Xuất khẩu rau quả kỳ vọng lần đầu tiên vượt mốc 7 tỷ USD
Xuất khẩu rau quả tăng 28%, dự báo cuối năm sẽ tiếp tục thuận lợi? Xuất khẩu rau quả tăng trưởng mạnh, sầu riêng tiếp tục là điểm sáng Xuất khẩu sầu riêng trong tháng 9 có thể vượt 500 triệu USD |
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam tính đến hết tháng 9 đạt 5,64 tỷ USD, tăng trưởng 34% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, Trung Quốc tiếp tục là thị trường lớn nhất với kim ngạch đạt 3,79 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 67% trong tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam 9 tháng qua.
Trung Quốc dẫn đầu nhập khẩu rau quả Việt Nam
Trong số 10 thị trường chính nhập khẩu rau quả Việt Nam, hầu hết đều ghi nhận sự tăng trưởng mạnh, ngoại trừ Hà Lan. Trung Quốc vẫn tiếp tục là thị trường tiêu thụ lớn nhất của Việt Nam với 3,79 tỷ USD, chiếm tới 67% thị phần. Điều này cho thấy nhu cầu tiêu thụ nông sản Việt Nam tại thị trường tỷ dân này vẫn rất lớn. Theo sau là Hoa Kỳ, Hàn Quốc và Thái Lan với giá trị nhập khẩu tăng trưởng 35-90%.
Xuất khẩu rau quả là điểm sáng trong hoạt động xuất khẩu. Ảnh: petrotimes |
Theo ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, có một số yếu tố chính đã góp phần vào sự tăng trưởng mạnh mẽ của xuất khẩu rau quả Việt Nam. Trước tiên là từ phía người nông dân và doanh nghiệp đã ngày càng chú trọng đến việc áp dụng các quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn quốc tế, đảm bảo chất lượng và an toàn thực phẩm. Nhiều doanh nghiệp trong nước đã chủ động đầu tư mạnh vào công nghệ chế biến, bảo quản và đóng gói, giúp nâng cao giá trị sản phẩm và đáp ứng yêu cầu khắt khe của thị trường.
Đặc biệt, theo ông Tuấn, ngành hàng trái cây, rau quả đã nhận được sự quan tâm từ lãnh đạo Nhà nước, tạo điều kiện thuận lợi cho việc mở rộng thị trường. Điều này cũng nhận được sự hưởng ứng mạnh mẽ của các đối tác. Điển hình như phía Trung Quốc luôn khẳng định sẵn sàng mở cửa cho nông sản của Việt Nam và cơ quan chuyên môn hai nước đã phối hợp chặt chẽ để thúc đẩy quá trình mở cửa thị trường.
“Rau quả Việt Nam đang ngày càng khẳng định được vị thế tại các thị trường khó tính như Hoa Kỳ, Trung Quốc và Hàn Quốc. Đặc biệt, người tiêu dùng Trung Quốc ngày càng ưa chuộng sầu riêng, chuối và xoài Việt Nam”, ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam nhận định.
Ông Đặng Phúc Nguyên cho rằng nhờ vào sự tăng trưởng của các thị trường lớn như Trung Quốc, Hoa Kỳ và Hàn Quốc, xuất khẩu rau quả Việt Nam trong năm nay có thể đạt kỷ lục mới. Dự báo kim ngạch xuất khẩu rau quả cả năm 2024 có thể vượt mức 7 tỷ USD, vượt xa mục tiêu đã đề ra.
Điển hình là từ khi có Nghị định thư cho phép sầu riêng tươi xuất khẩu sang Trung Quốc ký vào tháng 7/2022, xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc liên tục tăng trưởng vượt bậc và sầu riêng đã trở thành mặt hàng xuất khẩu số 1 của ngành rau quả Việt Nam, với giá trị đạt hơn 2,2 tỷ USD năm 2023 và đã vượt mốc 2,5 tỷ USD trong 9 tháng đầu năm nay. Mới đây, Việt Nam tiếp tục ký thêm được 2 Nghị định thư cho phép xuất khẩu sầu riêng đông lạnh và dừa tươi sang Trung Quốc. Dự kiến trong thời gian ngắn sắp tới, 2 sản phẩm này của Việt Nam cũng sẽ đến được thị trường Trung Quốc sau khi các doanh nghiệp đã có mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói, đáp ứng được các quy định khác của Trung Quốc và ký kết được những đơn hàng xuất khẩu.
Doanh nghiệp Việt cần am hiểu thị trường và tối ưu logistics
Với sự tăng trưởng cao và liên tục trong những năm gần đây, xuất khẩu trái cây còn dư địa ra sao để tăng trưởng trong thời gian tới?
Ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn nhấn mạnh tầm quan trọng của việc am hiểu "gu" của từng thị trường để doanh nghiệp có thể thâm nhập và phát triển hiệu quả: "Mỗi thị trường có những đặc thù riêng về sở thích, khẩu vị và tiêu chuẩn chất lượng. Việc nắm bắt được những đặc điểm này sẽ giúp doanh nghiệp đưa ra những sản phẩm phù hợp, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng và tăng khả năng cạnh tranh", ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn cho biết.
Bên cạnh đó, ông Tuấn cũng chỉ ra rằng logistics là một yếu tố quan trọng quyết định sự thành công của hoạt động xuất khẩu trái cây. "Việc tối ưu hóa quy trình logistics không chỉ giúp giảm chi phí mà còn đảm bảo chất lượng sản phẩm, từ đó mở ra nhiều cơ hội tiếp cận các thị trường mới", ông nói.
Đối với thị trường Trung Quốc, trái cây Việt Nam vẫn chưa khai thác hết tiềm năng tại các đô thị lớn như Bắc Kinh và Thượng Hải. Vì vậy các doanh nghiệp nên liên kết với nhau để nghiên cứu thị trường, chia sẻ thông tin và cùng nhau xây dựng thương hiệu trái cây Việt Nam tại thị trường này. "Nếu làm được điều này, trái cây Việt Nam sẽ có thể đi xa hơn, giảm chi phí và tạo được chỗ đứng vững chắc trên thị trường Trung Quốc", ông Tuấn nhấn mạnh.
Với nhiều doanh nghiệp xuất khẩu trái cây cũng rất cần sự hỗ trợ của nhà nước về thông tin thị trường. Vì không phải doanh nghiệp nào cũng có đủ nguồn lực để nghiên cứu thị trường một cách chuyên sâu. Thông tin thị trường chính là ngọn hải đăng giúp doanh nghiệp định hướng hoạt động kinh doanh. Bên cạnh đó, sự hỗ trợ của nhà nước giúp doanh nghiệp trong việc tìm kiếm các đối tác uy tín tại nước ngoài cũng góp phần đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường mới.
Ông Đặng Phúc Nguyên cũng đánh giá, dân số tăng, nhận thức và nhu cầu tiêu dùng các loại thực phẩm lành mạnh, tốt cho sức khỏe đang tăng lên trên toàn cầu, là những nguyên nhân chính đang giúp cho xuất khẩu rau quả Việt Nam có sự tăng trưởng tích cực. Dự báo cả năm nay, xuất khẩu rau quả sẽ lần đầu tiên vượt mốc 7 tỷ USD và hoàn toàn có thể đạt mốc xuất khẩu 10 tỷ USD trong tương lai.