Ưu đãi từ Hiệp định EVFTA, thuỷ sản Việt Nam làm gì để vào thị trường Italia?
Tận dụng EVFTA để xuất khẩu vào Bắc Âu: Doanh nghiệp cần đáp ứng các tiêu chuẩn phát triển bền vững Hiệp định EVFTA giúp xuất khẩu hàng hóa lấy lại “phong độ” |
Nhu cầu nhập khẩu lớn
Italia là quốc gia có đường bờ biển dài hơn 7.600 km, tuy nhiên, ngành thủy sản chưa được phát triển mạnh mẽ, chưa tương xứng với những thuận lợi của đường bờ biển dài đem lại. Nhiều tàu đánh bắt có thời gian sử dụng nhiều năm, cũ, hỏng, công suất hạn chế. Ngư dân và thủy thủ gặp nhiều khó khăn để phát triển với nghề cá, với giá nhiên liệu ngày càng tăng, chi phí nhân công giảm, điều kiện thời tiết khắc nghiệt.
Để tăng kim ngạch xuất khẩu sang thị trường Italia, thuỷ sản Việt Nam phải đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe. Ảnh: TTXVN |
Thông tin từ Thương vụ Việt Nam tại Italia, từ nhiều năm nay, chỉ số tiêu thụ thủy sản trong các bữa ăn hàng ngày liên tục tăng so với mức tiêu thụ sản phẩm thịt. Hàng năm, Italia vẫn nhập khẩu thủy sản nhiều gấp 10 lần so với xuất khẩu (xuất khẩu 605 triệu USD, nhập khẩu đạt 6,5 tỷ USD năm 2022).
Thương mại nhập khẩu thủy sản năm 2022 của thế giới đạt 148 tỷ USD, trong đó Italia là quốc gia nhập khẩu thủy sản đứng thứ 5 thế giới, với trị giá 6,5 tỷ USD, chiếm thị phần 4,4% tổng nhu cầu nhập khẩu thủy sản toàn thế giới. Italia nhập khẩu thủy sản chủ yếu từ Tây Ban Nha, Hà Lan, Thụy Điển, Đan Mạch, Pháp, Hy Lạp. 54,1%, Hà Lan giảm 41,2%, Đức giảm 31,3%, Hàn Quốc giảm 22,8%, Thái Lan giảm 22,4%...
Về xuất khẩu, hiện Italia chỉ xuất khẩu một lượng nhỏ thủy sản, hàng năm khoảng 500-600 triệu USD thủy sản. Năm 2022, kim ngạch xuất khẩu của Italia là 605 triệu USD, tăng 8,2% so với năm 2021. Trong 6 tháng năm 2023, Italia xuất khẩu 297 triệu USD thủy sản. Các thị trường xuất khẩu chính bao gồm: Tây Ban Nha, Đức, Pháp, Áo, Malta và Thụy Sỹ.
Như vậy, theo Thương vụ Việt Nam tại Italia, nhu cầu nhập khẩu thủy sản của Italia là rất lớn, là quốc gia nhập thủy sản lớn thứ 5 thế giới (chỉ sau Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản và Tây Ban Nha). Năm 2022, Italia nhập khẩu 6,5 tỷ USD thủy sản, trong khi đó Việt Nam một quốc gia xuất khẩu thủy sản đứng thứ ba thế giới, chỉ sau Na Uy và Trung Quốc, năm 2022 xuất khẩu sang Italia 79 triệu USD, chỉ chiếm 1,2% thị phần nhập khẩu của Italia, đứng thứ 23 trong số quốc gia Italia nhập khẩu thủy sản.
Một số sản phẩm thủy sản Việt Nam chủ yếu xuất khẩu sang Italia những năm gần đây như: Mực nang, mực ống đông lạnh, ngao sò đã chế biến, cá ngừ đóng hộp, tôm, cá ngừ vây vàng, phi lê cá da trơn, bạch tuộc, cá ngừ, cá rô phi, đông lạnh...
Cơ hội cho thuỷ sản Việt Nam từ EVFTA
Hiệp định EVFTA cam kết dành ưu đãi thuế nhập khẩu cho hàng thủy sản của Việt Nam, trong đó thuế nhập khẩu hầu hết tôm nguyên liệu (tươi, đông lạnh, ướp lạnh) nhập khẩu vào EU giảm từ mức thuế cơ bản 12-20% xuống 0% từ ngày 1/8/2020; thuế nhập khẩu tôm chế biến về 0% sau 7 năm kể từ ngày 01/8/2020. Trong khi các đối thủ cạnh tranh chủ yếu như Thái Lan không được hưởng GSP, không có FTA nên có mức thuế cơ bản 12%; Ấn Độ không có FTA nên chịu thuế GSP 4.2%; Indonesia chịu thuế GSP 4.2% và Ecuador vẫn chịu mức thuế cơ bản 12%.
Với EVFTA, có tới 51,8% các dòng thuế thuộc Chương 3 trong biểu mã HS hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang EU được xóa bỏ thuế nhập khẩu tại EU từ 01/8/2020, trong đó phần lớn các sản phẩm thuế cao từ 6 - 22% được xóa bỏ về 0% như hàu, điệp, mực, bạch tuộc, nghêu, sò, bào ngư chế biến, tôm sú đông lạnh….; có 25,4% dòng thuế được giảm dần trong vòng 4 năm, 18,3% số dòng thuế giảm dần trong vòng 6 năm và 4,5% số dòng thuế giảm dần trong vòng 8 năm. Riêng mặt hàng cá ngừ đóng hộp và surimi (cá viên) áp dụng hạn ngạch thuế quan lần lượt là 11.500 tấn/năm và 500 tấn/năm.
