và các cá nhân luôn đeo đẳng một tâm lý sợ rủi ro, nhất là rủi ro pháp lý dự án do có đến 70% vướng mắc của các dự án bất động sản nằm ở vấn đề pháp lý. Với nhiều khách hàng, một rủi ro có thể đánh đổi bằng cả một đời, một giai đoạn dài lâu cho tích luỹ.