Phát triển bền vững thị trường trái phiếu doanh nghiệp bất động sản
Đây là nội dung Hội thảo “Phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp bất động sản tại Việt Nam” do trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức ngày 21/12/2023 tại Hà Nội. Sự kiện nằm trong chuỗi UEB Research and Sharing do Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức.
Hội thảo được tổ chức nhằm mục đích tăng cường trao đổi học thuật cũng như thực tiễn, cung cấp một diễn đàn để các nhà hoạch định chính sách, các nhà nghiên cứu, các hiệp hội, các nhà quản trị doanh nghiệp và ngân hàng thương mại thảo luận về thị trường trái phiếu doanh nghiệp bất động sản tại Việt Nam và ảnh hưởng của các thị trường đến các bên liên quan. Trên cơ sở các chia sẻ, thảo luận này, đề xuất những kiến nghị chính sách phù hợp đối với việc phát triển thị trường này.
Quang cảnh Hội thảo |
Trong những năm vừa qua, mặc dù nền kinh tế chịu ảnh hưởng lớn của dịch bệnh, các doanh nghiệp, bao gồm cả doanh nghiệp bất động sản, đã lựa chọn kênh phát hành trái phiếu để huy động vốn phục vụ hoạt động kinh doanh. Đặc biệt, đối với lĩnh vực bất động sản, phát hành trái phiếu doanh nghiệp dần trở thành kênh huy động vốn quan trọng cho doanh nghiệp trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng cho lĩnh vực này được giám sát chặt chẽ. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ngày 17/12/2023 đã ký ban hành Công điện số 1376/CĐ-TTg về việc tiếp tục thực hiện quyết liệt, kịp thời, hiệu quả các giải pháp thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững.
Trong thực tế, ngành bất động sản cần huy động một lượng vốn lớn nhằm đáp ứng nhu cầu tăng trưởng liên tục về quy mô, dẫn tới trái phiếu bất động sản chiếm tỷ trọng lớn trong quy mô thị trường. Nếu như sự thiên lệch tồn tại ở cơ cấu trái phiếu ngân hàng lớn không thực sự đáng ngại vì ngân hàng là ngành rất đặc thù, có vai trò quan trọng trong ổn định và phát triển nền kinh tế quốc gia Việt Nam và chịu sự giám sát chặt chẽ của Ngân hàng Nhà nước, thì thị trường trái phiếu nằm ở ngành bất động sản có thể dẫn đến những nguy cơ bất ổn trong nền kinh tế. Nhiều trái phiếu doanh nghiệp bất động sản được phát hành trong khi tình trạng “sức khoẻ” của một số doanh nghiệp là yếu, điều này có thể tạo ra hiệu ứng domino cho toàn thị trường trái phiếu doanh nghiệp.
PGS. TS. Nguyễn Anh Thu, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế phát biểu khai mạc |
Số liệu tại Hội thảo cho thấy ngân hàng và bất động sản vẫn là hai nhóm ngành có quy mô phát hành trái phiếu doanh nghiệp lớn nhất trong đó ngành ngân hàng với 120.058 tỷ đồng (tương đương 48,6%), bất động sản với 70.496 tỷ đồng (chiếm 28,5%) giá trị phát hành.
Theo các chuyên gia, thị trường trái phiếu doanh nghiệp bất động sản có tổng dư nợ lớn, tiềm ẩn rủi ro thanh toán do thanh toán bất động sản trầm lắng, dòng tiền khó khăn. Trong bối cảnh thị trường bất động sản còn ảm đạm, áp lực trả nợ trái phiếu đối với nhóm ngành bất động sản là lớn nhất. Ghi nhận tại các nước trên thế giới cho thấy trong 100 năm trở lại đây, các cuộc khủng hoảng trên thế giới đều có “đóng góp” lớn của thị trường bất động sản.
Ý kiến các chuyên gia đã tập trung vào một số nội dung cần quan tâm trong việc phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp bất động sản như: Thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam 2023- Chậm lại để phát triển bền vững; huy động vốn từ phát hành trái phiếu của các doanh nghiệp bất động sản- thực trạng và thách thức; ảnh hưởng của tâm lý nhà đầu tư tới thị trường trái phiếu bất động sản; kinh nghiệm quốc tế về phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp bất động sản và hàm ý chính sách với Việt Nam; điều kiện để phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp bất động sản.
Các chuyên gia dự Hội thảo |
Các chuyên gia cũng đưa ra một số khuyến nghị và hàm ý chính sách để thị trường trái phiếu doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp bất động sản nói riêng phát triển bền vững. Theo đó tiếp tục bổ sung khuôn khổ pháp lý, hoàn thiện công tác điều hành của cơ quan quản lý với việc có thể giãn thời gian áp dụng Nghị định 65/2022/NĐ-CP, hoặc sửa đổi Nghị định 65 theo hướng tôn trọng cơ chế thị trường. Tránh việc hình sự hóa các vụ án liên quan đến trái phiếu khi tổ chức phát hành vẫn đang thực hiện được nghĩa vụ thanh toán cho trái chủ. Đẩy nhanh phê duyệt quy trình phát hành trái phiếu ra công chúng để tiếp cận được phần đông nhà đầu tư có nhu cầu...
Bên cạnh đó, cần nâng cao chất lượng trái phiếu từ phía tổ chức phát hành, đa dạng và cải thiện cầu đầu tư trái phiếu doanh nghiệp, khuyến khích phát triển các nhà tạo lập thị trường, nâng cao năng lực của các tổ chức trung gian tài chính.