Tăng hiện diện, tạo uy tín để cà phê Việt Nam "tăng trưởng kép" trong chuỗi cung ứng
Cà phê Việt Nam được thị trường Anh ưa chuộng Xuất khẩu tăng mạnh, cà phê Việt Nam nhiều cơ hội tại Pháp, Canada Cơ hội tìm hiểu thị trường Lào của các doanh nghiệp cà phê Việt Nam |
Trong bối cảnh tình hình kinh tế, tiêu dùng của khu vực châu Âu gặp nhiều khó khăn từ đầu năm 2023 nhưng với trợ lực từ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), xuất khẩu cà phê Việt Nam sang thị trường này vẫn ghi nhận tăng trưởng tích cực.
Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan Việt Nam, trong 10 thị trường xuất khẩu cà phê riêng lẻ, 8 tháng đầu năm 2023, có đến 5 nước thành viên EU bao gồm: Đức, Italia, Tây Ban Nha, Bỉ và Hà Lan. Trong đó, Đức được đánh giá là thị trường xuất khẩu lớn nhất của cà phê Việt Nam, còn xuất khẩu vào Hà Lan tăng mạnh cả về lượng và trị giá.
Từ kinh nghiệm thực tế bán hàng vào hầu hết 27 nước thành viên EU với thị phần chiếm từ 45% - 55% trên tổng doanh thu khoảng 250 triệu USD/năm, ông Phan Minh Thông - Chủ tịch HĐQT Phúc Sinh Group cho biết, việc các doanh nghiệp EU mở rộng đầu tư, nhập khẩu vào Việt Nam và hợp tác kết nối với doanh nghiệp EU mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp Việt Nam.
Một là, EU là một trong những nhà nhập khẩu đi đầu trong vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm, kiểm soát chặt chẽ chất lượng sản phẩm, phát triển bền vững. Nếu hợp tác và đáp ứng các yêu cầu của đối tác EU, doanh nghiệp Việt Nam có thể học hỏi và phát triển tốt so với những nguồn cung khác của thế giới. Khi xuất khẩu được sản phẩm vào EU thì chúng ta có thể xuất đi được rất nhiều thị trường khác trên thế giới, bởi nhiều nhà nhập khẩu như Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc… cũng lấy tiêu chuẩn của EU.
Xuất khẩu cà phê của Việt Nam sang EU tăng trưởng ấn tượng cả lượng và chất - Ảnh: TTXVN |
Hai là, khi Việt Nam có hiệp định với EU, hệ thống ngân hàng hay các tổ chức bảo hiểm, các công ty tài chính của EU sẽ cung cấp tín dụng cho các nơi mua hàng.
Ba là, bên cạnh được hưởng thuế suất ưu đãi, việc nhập khẩu, sử dụng máy móc, công nghệ của EU để sản xuất sản phẩm xuất khẩu trở lại thị trường EU mang đến lợi thế hơn so với hàng hóa không sử dụng máy móc, công nghệ của EU.
Hầu hết các ý kiến đánh giá, tác động của Hiệp định EVFTA đối với ngành hàng cà phê không chỉ thể hiện ở tăng trưởng xuất khẩu mà còn ở việc có thêm nhiều nhà đầu tư EU vào Việt Nam và các doanh nghiệp được nhập khẩu thiết bị, máy móc chất lượng với thuế suất ưu đãi.
Ông Lương Văn Tự - nguyên Thứ trưởng Bộ Công Thương, nguyên Trưởng đoàn đàm phán kinh tế thương mại Chính phủ gia nhập WTO và AEC, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam cho biết, EU là một thị trường vốn và công nghệ tiên tiến, chất lượng. Trước đây, khi chưa có Hiệp định EVFTA, EU đã hợp tác với Việt Nam từ rất lâu. "Tất cả những tập đoàn lớn của EU liên quan đến cà phê đều có mặt ở Việt Nam, nhưng khi đó họ hợp tác với chúng ta chủ yếu là mua cà phê nhân chưa qua chế biến và bảo hộ phần chế biến" - ông Tự thông tin và cho rằng, hiện nay, với lợi thế của thực thi EVFTA, rất nhiều doanh nghiệp EU đã xúc tiến mở rộng quy mô nhà máy của mình hoặc đầu tư các nhà máy mới tại Việt Nam để sản xuất cà phê chế biến xuất khẩu sang Châu Âu.
