Tuyên Quang: Các huyện miền núi phát triển sản xuất theo chuỗi liên kết
Tuyên Quang: Tạo đà phát triển công nghiệp nông thôn Tuyên Quang: Hiệu quả từ mô hình sản xuất chè hữu cơ vùng đồng bào dân tộc |
Xây dựng chuỗi giá trị liên kết
Đây là chương trình thuộc Nội dung 1, Tiểu dự án 2, Dự án 3 " Hỗ trợ phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi giai đoạn 2021- 2030. Trọng tâm của nội dung này nhằm tăng cường hoạt động nghiên cứu, chuyển giao khoa học - kỹ thuật; khuyến khích các doanh nghiệp, hợp tác xã duy trì và mở rộng liên kết sản xuất để nâng cao thu nhập cho đồng bào, tạo động lực phát triển toàn diện khu vực đồng bào DTTS và miền núi trên địa bàn tỉnh.
Vùng DTTS và miền núi tỉnh Tuyên Quang (Ảnh: Thúy Hồng) |
Phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp theo chuỗi giá trị trong đồng bào DTTS góp phần thực hiện hiệu quả Đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng phát triển nông, lâm nghiệp, thủy sản hàng hóa, tập trung vào các sản phẩm chủ lực, đặc sản theo chuỗi liên kết, giá trị gia tăng cao gắn với xây dựng nông thôn mới, giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 10/2023/NQ-HĐND ngày 7/7/2023 Quy định về mức hỗ trợ thực hiện dự án phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị, dự án phát triển sản xuất cộng đồng thuộc các Chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2021 - 2025; ban hành Quyết định 282/QĐ-UBND ngày 27/7/2023 về phê duyệt các danh mục định hướng các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi trên địa bàn tỉnh đến năm 2025.
Theo đó, danh mục định hướng các dự án do UBND tỉnh phê duyệt là 7 dự án (2 dự án lĩnh vực chăn nuôi; 5 dự án lĩnh vực trồng trọt); đối với cấp huyện có 67 dự án thuộc danh mục định hướng.
Người dân xã Hồng Thái, huyện Na Hang, tỉnh Tuyên Quang thu hái chè (Ảnh: Quang Đán) |
Huyện Na Hang đăng ký 10 dự án, trong đó 4 dự án chăn nuôi liên kết theo chuỗi giá trị theo từng cụm xã: Gà, lợn, dê bò; 6 dự án về trồng trọt liên kết theo chuỗi giá trị gồm: Trồng nấm, trồng chè Shan tuyết, hồng không hạt, lúa nếp, rau và ngô thương phẩm.
Hiện nay, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Na Hang đang triển khai thực hiện các bước trong xây dựng chuỗi giá trị. Trong đó, chú trọng tuyển chọn đơn vị chủ trì liên kết, đề xuất các dự án, kế hoạch; tiến hành họp và định hướng các đơn vị về chủ trương, chính sách của dự án; lựa vùng, họp dân. Doanh nghiệp, hợp tác xã xây dựng báo cáo khảo sát, đánh giá tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương; thành lập tổ hợp tác, đo đếm thực tế, thiết kế và tập huấn cho nhóm hộ thực hiện; nghiệm thu từng công đoạn theo đề nghị của chủ trì dự án…
Hiện nay, Phòng đã trình UBND huyện thẩm định dự án phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm nấm tại địa bàn các xã Sơn Phú, Thanh Tương, thị trấn Na Hang. Còn lại, các dự án khác đang được xây dựng kế hoạch đề nghị hỗ trợ phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị.
