Tuyên Quang: Tạo đà phát triển công nghiệp nông thôn
Còn nhiều khó khăn
Theo Sở Công Thương Tuyên Quang, tỷ lệ đóng góp của các cơ sở sản xuất CNNT còn khiêm tốn trong tỷ trọng sản xuất công nghiệp toàn tỉnh. Khu vực nông nghiệp, nông thôn thu hút ít vốn đầu tư; các đơn vị sản xuất có tiềm lực tài chính còn hạn chế nên chưa đầu tư được dây chuyền sản xuất hiện đại. Cùng với đó, sản phẩm phần lớn được sản xuất ở quy mô nhỏ lẻ, bán gia công, mẫu mã chưa thu hút nên khó đáp ứng yêu cầu của thị trường. Nguồn nhân lực trong hoạt động ứng dụng, chuyển giao khoa học - công nghệ trên địa bàn nông thôn và miền núi còn thiếu, dẫn đến những khó khăn nhất định trong đầu tư, hiện đại hóa sản xuất CNNT. Xây dựng thương hiệu sản phẩm cũng là trăn trở của nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, bởi nhiều đơn vị sản xuất còn manh mún, thiếu sự liên kết chặt chẽ từ khâu sản xuất đến tiêu thụ; số sản phẩm CNNT của địa phương có thị trường tiêu thụ ổn định và mở rộng quy mô không nhiều.
Doanh nghiệp sản xuất chè quy mô nhỏ cần hỗ trợ đổi mới công nghệ, tìm kiếm thị trường |
Ông Nguyễn Hữu Định - Giám đốc Công ty Chè Hà Tuyên (huyện Yên Sơn) - cho biết, việc tập trung vào lĩnh vực chế biến chè xuất khẩu của công ty có nhiều lợi thế về nguồn nguyên liệu, lao động và sự hỗ trợ tích cực từ các chính sách kích cầu của tỉnh. Nhờ đó, dù mới tham gia vào thị trường năm 2019, nhưng toàn bộ 300 tấn chè khô của doanh nghiệp đã xuất khẩu sang Afganistan, Pakistan. Năm 2020, công ty mở rộng quy mô sản xuất, nâng công suất của nhà máy chế biến từ 15 tấn chè búp tươi/ngày lên 20 tấn chè búp tươi/ngày; dự kiến sẽ xuất khẩu trên 500 tấn chè khô. Tuy nhiên, hiện giá bán chè khô của doanh nghiệp chỉ đạt 16.000 - 20.000 đồng/kg. Theo ông Nguyễn Hữu Định, để nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường, tăng giá bán và mở rộng thị trường, những doanh nghiệp mới thành lập có quy mô sản xuất nhỏ như Công ty Chè Hà Tuyên rất cần sự hỗ trợ đổi mới công nghệ, tìm kiếm thị trường.
Tập trung hiện đại hóa sản xuất
Để khắc phục những hạn chế, đẩy mạnh phát triển CNNT trên địa bàn, Tuyên Quang đã tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp hỗ trợ đào tạo, nâng cao năng lực quản lý; xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ, ứng dụng máy móc tiên tiến vào sản xuất.
Ông Ngô Tiến Hà - Phó giám đốc Sở Công Thương Tuyên Quang - cho biết, hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ là một trong những nhiệm vụ được ngành Công Thương chú trọng nhằm tạo lực đẩy cho doanh nghiệp, cơ sở sản xuất địa phương phát triển nhanh và mạnh hơn, tiếp cận nhanh hơn với cuộc Cách mạng 4.0. Do đó, hàng năm, bên cạnh nguồn vốn từ Quỹ Khuyến công trung ương, UBND tỉnh ưu tiên 1 - 2 tỷ đồng cho Quỹ Khuyến công địa phương để xây dựng các mô hình trình diễn mới. Chỉ tính riêng trong năm 2019, công tác khuyến công tỉnh đã xây dựng và nghiệm thu 3 đề án khuyến công tổng kinh phí trên 1,9 tỷ đồng với nội dung hỗ trợ ứng dụng máy móc tiên tiến trong sản xuất chè đen xuất khẩu, sản xuất tấm lợp kim loại và sản xuất ván ép xuất khẩu tại một số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Nhiều chương trình, dự án đạt được hiệu quả đáng kể.
Điển hình, Công ty TNHH Long Thắng (huyện Sơn Dương) chuyên sản xuất gạch tuynel, được tiếp cận nguồn hỗ trợ 1 tỷ đồng từ Quỹ Khuyến công quốc gia mở rộng sản xuất ván ép xuất khẩu. Cùng với nguồn lực của doanh nghiệp, công ty đầu tư hệ thống máy móc công nghệ ép ván tiên tiến nhất hiện nay. Toàn bộ dây chuyền sản xuất ván ép xuất khẩu được doanh nghiệp đầu tư trên 22 tỷ đồng, công suất 100 m3/ngày, tương đương 24.500m3/năm. Công nghệ sản xuất mới có ưu điểm ván ép coppha phủ phim được tạo nên từ các lớp gỗ lạng mỏng liên kết với nhau bằng keo chuyên dụng theo phương pháp ép nóng ở nhiệt độ 125 - 1400C. Nhờ đó, sản phẩm ván có khả năng chịu nước và độ bền cao, có thể tái sử dụng nhiều lần, được dùng chủ yếu trong xây dựng...
Theo Sở Công Thương Tuyên Quang, để các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất CNNT nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường và đóng góp tích cực hơn vào giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh, thời gian tới, ngành Công Thương tiếp tục huy động các nguồn lực đầu tư; xây dựng, hỗ trợ các đề án ứng dụng máy móc, thiết bị trong sản xuất; các đề án trình diễn kỹ thuật cho cơ sở sản xuất sản phẩm mới, tập trung vào những sản phẩm lợi thế của địa phương.
Sở Công Thương Tuyên Quang hỗ trợ kinh phí tư vấn cho các cơ sở sản xuất CNNT trong các lĩnh vực thiết kế mẫu mã, bao bì đóng gói, xây dựng, đăng ký thương hiệu sản phẩm và xúc tiến tìm kiếm thị trường. Bên cạnh đó, tích cực thông tin, tuyên truyền để các cơ sở, doanh nghiệp CNNT thay đổi tư duy, nắm bắt nhu cầu thị trường, từ đó có kế hoạch phát triển sản xuất hợp lý để nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh. |