TP. Hồ Chí Minh triển khai đúng tiến độ dự án đường Vành đai 3
TP. Hồ Chí Minh ưu tiên hợp tác các lĩnh vực lợi thế với các tỉnh Đông Nam bộ Chính phủ đề xuất nghị quyết thí điểm cơ chế đặc thù cho TP. Hồ Chí Minh |
Mở rộng kết nối không gian phát triển vùng
Dự án đường Vành đai 3 - TP. Hồ Chí Minh là một trong những dự án giao thông kết nối quan trọng của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Đường Vành đai 3 - TP. Hồ Chí Minh có tổng chiều dài hơn 76km, đi qua 4 địa phương gồm: Đồng Nai, Bình Dương, TP. Hồ Chí Minh và Long An.
Dự án đường vanh đai 3 thực hiện kết nối toàn Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam |
Theo các nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ, dự án đường Vành đai 3 - TP. Hồ Chí Minh sẽ được khởi công xây dựng trước ngày 30/6/2023, hoàn thành cơ bản vào năm 2025 và khai thác đồng bộ vào năm 2026. Đồng thời, các địa phương phải bàn giao 70% diện tích mặt bằng đối với đoạn tuyến đi qua địa bàn trước thời điểm khởi công. Do đó, thời gian qua, các địa phương đã dành ưu tiên rất lớn đối với công tác giải phóng mặt bằng.
Dự án đường Vành đai 3 TP. Hồ Chí Minh làm thay đổi cả tám tỉnh trong vùng, ảnh hưởng đến 30 đô thị mới và cũ, tác động lên mạng lưới giao thông và cả thị trường bất động sản, nhà ở. Bên cạnh tạo ra không gian phát triển mới, dự án đường vành đai 3 TP. Hồ Chí Minh còn là dịp để thử nghiệm cơ chế mới trong phối hợp và điều hành dự án. Lần đầu tiên dự án giao thông đi qua bốn tỉnh thành nhưng không do Bộ Giao thông vận tải điều phối mà các địa phương tự liên kết và điều phối với nhau. Đây là cơ hội để thí điểm và mở ra thiết kế mô hình liên kết vùng kiểu mới.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thành (Đại học Fulbright) đề nghị các tỉnh có đường Vành đai 3 đi qua cần đề xuất để được áp dụng cơ chế đầu tư xây dựng đường Vành đai 3 cho những dự án kết nối với tuyến này. Như vậy, các địa phương mới nhanh chóng đồng bộ hạ tầng và khai thác tuyến đường hiệu quả nhất. Bên cạnh đó, phải gắn làm đường với phát triển đô thị, ưu tiên lợi ích giao thông, sau đó mới đến lợi ích về bất động sản.
Đảm bảo triển khai đúng tiến độ
Theo ông Lê Xuân Bắc - Phó Trưởng ban Điều hành Ban Quản lý đầu tư xây dựng các công trình giao thông thành phố Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 3 TP. Hồ Chí Minh có hai dự án thành phần trên địa bàn thành phố. Đó là Dự án thành phần 1: Xây dựng đường Vành đai 3 đoạn qua TP. Hồ Chí Minh (bao gồm cầu Kênh Thầy Thuốc) và Dự án thành phần 2: Bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đường Vành đai 3 đoạn qua TP. Hồ Chí Minh.
Đối với Dự án thành phần 1, hiện các đơn vị tư vấn đang thực hiện khảo sát, lập thiết kế kỹ thuật. Ban Giao thông đang phối hợp Sở Giao thông vận tải và các đơn vị liên quan tổ chức góp ý hồ sơ song song từng phần để đẩy nhanh tiến độ thẩm định, đảm bảo phê duyệt thiết kế kỹ thuật trong tháng 4/2023.
Ban Giao thông cũng đang phối hợp Tổ Công tác rà soát, điều phối nguồn vật liệu xây dựng cung cấp cho Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 3, làm việc với Sở Tài nguyên và Môi trường của các địa phương trong khu vực lân cận, đơn vị tư vấn và các đơn vị liên quan thực hiện khảo sát nguồn vật liệu đảm bảo nhu cầu cho toàn dự án, dự kiến hoàn thành trong tháng 3/2023.
Đối với Dự án thành phần 2, UBND TP. Hồ Chí Minh đã có quyết định phê duyệt dự án, phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu Dự án, ban hành kế hoạch chi tiết triển khai thực hiện.
Đến nay, trên cơ sở ranh giải phóng mặt bằng được bàn giao, các địa phương đã cơ bản hoàn thành công tác thu thập pháp lý với 1.738 trường hợp. Trong đó, TP Thủ Đức có 595 trường hợp, Củ Chi có 418 trường hợp, Hóc Môn có 332 trường hợp và Bình Chánh có 393 trường hợp.
Cũng từ ngày 20 - 24/3, các địa phương tiến hành niêm yết công khai chính sách, phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; cụ thể, huyện Hóc Môn (ngày 20/3), huyện Củ Chi (21/3), TP Thủ Đức (từ ngày 22 - 24/3), huyện Bình Chánh (ngày 24/3).
Về công tác bố trí tái định cư đối với 395 các trường hợp đủ điều kiện, TP Thủ Đức (239 trường hợp) dự kiến bố trí tái định cư tại Khu Tái định cư Long Bình - Long Thạnh Mỹ, giai đoạn 2. Huyện Củ Chi (18 trường hợp) và huyện Hóc Môn (10 trường hợp) sẽ đầu tư xây dựng khu tái định cư tại các khu đất công trên địa bàn hai huyện. Huyện Bình Chánh (128 trường hợp) kiến bố trí tại khu dân cư Cụm công nghiệp An Hạ.
Với 240 trường hợp giải tỏa trắng nhưng không đủ điều kiện bố trí tái định cư, TP Thủ Đức (131 trường hợp) dự kiến bố trí căn hộ tại chung cư C8 - đường Lê Văn Việt - Phường Tăng Nhơn Phú A. Huyện Củ Chi (24 trường hợp) và huyện Hóc Môn (38 trường hợp) bố trí tại khu dân cư tái định cư Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh hoặc khu tái định cư 10ha phường Tân Thới Nhất, quận 12. Huyện Bình Chánh (47 trường hợp) dự kiến bố trí tại khu dân cư tái định cư Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh.
Ngoài ra, UBND TP. Hồ Chí Minh cũng đã có Văn bản số 956 về thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ liên quan đến triển khai các dự án, công trình trọng điểm ngành giao thông vận tải. Trong đó, UBND thành phố chỉ đạo thủ trưởng các sở, ban, ngành thành phố, chủ tịch UBND TP Thủ Đức, chủ tịch UBND quận, huyện quán triệt thực hiện đúng các chỉ thị, công văn liên quan đến Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 3 trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh.
Ngoài ra, để kết nối và phù hợp với đường Vành đai 3, TP. Hồ Chí Minh đã điều chỉnh 27 đồ án quy hoạch qua ba huyện và TP Thủ Đức. Tỉnh Long An và Đồng Nai cũng điều chỉnh nhiều quy hoạch về đô thị, giao thông, sử dụng đất để đón đầu dự án này nhằm tận dụng tối đa lợi thế thông thương mà tuyến đường này mang lại.