Tuyên Quang: Phát huy hiệu quả các công trình, dự án đầu tư cho vùng đồng bào dân tộc
Tuyên Quang: Hiệu quả từ mô hình sản xuất chè hữu cơ vùng đồng bào dân tộc Tuyên Quang: Các huyện miền núi phát triển sản xuất theo chuỗi liên kết |
Hoàn thiện cơ sở hạ tầng thiết yếu
Ban Dân tộc tỉnh Tuyên Quang cho biết, hiện nay dân số toàn tỉnh là 784 nghìn người; trong đó dân tộc thiểu số chiếm 56,7%. Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh có 121/138 xã được thụ hưởng nhiều chính sách từ các dự án. Đây là những hỗ trợ quan trọng thúc đẩy phát triển toàn diện đời sống đồng bào dân tộc thiểu số. Các công trình, dự án cơ bản phát huy hiệu quả tốt, làm thay đổi diện mạo nông thôn vùng sâu, vùng xa.
Những cây cầu giúp người dân đi lại an toàn trong mùa mưa lũ, vận chuyển hàng hóa thuận tiện, dễ dàng (Ảnh: Nguyễn Tùng) |
Một trong những dự án thành phần quan trọng được Tuyên Quang khẩn trương triển khai là Dự án 4 thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi "Đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi và các đơn vị sự nghiệp công lập của lĩnh vực dân tộc".
Tỉnh chú trọng bố trí nguồn vốn triển khai thực hiện đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Huy động mọi nguồn lực để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu cho các xã, thôn đặc biệt khó khăn, các công trình giao thông liên kết vùng.
Nhiều công trình hạ tầng giao thông thuộc các dự án thành phần của Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đang được xây dựng, góp phần hoàn thiện hệ thống hạ tầng thiết yếu, giúp đồng bào có điều kiện phát triển sản xuất, vận chuyển nông sản, hàng hóa được thuận tiện, dễ dàng.
Năm 2022, tỉnh đã phân bổ 234 tỷ đồng để thực hiện đầu tư xây dựng 264 công trình cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Đơn cử tại huyện Sơn Dương, công trình cải tạo, nâng cấp hồ thủy lợi thôn Đồng Min, xã Bình Yên, đầu tư gần 2,8 tỷ đồng từ nguồn vốn của Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đang được đầu tư xây dựng. Công trình có 2 hạng mục kè thân đập và nạo vét lòng hồ phục vụ tưới 2 vụ/năm cho trên 25 ha đất nông nghiệp và phục vụ phát triển du lịch tại xã.
Xã Hợp Hòa, huyện Sơn Dương, có gần 40% nhân khẩu là đồng bào dân tộc thiểu số; đặc biệt có những thôn có 100% là đồng bào dân tộc thiểu số. Tháng 4/2023, công trình cầu Đồng Chùa được đầu tư xây dựng với tổng kinh phí 1,1 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành trong năm 2023. Ngoài công trình này, 2 công trình khác là cầu tràn liên hợp thôn Thanh Sơn, tràn liên hợp thôn Đồng Báo cũng được thi công giúp bà con đi lại, vận chuyển nông sản, hàng hóa thuận tiện.
Đầu tư cải tạo mạng lưới chợ
Năm 2023, tỉnh Tuyên Quang phấn đấu đầu tư 419 công trình hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Trong đó, đầu tư cải tạo mạng lưới chợ 13 công trình; duy tu, bảo dưỡng các công trình hạ tầng tại các xã khu vực III (xã đặc biệt khó khăn), xã ATK và thôn đặc biệt khó khăn.
Chợ đêm Na Hang - nét văn hóa đặc trưng của đồng bào dân tộc xứ Tuyên (Ảnh: Phùng Minh) |
Sở Công Thương Tuyên Quang cho biết, tổng số chợ trên địa bàn tỉnh hiện nay là 101 chợ, trong đó: có 01 chợ hạng 1 (chợ Tam Cờ, thành phố Tuyên Quang), 02 chợ hạng 2 (chợ Phan Thiết, thành phố Tuyên Quang và chợ trung tâm huyện Chiêm Hóa), 98 chợ hạng 3 (chủ yếu là các chợ nông thôn). Năm 2023, có 02 chợ mới xây dựng và mới đưa vào hoạt động đó là chợ xã Khuôn Hà, huyện Lâm Bình và chợ xã Chân Sơn, huyện Yên Sơn.
Các hình thức tổ chức bộ máy quản lý chợ của mạng lưới chợ toàn tỉnh gồm: 01 Ban Quản lý chợ (Chợ Tam Cờ, thành phố Tuyên Quang); 15 doanh nghiệp quản lý chợ; 21 hợp tác xã quản lý chợ; 64 tổ, nhóm, cá nhân quản lý chợ.
Trong thời gian qua, các cấp chính quyền đã quan tâm, tập trung đầu tư phát triển mạng lưới chợ trên địa bàn, các chợ ở địa bàn nông thôn cũng được các ngành quan tâm kêu gọi đầu tư theo hình thức xã hội hóa ở những nơi trọng tâm, trọng điểm để phục vụ nhân dân ở cụm liên xã, đảm bảo tiêu chí chợ nông thôn theo chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới.
Để thực hiện có hiệu quả Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, thời gian tới, Tuyên Quang tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước, phổ biến giáo dục pháp luật cho bà con vùng đồng bào dân tộc thiểu số, tạo sự đồng thuận cao trong triển khai thực hiện nhiệm vụ công tác dân tộc.
Đồng thời, chú trọng bố trí nguồn vốn triển khai thực hiện đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; tranh thủ mọi nguồn lực để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu cho các xã, thôn đặc biệt khó khăn, các công trình giao thông liên kết vùng; tập trung triển khai đồng bộ và huy động tối đa các nguồn lực đầu tư để lồng ghép thực hiện hiệu quả kế hoạch đã đề ra…
Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi được triển khai trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang đã và đang làm thay đổi bộ mặt nông thôn vùng sâu, vùng xa. Đặc biệt, hệ thống cơ sở hạ tầng đang ngày càng hoàn thiện, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của đồng bào. |