Tuy nhiên, Thương vụ Việt Nam tại Italia nhấn mạnh, để được hưởng mức thuế ưu đãi cam kết trong Hiệp định EVFTA, các sản phẩm thủy sản phải đảm bảo được nguồn gốc xuất xứ thuần túy, thủy sản phải được sinh ra hoặc lớn lên tại một nước thành viên thuộc Hiệp định EVFTA.
Thông tin về quy định tiêu chuẩn xuất khẩu thủy sản, Thương vụ Việt Nam tại Italia cho biết, các tiêu chuẩn quy định về nhập khẩu thủy sản của Italia cũng áp dụng cá quy tắc chung của EU.
Cụ thể, về thuế quan, để được hưởng mức thuế ưu đãi như trong Hiệp định EVFTA đã cam kết, các sản phẩm thủy sản phải chứng minh được nguồn gốc xuất xứ. Tiêu chí xuất xứ đối với thủy sản nguyên liệu và thủy sản chế biến trong EVFTA là xuất xứ thuần túy. Điều này có nghĩa là thuỷ sản thô, sơ chế và thuỷ sản chế biến xuất khẩu của Việt Nam được coi là có xuất xứ theo Hiệp định EVFTA khi nguyên liệu thuỷ sản dùng trong quá trình sản xuất có xuất xứ thuần tuý từ Việt Nam (được sinh ra hoặc nuôi dưỡng, đánh bắt và chế biến hoàn toàn tại Việt Nam), không được phép nhập khẩu từ nước thứ ba ngoài Hiệp định.
Còn về quy định phi thuế quan, EU đặt ra quy định nghiêm ngặt và phức tạp về mức dư lượng tối đa (MRL) đối với thủy sản. Với mỗi lô hàng thủy sản, nhà xuất khẩu phải chứng minh sản phẩm không vượt quá mức dư lượng tối đa liên quan bằng cách cung cấp giấy chứng nhận sức khỏe (Health certificate) do phòng thí nghiệm được công nhận cấp.
Thương vụ Việt Nam tại Italia nhấn mạnh, các quy tắc của Liên minh EU về vệ sinh thực phẩm bao trùm tất cả các công đoạn sản xuất, chế biến, phân phối và đưa ra thị trường đối với tất cả thực phẩm dùng cho người. Các tiêu chuẩn bền vững này sẽ là giấy phép để sản xuất trong một vài năm. Mặt khác, người mua thường có những yêu cầu bổ sung khác, chẳng hạn như cơ sở của doanh nghiệp xuất khẩu cần được công nhận về an toàn thực phẩm, tùy thuộc vào yêu cầu cụ thể của người mua của bạn. Những quy định về ghi nhãn cũng phải được tuân thủ nghiêm ngặt, sản phẩm chưa chế biến hay đã chế biến, đánh bắt tự nhiên hay nuôi trồng...
Đăc biệt, thủy sản phải có nguồn gốc hợp pháp. Theo đó, quy định của EU về ngăn chặn, loại bỏ đánh bắt cá bất hợp pháp, không báo cáo và không được kiểm soát (IUU) vẫn đang có hiệu lực. EU yêu cầu chứng minh thủy sản không khai thác IUU. Các sản phẩm cá tự nhiên cần kèm theo giấy chứng nhận khai thác đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
Việt Nam là một trong số quốc gia bị EU cho thẻ vàng yêu cầu các cơ quan chức năng có hành động chống lại việc đánh bắt IUU. Nếu chính phủ không hành động thì các nhà chức trách châu Âu có thể phạt thẻ đỏ, đồng nghĩa với lệnh cấm nhập khẩu thủy sản có nguồn gốc từ quốc gia có thẻ đỏ.
Để thúc đẩy xuất khẩu sang Italia, Thương vụ Việt Nam tại Itali kiến nghị: Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần tăng cường hướng dẫn ngư dân gấp rút thực hiện giải pháp khắc phục tình trạng thẻ vàng của Ủy ban châu Âu (EC); tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm hành vi vi phạm, khai thác thủy sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU); đẩy mạnh tuyên truyền, đưa ngành thủy sản phát triển theo hướng bền vững.
“Có thể thấy nhu cầu tiêu thụ thủy sản ở Italia cũng như một số nước châu Âu là tương đối lớn. Tuy nhiên, để nắm bắt được cơ hội nay, từ chính phía các doanh nghiệp Việt Nam cần tạo uy tín, đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn về thủy sản được nhập khẩu vào EU, từ đó mới tạo được chỗ đứng và phát triển thị trường và tăng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam”- Thương vụ Việt Nam tại Italia khuyến nghị.
Thương vụ Việt Nam tại Italia: Tại thị trường Italia, siêu thị bán lẻ là kênh chính, chiếm thị phần lớn nhất trong khâu phân phối các sản phẩm thủy sản. Các siêu thị tại Italia có một quầy hàng thủy sản, trong đó đa dạng các sản phẩm thủy sản được bày tươi trên kệ phủ đá lạnh. Bên cạnh quầy thủy sản tươi ướp lạnh, một số sản phẩm thủy sản được chế biến sẵn bày bán tại tủ đông lạnh như: thịt cá viên tẩm rán, ruột ngao đông lạnh, mực, tôm bóc vỏ đông lạnh... Ngoài ra với sự phát triển của công nghệ, việc bán thủy sản qua kênh thương mại điện tử cũng bắt đầu phát triển. Nhiều công ty tận dụng mô hình này kết hợp với bán rượu vang, đem đến sự tươi ngon đến từng khách hàng. |