“Sức khỏe” Tổng công ty cổ phần Sông Hồng trước giờ Bộ Xây dựng thoái vốn
Chú trọng “chất” trong thoái vốn và cổ phần hóa Mùa đại hội cổ đông “nóng” chuyện thoái vốn Thoái vốn tại các doanh nghiệp Nhà nước: Nhiều áp lực mới |
Bộ Xây dựng vừa thông báo ngày 22/12/2023 sẽ bán đấu giá 100% cổ phần đang sở hữu của Tổng công ty cổ phần Sông Hồng (mã chứng khoán: SHG) với giá khởi điểm là 10.500 đồng/cp. Tính theo mức giá khởi điểm, tổng số tiền Bộ Xây dựng có thể thu về là 139 tỷ đồng nếu đấu giá thành công.
Thời điểm ngày 7/12/2023, giá cổ phiếu của Tổng công ty cổ phần Sông Hồng đang giao dịch trên sàn chứng khoán khoảng 2.200 đồng. Tức, giá khởi điểm Bộ Xây dựng đưa ra cao gần gấp 5 lần giá hiện tại giao dịch.
Lỗ lũy kế, âm vốn chủ sở hữu
Theo thông tin được công bố danh sách cổ đông lớn nắm giữ từ 5% cổ phần trở lên của Tổng công ty Sồng Hồng gồm có: Bộ Xây dựng đang sở hữu 49,04% cổ phần, cá nhân Nguyễn Thương Huyền nắm giữ 25,96% cổ phần và bà Trần Thị Thanh Hà nắm giữ 9,56% cổ phần.
Tìm hiểu cho thấy, những năm gần đây, kết quả kinh doanh của Tổng công ty Sông Hồng cũng không mấy khả quan. Theo báo cáo tài chính hợp nhất giữa niên độ, tại thời điểm ngày 30/6/2023 tổng tài sản của doanh nghiệp này là 985,082 tỷ đồng, trong khi đó nợ phải trả lên tới 1.971 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu cũng âm 986,913 tỷ đồng.
Doanh thu thuần của Tổng công ty Sông Hồng tại thời điểm ngày 30/6/2023 là 3,859 tỷ đồng, trong khi đó cùng kỳ năm ngoái đạt 22,517 tỷ đồng (giảm 82%). Tổng công ty Sông Hồng 6 tháng đầu năm 2023 lỗ gần 27 tỷ đồng.
Trong giai đoạn cuối năm 2011 đến 2014, tình hình kinh tế trong nhước có nhiều biến động, giá cả nguyên vật liệu, vật tư, nhân công đều tăng; lãi suất ngân hàng tăng có những thời điểm Tổng công ty cổ phần Sông Hồng phải vay thi công các dự án với lãi suất 24-25%/năm; thị trường bất động sản trầm lắng;… dẫn đến chi phí sản xuất kinh doanh tăng cao, các công trình bị chậm tiến độ và kéo dài dẫn đến thua lỗ, mất khả năng thanh toán.
Đến nay Tổng công ty cổ phần Sông Hồng vẫn không thể khắc phục được một số vướng mắc như: Tòa án thành phố Hà Nội tuyên Tổng công ty buộc phải trả Ngân hàng SHB 239 tỷ đồng và khoản lãi tiếp theo cho đến khi trả xong nợ gốc trong vụ án dân sự Tổng công ty bảo lãnh cho Công ty cổ phần thép Sông Hồng vay vốn tại Ngân hàng SHB từ năm 2011.
Hiện nay, Chi cục thi hành án quận Tây Hồ đã phong tỏa toàn bộ các tài khoản tại Ngân hàng, thu hồi tiền gửi và đang thực hiện cưỡng chế kê biên các tài sản trên đất trụ sở Tổng công ty cổ phần Sông Hồng tại 70 An Dương, quận Tây Hồ, Hà Nội.
Mặt khác, Tổng công ty cổ phần Sông Hồng còn có khoản nợ vay Ngân hàng Aceanbank để thi công công trình Nhà máy nhiệt điện Vũng Áng 1, nhưng giai đoạn từ năm 2009 - 2014 mất khả năng thanh toán gốc và lãi.
Đến ngày 30/6/2023, Tổng công ty cổ phần Sông Hồng phải trả Ngân hàng số tiền 689 tỷ đồng. Khoản vay nợ này Ngân hàng Oceanbank đã khởi kiện Tổng công ty cổ phần Sông Hồng ra Tòa án nhân dân quận Tây Hồ từ năm 2017.
Trước thực trạng khó khăn của doanh nghiệp lỗ lũy kế, âm vốn chủ sở hữu lớn, và mất khả năng thanh toán công nợ nên Tổng công ty cổ phần Sông Hồng không đủ năng lực tham gia đấu thầu, chỉ định các công trình xây lắp và các dự án đầu tư.
Bộ Xây dựng thông báo thoái toàn bộ vốn tại Tổng công ty cổ phần Sông Hồng |
Nhiều dự án “ì ạch” chục năm
Ngoài ra, những năm qua Tổng công ty cổ phần Sông Hồng cũng đã và đang đầu tư hàng loạt dự án lớn, tuy nhiên nhiều dự án gặp khó khăn trong quá trình triển khai.
Đơn cử như dự án Tổ hợp công trình đa năng Sông Hồng Tower tại ô đất HH trong khu tái định cư phục vụ xây dựng Khu đô thị mới Hà Nội, phường Xuân Tảo và Cổ Nhuế 1, quận Bắc Từ Liêm diện tích khoảng 1,38ha.
