Thu phí đường cao tốc xây bằng ngân sách: Vì sao bị phản ứng?
Đề xuất của Bộ Giao thông Vận tải về thu phí các tuyến đường cao tốc đầu tư bằng ngân sách vẫn gặp phải nhiều quan điểm trái chiều. Cho thấy đây là vấn đề rất cần được xem xét, đánh giá kỹ lưỡng, cẩn trọng.
PGS.TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính), thẳng thắn: Thu phí trên các đường cao tốc do Nhà nước đầu tư bị phản đối nhiều năm, phí này không nên thu chứ không phải lùi.
TS Kinh tế Bùi Trinh cho rằng, nên xem lại chủ trương thu phí tuyến đường cao tốc do Nhà nước đầu tư.
Nhiều doanh nghiệp cũng cùng chung quan điểm. Vì sao vậy?
PGS.TS Ngô Trí Long lý giải: Đường cao tốc xây dựng bằng tiền ngân sách tức là bằng tiền thuế đóng góp của nhân dân. Thu phí tuyến cao tốc nhà nước đầu tư là bất hợp lý, khiến phí chồng phí và tạo áp lực lớn lên người dân, doanh nghiệp nhất là trong bối cảnh nền kinh tế đang gặp nhiều khó khăn.
Trong khi đó, TS Bùi Trinh nhấn mạnh áp dụng thu phí đường cao tốc có thể làm tăng chi phí đi lại của người dân, doanh nghiệp. Thứ nữa việc dùng tiền thuế của dân đầu tư xây dựng đường rồi lại thu phí của chính người dân sử dụng đường đó là không hợp lý.
Đại diện doanh nghiệp cũng băn khoăn việc thu phí trên các dự án đường cao tốc xây dựng bằng ngân sách có thể ảnh hưởng rất lớn đến doanh nghiệp, đặc biệt là trong lĩnh vực vận tải.
Cụ thể, thu phí cao tốc do Nhà nước đầu tư sẽ làm tăng cước vận tải do việc thu phí có thể làm tăng chi phí vận hành của doanh nghiệp. Điều này có thể gây áp lực tài chính lên các doanh nghiệp, đặc biệt là trong bối cảnh kinh tế khó khăn. Không những thế, khi cước vận tải tăng, có thể dẫn đến tăng giá sản phẩm và dịch vụ, ảnh hưởng đến người dân, từ đó ảnh hưởng đến nền kinh tế.
Cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây là một trong số tuyến đường được đê xuất thu phí |
Tuy nhiên cũng có một số ý kiến đồng tình quan điểm thu phí đường cao tốc đầu tư bằng ngân sách Nhà nước.
Theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, việc việc thu phí trên các đường cao tốc có thể được, nhưng cần phải tuân theo các nguyên tắc cụ thể để đảm bảo tính hiệu quả và công bằng. Theo đó, nguyên tắc thu phí đường cao tốc phải đảm bảo tính hiệu quả và khả năng đáp ứng của người sử dụng. Đồng thời phù hợp với khả năng của doanh nghiệp và với từng địa phương, từng vùng miền.
Một số chuyên gia giao thông cũng cho rằng thu phí trên các đường cao tốc do Nhà nước đầu tư là cần thiết. Nguyên nhân, thu phí có thể là một biện pháp hữu ích để khuyến khích phân tán giao thông. Bằng cách áp dụng một mức phí trên các tuyến cao tốc, người dân và doanh nghiệp có thể xem việc sử dụng tuyến đường nào là phù hợp nhất.
Thứ hai, việc thu phí có thể cung cấp nguồn tài chính để đầu tư vào cơ sở hạ tầng giao thông. Điều này có thể giúp cải thiện và mở rộng mạng lưới giao thông, giảm thiểu tình trạng tắc nghẽn và nâng cao chất lượng dịch vụ vận chuyển.
Thu phí cũng có thể tạo nguồn vốn cho việc đầu tư vào các công trình cơ sở hạ tầng giao thông khác.
Thực tế cho thấy, trong mọi lĩnh vực, bất kỳ chính sách nào cũng có thể gặp phải sự tranh luận và quan điểm trái chiều từ các phần khác nhau của xã hội. Ngay cả những chính sách tốt nhất và được thiết kế cẩn thận cũng có thể gây ra sự phản đối hoặc tranh luận vì mỗi người có quan điểm khác nhau.
Dù còn nhiều ý kiến trái chiều, song hầu hết đều thống nhất, nếu việc thu phí đường cao tốc xây dựng bằng ngân sách được thực thi, cần phải thực hiện một cách minh bạch, đảm bảo tính công bằng và không tạo gánh nặng quá lớn cho người dân và doanh nghiệp. Điều này đòi hỏi một quy trình quản lý chặt chẽ và việc áp dụng công nghệ để giảm thiểu thất thoát nguồn thu và đảm bảo rằng việc thu phí thực sự mang lại lợi ích cho cả xã hội.
Quan trọng là cân nhắc kỹ lưỡng tác động của việc thu phí lên cộng đồng và xem xét cách tốt nhất để đảm bảo mọi người dân có thể tiếp cận hệ thống giao thông hiệu quả và bền vững.