Tiếp tục nâng cấp Hệ thống truy xuất nguồn gốc xúc tiến thương mại
Dán tem truy xuất nguồn gốc bưởi đặc sản Đoan Hùng Kết nối hệ thống truy xuất nguồn gốc số hóa chuỗi giá trị sản phẩm |
Kỳ vọng của doanh nghiệp vừa và nhỏ
Theo ông Vũ Bá Phú- Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương, truy xuất nguồn gốc xuất xứ sản phẩm ngày một quan trọng trong kinh doanh quốc tế. Tại nhiều thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam như EU, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, truy xuất nguồn gốc trở thành quy định bất thành văn với hàng hoá nhập khẩu và trở thành thói quen của người tiêu dùng. “Cách đây 20 năm, truy xuất nguồn gốc là điểm cộng trong xuất nhập khẩu hàng hoá nhưng hiện nay đã trở thành yêu cầu bắt buộc”, lãnh đạo Cục Xúc tiến thương mại khẳng định.
Với tầm quan trọng của truy xuất nguồn gốc, các cơ quan chức năng trong nước đã sớm khuyến khích và xã hội hoá công nghệ này, tuy nhiên đây vẫn là vấn đề khó của doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Ông Vũ Bá Phú- Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương: Sẽ nâng cấp Hệ thống truy xuất nguồn gốc xúc tiến thương mại thành chuỗi linh hoạt |
Là doanh nghiệp có hơn 10 năm kinh nghiệm sản xuất và cung cấp gạo chất lượng cao, sản phẩm của Công ty CP Đầu tư Hải Âu Việt đã được tiêu thụ rộng rãi tại thị trường trong nước nhưng vẫn chưa xuất khẩu trực tiếp ra thị trường nước ngoài. Bà Nguyễn Ngọc Hoa- Phó Chủ tịch HĐQT- Phó Tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư Hải Âu Việt, - chia sẻ: Một phần nguyên do là doanh nghiệp chưa ứng dụng truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Hiện doanh nghiệp mới chỉ tiếp cận một số đơn hàng xuất khẩu ký qua các công ty trung gian sang thị trường Tây Phi, Đức, Mỹ…
“Với định hướng mở rộng xuất khẩu, doanh nghiệp mong muốn áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc xúc tiến thương mại để bảo vệ người tiêu dùng, nâng cao uy tín với các đối tác trong và ngoài nước. Đặc biệt để các đối tác nước ngoài biết đến Việt Nam là một đất nước có các sản phẩm nông nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao và có các nền tảng công nghệ để hỗ trợ xuất khẩu, kết nối được với các đối tác nước ngoài uy tín”, bà Nguyễn Ngọc Hoa nói.
Bà cũng đồng thời đề xuất: Cục Xúc tiến thương mại thực hiện các cuộc giao thương B2B để doanh nghiệp Việt Nam và nước ngoài trực tiếp trao đổi cung- cầu, tiến tới hợp tác sản xuất kinh doanh hiệu quả và có chiều sâu.
Tương tự với Công ty Trà An tô, sản phẩm trà tía tô mang thương hiệu Hibiso của doanh nghiệp đã được đã được kiểm định bởi bên thứ 3 và đã gửi hàng mẫu đến thị trường Canada, Bỉ, Đức… để đối tác trải nghiệm. Dù nhận được phản ứng tốt nhưng bà Trần Thị Ngọc Lan- Giám đốc Công ty Trà An tô - cho biết: Điều khách hàng quan tâm là sản phẩm sản xuất như thế nào và làm thế nào để họ kiểm soát được toàn bộ quy trình sản xuất. Hiện doanh nghiệp mới thực hiện video về quy trình sản xuất sản phẩm để giới thiệu với khách hàng nước ngoài tiếp cận qua email, website của doanh nghiệp.
Giám đốc Công ty Trà An tô cũng rất kỳ vọng: Hệ thống truy xuất nguồn gốc xúc tiến thương mại của Bộ Công Thương như một sự đảm bảo cho uy tín của doanh nghiệp. Đồng thời giúp doanh nghiệp xây dựng lòng tin với khách hàng, bởi đó là sự đảm bảo đáng tin cậy từ phía Chính phủ.
Tiếp tục nâng cấp, hoàn thiện hệ thống
Hệ thống truy xuất nguồn gốc xúc tiến thương mại ứng dụng công nghệ chuỗi khối (blockchain) là phiên bản 2 mới được Cục Xúc tiến thương mại phối hợp với Tổ chức Hỗ trợ Phát triển Đức nâng cấp từ phiên bản 1.
Theo bà Nguyễn Thị Minh Thuý- Giám đốc Trung tâm Ứng dụng công nghệ thông tin và Chuyển đổi số, Cục Xúc tiến thương mại, phiên bản 2 ứng dụng công nghệ chuỗi khối việc minh bạch thông tin và không thể thay đổi thông tin một khi đã đưa lên hệ thống là cách xác thực thông tin rất chính xác. Hệ thống này sẽ hỗ trợ doanh nghiệp vừa truy xuất nguồn gốc vừa xúc tiến thương mại.
Cấu trúc Hệ thống truy xuất nguồn gốc xúc tiến thương mại ứng dụng công nghệ chuỗi khối |
Bên cạnh đó, hệ thống này không chỉ dành riêng cho Cục Xúc tiến thương mại mà sẽ từng bước tiến hành chuyển giao cho các đối tác địa phương, đồng thời đào tạo hướng dẫn và phân quyền để các đơn vị đó có thể trực tiếp hỗ trợ cho doanh nghiệp tại địa phương.
Mặt khác, hệ thống được thiết kế thân thiện, chỉ bằng vài thao tác đơn giản, các đối tượng có thể truy cập và sử dụng dễ dàng.
Bà Nguyễn Thị Minh Thúy cũng cho biết: Cục Xúc tiến thương mại có kế hoạch triển khai 7 khoá tập huấn tại 7 tỉnh, thành ở 3 khu vực Bắc, Trung, Nam nhằm giới thiệu và lan toả hệ thống.
Cục cũng tiến hành phối hợp với các đối tác trong nước và quốc tế xây dựng chương trình dài hạn ngoài việc tiếp tục duy trì vận hành còn từng bước nâng cấp hệ thống thường xuyên và nhanh gọn để đáp ứng nhu cầu thực tế.
Về điều này, ông Vũ Bá Phú nhận định: Hệ thống truy xuất nguồn gốc xúc tiến thương mại ứng dụng công nghệ chuỗi khối hiện mới dừng lại ở khâu tổ chức, cần được hoàn thiện hơn nữa để trở thành chuỗi hoàn chỉnh từ sản xuất - đóng gói - thương mại.
Với hệ thống này, trước mắt, Cục Xúc tiến thương mại sẽ làm việc với các tổ chức trên thế giới nhằm quảng bá, giới thiệu. Đồng thời làm việc với các đối tác thương mại của Việt Nam để đảm bảo tính liên thông về dữ liệu và sự công nhận lẫn nhau. Hướng tới mục tiêu đảm bảo tính xác thực cao và lòng tin của người tiêu dùng khi sử dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc xúc tiến thương mại.