Thị trường trái phiếu doanh nghiệp năm 2024: Làm gì để có bức tranh “sáng màu”?
Ảnh minh hoạ |
Nhiều dự báo đáng chú ý cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp năm 2024 đã được các chuyên gia đưa ra. Theo đó năm 2024 là thời điểm thị trường trái phiếu doanh nghiệp bước vào chu kỳ mới khi giá trị trái phiếu có độ rủi ro cao sẽ giảm dần trong vòng 12 đến 18 tháng tới. Tuy còn rủi ro song điều được các chuyên gia nhất trí là sau những phục hồi tích cực được ghi nhận của năm 2023, thị trường này sẽ thay đổi theo hướng lành mạnh hơn sau giai đoạn thanh lọc vừa qua.
Một số chuyên gia cho rằng năm 2024 sẽ có 3 điểm dẫn dắt thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Một là tỷ lệ trái phiếu chậm trả phát sinh mới giảm dần khi Ngân hàng Nhà nước đã cắt giảm lãi suất 4 lần trong năm 2023 và điều này giúp cho doanh nghiệp huy động vốn dễ dàng hơn.
Hai là các chính sách hỗ trợ kinh doanh của Chính phủ và kích cầu kinh tế sẽ phát huy hiệu quả rõ hơn trong năm 2024, giúp cho doanh nghiệp kinh doanh tốt hơn, đồng thời cải thiện dòng tiền để từ đó giúp doanh nghiệp huy động vốn và khả năng phát hành trái phiếu cải thiện hơn.
Ba là, năm 2024 được kỳ vọng là năm mà việc thực thi các quy định chặt chẽ hơn sẽ giúp thị trường trái phiếu doanh nghiệp tăng tính kỷ luật hơn. Nhà phát hành sẽ phải công bố thông tin minh bạch hơn. Ngoài ra các quy định mang tính chặt chẽ hơn về chủ thể tham gia thị trường cũng sẽ giúp bảo vệ các nhà đầu tư tốt hơn.
Thị trường trái phiếu doanh nghiệp đòi hỏi tính minh bạch rất cao |
Đáng chú ý nhìn từ những vụ việc rủi ro làm chao đảo thị trường trái phiếu doanh nghiệp của năm 2023 cho thấy các nhóm ngành nghề có độ rủi ro cao đã “lộ diện” và điều này giúp nhà đầu tư có góc nhìn chính xác hơn về rủi ro tín dụng theo từng nhóm ngành. Do đó mức độ ảnh hưởng của những vi phạm trong việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp trên thị trường thời gian tới được kỳ vọng sẽ thấp hơn, thị trường sẽ ít biến động hơn.
Cùng đó thông tin về trái phiếu doanh nghiệp đang có xu hướng minh bạch hơn, nhất là các thông tin liên quan đến lãi suất doanh nghĩa, kỳ trả lãi.
Một số chuyên gia gợi ý rằng, để tăng cường thêm tính minh bạch cũng như phát triển bền vững cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp, năm 2024 cần đẩy mạnh kênh trái phiếu chào bán rộng ra công chúng. Bởi trong nhiều năm qua, giá trị vốn hoá trái phiếu doanh nghiệp qua kênh chào bán rộng rãi ra công chúng còn chiếm một tỷ lệ rất nhỏ chưa đến 5% tổng giá trị phát hành. Việc nguồn vốn nhàn rỗi trong xã hội là rất lớn và nguồn vốn này vẫn đối diện với việc loay hoay các giải pháp để huy động (vàng là một điển hình cho việc thiếu cơ chế này).
Thực tế trái phiếu riêng lẻ trong thời gian qua được mua phần lớn do các ngân hàng thương mại (khoảng 40%), nhà đầu tư cá nhân (khoảng 30%), còn lại là các quỹ đầu tư và doanh nghiệp (khoảng 30% còn lại). Những chỉ số này cho thấy nhu cầu đầu tư trái phiếu của người dân là rất lớn. Thực tế do hạn chế các kênh đầu tư đã dẫn đến việc người dân thiếu đi lựa chọn đầu tư và quay trở lại gửi tiền ngân hàng khiến số dư tiền gửi của dân cư liên tục tăng từ năm 2021 đến nay (gần 6,45 triệu tỷ đồng theo Ngân hàng Nhà nước).
Vấn đề hiện nay của trái phiếu riêng lẻ tại Việt Nam là phần lớn có chất lượng tín dụng thấp, công bố thông tin hạn chế và phần lớn là dưới chuẩn tín dụng ngân hàng. Về lâu dài, trái phiếu doanh nghiệp chào bán đại chúng cần được khuyến khích đi đôi với việc minh bạch thông tin.
Đồng thời để kênh huy động vốn này phát triển nhanh, một số chuyên gia gợi ý nên có các giải pháp miễn trừ hoặc áp dụng cơ chế phê duyệt nhanh nếu như hồ sơ phát hành đáp ứng được các yêu cầu hiện nay hoặc tổ chức phát hành là doanh nghiệp niêm yết chưa có vi phạm quy định công bố thông tin 5 năm gần nhất, có xếp hạng tín nhiệm cao bởi một tổ chức xếp hạng tín nhiệm nội địa được Bộ Tài chính cấp phép.