Sản phẩm trà đậu đen xanh lòng của Hợp tác xã Nông nghiệp hữu cơ Hồng Phát, xã Tri Phú, huyện Chiêm Hoá |
Huyện Chiêm Hóa đăng ký danh mục định hướng 12 dự án liên kết chuỗi giá trị gồm: 4 dự án chăn nuôi trâu, bò, dê, gà, lợn; 8 dự án về trồng trọt và tiêu thụ sản phẩm: Ớt, dưa chuột, chanh leo, gấc, cà chua, ngô ngọt và đậu đen xanh lòng. Trong đó, xã Kim Bình tham gia nhiều nhất với 6 dự án. Dự án phát triển sản xuất đậu đen gắn với sản xuất và chế biến trà đậu đen xanh lòng liên kết theo chuỗi giá trị trên địa bàn xã Kim Bình đang nhận được sự quan tâm của các hộ đồng bào dân tộc. Dự án có tính khả thi, thành công cao bởi thực tế sản phẩm trà túi lọc đậu đen xanh lòng Chiêm Hóa được Hợp tác xã Nông nghiệp hữu cơ Hồng Phát liên kết trồng, chăm sóc và kiểm soát nghiêm ngặt theo tiêu chuẩn hữu cơ. Sản phẩm được chế biến theo tiêu chuẩn ISO 9001:2015, đạt sản phẩm OCOP 4 sao.
Tính đến thời điểm này, đa phần các dự án theo danh mục định hướng cấp tỉnh, cấp huyện đang trong giai đoạn đầu triển khai thực hiện, xây dựng kế hoạch đề nghị hỗ trợ phát triển sản xuất. Qua đó, xác định rõ năng lực của đơn vị chủ trì liên kết; phương án, kế hoạch sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm, cung ứng dịch vụ; dự toán chi tiết theo năm kế hoạch; các chỉ số đầu ra gắn với các mốc thời gian thực hiện dự án...
Đẩy nhanh tiến độ các dự án phát triển kinh tế - xã hội
Đối với các dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, các địa phương đang gấp rút thực hiện nhằm hoàn thành kế hoạch năm.
Năm 2023, huyện Na Hang được bố trí hơn 215 tỷ đồng vốn Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, bao gồm vốn năm 2022 hơn 85,5 tỷ đồng và năm 2023 hơn 129,5 tỷ đồng để thực hiện 9 dự án và 3 tiểu dự án. Đến ngày 31/7, huyện đã giải ngân 36,9 tỷ đồng, bằng 42,9% kế hoạch vốn của năm 2022 và giải ngân 18,3 tỷ đồng, bằng 14,2% kế hoạch vốn năm 2023.
Huyện Yên Sơn đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất (Ảnh: T.Q) |
Hiện trên địa bàn huyện Yên Sơn đang triển khai 10 tiểu dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi năm 2022 và năm 2023 với tổng số vốn gần 200 tỷ đồng.
Các tiểu dự án tập trung đầu tư vào các lĩnh vực như: Giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt; phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp; đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào DTTS và miền núi; bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các DTTS gắn với phát triển du lịch; phát triển giáo dục đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực... Tính đến ngày 31/7/2023 đã giải ngân gần 40 tỷ đồng, đạt 20,02%.
Hiện, tỉnh Tuyên Quang đang yêu cầu UBND các huyện rà soát cụ thể từng dự án, đôn đốc đẩy nhanh, nghiệm thu khối lượng hoàn thành, thanh toán quyết toán theo đúng quy định. Trong đó, tập trung tìm giải pháp tháo gỡ vướng mắc với những dự án còn chậm, phấn đấu hoàn thành giải ngân nguồn vốn theo đúng quy định.
Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi tỉnh Tuyên Quang bước đầu đã phát huy hiệu quả. Các công trình hạ tầng như: Điện, đường, trường, trạm, thủy lợi được ưu tiên đầu tư xây dựng, làm thay đổi diện mạo nông thôn, miền núi. Nhờ đó, tạo điều kiện cho đồng bào các dân tộc giao thương, trao đổi hàng hóa, phát triển kinh tế hộ gia đình. Thời gian tới, các địa phương miền núi tiếp tục đẩy mạnh đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn và hạ tầng thương mại nhằm phát huy tiềm năng, thế mạnh của vùng DTTS và miền núi. |