Doanh nghiệp này đã ký hợp đồng hợp tác đầu tư từ tháng 01/2011 với Công ty cổ phần đầu tư Reenco Sông Hồng, Công ty cổ phần Quốc tế Sơn Hà và Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Minh Ngọc. Hiện đang chờ UBND thành phố Hà Nội phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chi tiết và đang triển khai ký lại hợp đồng hợp tác đầu tư mới với Công ty TNHH thương mại Xuất nhập khẩu Minh Ngọc để kế thừa và triển khai dự án thay thế hợp đồng cũ.
Dự án đã hoàn thành công tác xin quyết định chủ trương đầu tư, nhưng chưa thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, và chưa có quyết định tính tiền sử dụng đất, chưa thực hiện công tác xây dựng.
Đối với dự án xây dựng nhà tái định cư tại ô đất ký hiệu CCTP tại Đền Lừ III, Hoàng Mai diện tích 1,06ha. Ngày 17/10/2011, Tổng công ty cổ phần Sông Hồng, Công ty cổ phần xây dựng Số 1 Sông Hồng và Công ty cổ phần ĐT&PT Đô thị Vàng đã ký thỏa thuận hợp tác đầu tư xây dựng các dự án.
Tuy nhiên, dự án đã bị dừng triển khai theo văn bản số 1278/KH&ĐT-NNS ngày 17/3/2017 của Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội. Tổng công ty cổ phần Sông Hồng đang có các công văn trình UBND thành phố Hà Nội xin tiếp tục triển khai dự án theo hình thức chuyển dự án sang hình thức nhà ở xã hội và tìm kiếm đối tác có năng lực thực hiện dự án. Dự án đang thực hiện trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư.
Đối với dự án lập quy hoạch chi tiết 1/500 tại khu đất 70 - 72 An Dương, Yên Phụ, Tây Hồ, Hà Nội với diện tích 1,9ha. Đến nay Tổng công ty cổ phần Sông Hồng mới hoàn thành công tác nghiên cứu lập quy hoạch phân khu và chi tiết tỷ lệ 1/500 và gửi Viện Quy hoạch Xây dựng Hà Nội và Sở Quy hoạch - Kiến Trúc Hà Nội xem xét đưa vào đồ án quy hoạch hai bên Sông Hồng để trình cấp có thẩm quyền xem xét phê duyệt.
Tuy nhiên, việc lập quy hoạch hai bên Sông Hồng vẫn đang dừng ở chủ trương mà chưa có mốc thời gian triển khai cụ thể. Do đó, các thủ tục phê duyệt dự án này chưa được thực hiện.
Dự án lập quy hoạch chi tiết khu đất kinh tế địa phương tại phường Lĩnh Nam, quận Hoàng Mai. Ngày 17/11/2011, Tổng công ty cổ phần Sông Hồng, Công ty cổ phần xây dựng số 1 Sông Hồng và Công ty CP ĐT&PT Đô thị Vàng đã ký thỏa thuận hợp tác triển khai. Đến nay Tổng công ty đã hoàn thành chấp thuận bản vẽ Tổng thể mặt bằng tỷ lệ 1/500 và phương án kiến trúc ô đất ký hiệu H1-CC3 và H1-P3 (ô đất C13/KTĐT) phường Lĩnh Nam, quận Hoàng Mai, Hà Nội. Còn 03 ô đất thuộc khu quy hoạch ký hiệu G2 đang trong quá trình lập quy hoạch chi tiết. Các thủ tục phê duyệt dự án đầu tư chưa thực hiện được.
Ngoài ra doanh nghiệp này còn đầu tư dự án đầu tư xây dựng tuyến đường nối đường Phan Trọng Tuệ với đường Tả Thanh Oai - Đại Áng - Liên Ninh, Thanh Trì theo hợp đồng BT, nhà đầu tư là Liên danh Tổng công ty Sông Hồng - Công ty cổ phần đầu tư và kinh doanh bất động sản Hà Nội Sông Hồng - Công ty cổ phần đầu tư xây dựng Hưng Phú.
Dự án này được chấp thuận thông qua đề xuất và chỉ định nhà đầu tư đàm phán hợp đồng thực hiện. Đến năm 2021 dự án này thuộc trường hợp dừng triển khai thực hiện theo hợp đồng BT, Tổng Công ty cũng không tiếp tục triển khai dự án này trong tương lai.
Hay dự án Khách sạn Royal Sông Hồng tại lô đất số 144 đường Phan Bội Châu, phường Lào Cai, thành phố Lào Cai, với tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 47,602 tỷ đồng. Dự án này được khởi công xây dựng từ Quý IV/2009 đến năm 2015 thì dừng thi công.
Khách sạn đã xây xong phần thô, đang hoàn thiện và lắp đặt thiết bị; Đã hoàn thành khoảng 90% công việc, hiện còn hạng mục thang máy, nguồn điện cấp cho dự án, nội thất khách sạn,… chưa thi công do thiếu vốn.
Tuy nhiên, hiện nay, Chi cục thi hành án Quận Tây Hồ đã yêu cầu Tổng công ty cổ phần Sông Hồng cung cấp hồ sơ pháp lý và giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của dự án này để thi hành án đối với bản án Tổng công ty cổ phần Sông Hồng phải thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh cho Công ty cổ phần thép Sông Hồng vay Ngân hàng SHB.