Đường cao tốc nhiều bất cập: Trách nhiệm Bộ Giao thông Vận tải đến đâu?
Cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây ngập nước: Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu gì? Cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây ngập nước cả mét: Trách nhiệm của ai? Bất cập cao tốc |
Theo các chuyên gia, những bất cập này có trách nhiệm của nhiều bên trong đó có Bộ Giao thông Vận tải – cơ quan có chức năng quản lý nhà nước về giao thông vận tải đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, hàng hải, hàng không dân dụng trong phạm vi cả nước. Để đảm bảo an toàn và hiệu quả của hạ tầng giao thông, Bộ Giao thông Vận tải cần sớm điều chỉnh và khắc phục những bất cập.
Cao tốc Dầu Giây – Phan Thiết mới đi vào hoạt động đã gặp sự cố ngập lụt khiến nhiều tài xế ngao ngán |
PGS.TS Ngô Trí Long – Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) – cho biết: Theo quy định Bộ Giao thông Vận tải có quyền và nhiệm vụ quản lý nhà nước về giao thông vận tải đường bộ, bao gồm cả việc quản lý các cơ sở hạ tầng giao thông đường bộ.
Khi xảy ra tình trạng đường cao tốc bị ngập lụt hay gặp sự cố, Bộ Giao thông Vận tải cần đôn đốc xử lý và đảm bảo an toàn hoạt động giao thông. Trong đó có việc thực hiện các biện pháp khắc phục, bảo trì, duy tu hạ tầng một cách kịp thời để đảm bảo sự an toàn cho người tham gia giao thông.
Nếu có vấn đề với kết cấu hạ tầng giao thông đường cao tốc, Bộ Giao thông Vận tải cần thực hiện công tác kiểm tra, đánh giá và điều tra nguyên nhân để tìm ra lý do vì sao sự cố xảy ra. Nếu phát hiện sai sót trong quá trình tư vấn, thiết kế hoặc thi công, Bộ có trách nhiệm đưa ra các biện pháp kiểm soát và khắc phục để tránh sự cố tái diễn trong tương lai và bảo vệ an toàn giao thông cho người dân tham gia giao thông.
“Bộ Giao thông Vận tải có trách nhiệm cuối cùng trong việc đảm bảo an toàn và đúng thiết kế của hạ tầng giao thông. Trước những bất cập như báo chí đã nêu, việc của các cơ quan có thẩm quyền như Bộ Giao thông Vận tải là tiến hành kiểm tra, đánh giá và đưa ra những biện pháp khắc phục kịp thời để đảm bảo an toàn và hiệu quả của các dự án cao tốc”, ông Long nói.
Đồng quan điểm, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng việc xây dựng và quản lý hạ tầng giao thông đường cao tốc phải đáp ứng tiêu chuẩn và phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế của đất nước. Tuy vậy, để đảm bảo an toàn và hiệu quả, Bộ Giao thông Vận tải cần chịu trách nhiệm cao nhất và là cơ quan cuối cùng trong việc đề ra tiêu chuẩn, giám sát quá trình xây dựng, và kiểm tra chất lượng của các tuyến đường cao tốc.
Các sự cố và những hạn chế trong việc thiết kế và xây dựng đường cao tốc là điều không tránh khỏi trong quá trình triển khai. Tuy nhiên, rút kinh nghiệm từ những sự cố này và thực hiện các biện pháp khắc phục là điều quan trọng. Bộ Giao thông Vận tải cần phải tập trung xem xét, sửa chữa và khắc phục sự cố để đảm bảo đường cao tốc đáp ứng đúng điều kiện thực tế và đặc tính khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương.
Điều quan trọng là Bộ Giao thông Vận tải phải làm việc một cách khoa học, công khai, minh bạch, có thể điều chỉnh, thay đổi các quy định và tiêu chuẩn nếu cần thiết, nhằm đáp ứng tốt nhất các yêu cầu thực tế của đất nước trong quá trình xây dựng và phát triển hạ tầng giao thông đường cao tốc.
“Việc thiết kế đúng và khoa học là yếu tố quan trọng để tạo ra hạ tầng giao thông đường cao tốc an toàn và hiệu quả. Bộ Giao thông Vận tải cần chủ động kiểm tra giám sát quá trình thực thi các tiêu chuẩn và đảm bảo chất lượng trong quá trình xây dựng và vận hành cao tốc”, PGS Đinh Trọng Thịnh nhấn mạnh.
Cao tốc nhiều bất cập Một loạt dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1 đưa vào khai thác gần đây, sau thời gian ngắn sử dụng, đã bộc lộ nhiều bất cập trong thiết kế, xây dựng. Chẳng hạn, cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận dù có 4 làn xe nhưng không có làn dừng khẩn cấp. Khi xe xảy ra sự cố, tài xế phải đậu xe giữa đường lưu thông của các xe khác, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông. Cao tốc Nội Bài - Lào Cai đoạn Lào Cai - Yên Bái (khoảng 100km) cũng có hai làn xe, không có dải phân cách cứng và chỉ có vạch kẻ phân cách màu vàng trên mặt đường. Đây là vấn đề đáng quan ngại, cần được xem xét cải thiện để đảm bảo tính an toàn và hiệu quả của giao thông. Cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây được thiết kế với bốn làn xe và hai làn dừng khẩn cấp, cho phép tốc độ tối đa 120km/h. Tổng vốn đầu tư hơn 12.570 tỷ đồng đến từ nguồn ngân sách. Tuy nhiên, chỉ sau ba tháng từ khi đưa vào sử dụng, tuyến cao tốc đã gặp tình trạng ngập cục bộ do cống thoát nước không kịp xử lý, gây ùn tắc giao thông và ô tô chết máy trôi dạt xuống lề đường. Hay toàn tuyến cao tốc TP Hồ Chí Minh - Dầu Giây - Phan Thiết - Vĩnh Hảo dài hơn 250 km, chỉ có 1 trạm dừng nghỉ trên tuyến cao tốc cũ (đoạn Dầu Giây - Vĩnh Hảo chưa có), nên nhà vệ sinh duy nhất này luôn trong tình trạng quá tải, người đi cao tốc phải xếp hàng dài chờ tới lượt. Tình trạng thiếu trạm dừng nghỉ đã gây nhiều khó khăn và cảnh bi hài cho người dân và tài xế đường dài. Do không có nơi giải quyết "nỗi buồn", người dân bất đắc dĩ phải tiểu tiện giữa đường, trong khi tài xế đường dài thậm chí phải tấp vào làn khẩn cấp để ngủ, tạo ra nguy cơ tai nạn giao thông… |