Bên cạnh đó, EU là thị trường xuất khẩu hàng đầu, đồng thời là nguồn cung thiết bị, máy móc quan trọng cho ngành cà phê Việt Nam. Ông Tự cho biết, lâu nay lĩnh vực chế biến cà phê của Việt Nam thường nhập khẩu và sử dụng nhiều máy móc, thiết bị từ EU. Máy móc thiết bị khác có thể dùng của nhiều nguồn khác nhưng máy chính của dây chuyền chế biến cà phê chỉ có Đức và Đan Mạch sản xuất mới đảm bảo.
Ông Tự chỉ ra, trong thời gian qua, tất cả những nhà máy đầu tư vào cà phê hòa tan của Việt Nam như: Intimex, Vinacafe Biên Hòa… đều hợp tác nhập khẩu, sử dụng công nghệ của EU, công nghệ của Đức và Đan Mạch mới đáp ứng được tiêu chuẩn đối với cà phê hòa tan xuất khẩu.
Với lộ trình giảm thuế sâu từ Hiệp định EVFTA đã tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong nước cũng như doanh nghiệp đầu tư nước ngoài nâng cao chế biến để nâng giá trị gia tăng của hạt cà phê. Đơn cử, nếu trước đây các doanh nghiệp chủ yếu xuất khẩu cà phê nhân thì nay, với việc tăng cường đầu tư khâu chế biến và tận dụng ưu đãi của EVFTA, năm 2022 Việt Nam đã xuất khẩu cà phê rang xay, cà phê hòa tan và các loại cà phê chế biến khác chiếm đến 15% tổng kim ngạch xuất khẩu và đạt 600 triệu USD trong tổng kim ngạch xuất khẩu 3,9 tỷ USD.
Các chuyên gia cho rằng, những thu hoạch của ngành hàng và của các doanh nghiệp cà phê Việt trong việc tận dụng lợi thế của Hiệp định EVFTA trong thời gian qua được thể hiện khá rõ nét. Để duy trì những lợi thế hiện có, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm và doanh nghiệp, khi làm với các đối tác EU chúng ta phải rất kỷ luật và thích ứng được với những thách thức, yêu cầu.
Đối với ngành cà phê rất nhiều doanh nghiệp đã tự đầu tư máy móc, thiết bị nhưng vẫn cần Nhà nước hỗ trợ cơ chế chính sách, nhất là về vấn đề cho vay để đầu tư vào sản xuất với những cơ chế thuận lợi. Ngoài ra, các chính sách trong nước cũng cần tạo điều kiện, hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam mua công nghệ của nhà đầu tư nước ngoài và tự đầu tư phát triển, bắt kịp xu hướng đầu tư nước ngoài có thể tiếp tục thay đổi, dịch chuyển.
Bên cạnh liên doanh, liên kết với doanh nghiệp nước ngoài, bắt đầu xuất hiện xu thế các doanh nghiệp tự đầu tư chế biến rang xay, hòa tan để phục vụ xuất khẩu. Vì vậy, các chuyên gia cho rằng, các doanh nghiệp cũng cần chuẩn bị đủ các yêu cầu về tài chính, đủ thông tin để tự đầu tư đi ra thị trường nhằm định hướng phát triển thị trường bền vững.
Theo Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat), trong 6 tháng đầu năm 2023, EU nhập khẩu cà phê từ Việt Nam tăng 21% về lượng và tăng 18,1% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 389,9 nghìn tấn, trị giá 854,23 triệu EUR (tương đương 914,11 triệu USD). Thị phần cà phê của Việt Nam trong tổng lượng nhập khẩu của EU từ thị trường ngoại khối tăng từ 20,96% trong 6 tháng đầu năm 2022 lên 27,5% trong 6 tháng đầu năm 2023. |