Mùa đại hội cổ đông “nóng” chuyện thoái vốn
Nhiều ngân hàng đặt mục tiêu tăng trưởng cao trong năm 2018 |
“Cuộc đua” tăng lợi nhuận
Theo báo cáo tài chính (BCTC) kiểm toán năm 2017, lợi nhuận của Tổng Công ty Khí Việt Nam (PV GAS) có sự bứt phá mạnh. Theo đó, doanh thu thuần hợp nhất cả năm 2017 đạt 64.569 tỷ đồng (tăng 9,2%), lợi nhuận ròng đạt 9.843 tỷ đồng (tăng 37,2%). Năm 2018, PV GAS được kỳ vọng sẽ tiếp tục bước đột phá nhờ tận dụng được những yếu tố thuận lợi khi nhu cầu điện được dự báo tăng trưởng và việc Chính phủ tiếp tục đẩy mạnh thay thế nhiệt điện than bằng nhiệt điện khí. Với điều kiện kinh doanh thuận lợi, giới phân tích đưa ra dự báo về khả năng PV GAS sẽ quay lại top 3 về lợi nhuận của các DN niêm yết.
Tại ĐHCĐ của Ngân hàng Thương mại cổ phần Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) được tổ chức vào giữa tháng 3/2018, cổ đông của ngân hàng này đã đồng ý thông qua chỉ tiêu kinh doanh năm 2018 với các nội dung chính như: Tổng tài sản đạt 359.477 tỷ đồng, huy động khách hàng và phát hành giấy tờ có giá đạt 241.675 tỷ đồng, dư nợ cấp tín dụng đạt 234.320 tỷ đồng, tỷ lệ nợ xấu dưới 3% và lợi nhuận trước thuế đạt 10.800 tỷ đồng.
Ấn tượng nhất là Ngân hàng Thương mại Cổ phần Ngoại Thương Việt Nam (VCB). Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ kinh doanh năm 2018, VCB đã công bố lợi nhuận trước thuế năm 2017 đạt 11.018 tỷ đồng (tăng 33%). Theo lãnh đạo VCB, tỷ lệ nợ xấu tiếp tục giảm mạnh (hiện ở mức 1,1%), các hệ số an toàn, hiệu quả hoạt động của VCB trong năm qua tiếp tục được cải thiện và dần sát với các thông lệ quốc tế. Từ kết quả này, VCB mạnh dạn lên mục tiêu lợi nhuận trước thuế 2018 đến 12.000 tỷ đồng.
Nhiều “ông lớn” thoái vốn
Năm 2018 được cho là năm cao điểm của các đợt thoái vốn khi dự kiến có 181 DNNN sẽ thoái vốn, chiếm 70% tổng số đơn vị dự kiến sẽ được thoái vốn trong giai đoạn 2018- 2020. Theo đó, các DN trong nhóm thoái vốn của PVN, các DN thuộc quyền kiểm soát của Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) và các DN thuộc các bộ ngành cũng sẽ được đẩy mạnh lộ trình thoái vốn.
DN có vốn hóa lớn nhất trên thị trường chứng khoán là PV GAS cũng có tên trong danh sách thoái vốn nhà nước trong năm 2018. Theo kế hoạch, PVN sẽ giảm tỷ lệ sở hữu nhà nước tại DN này từ 95,8% xuống còn 65% trong 2 năm 2018- 2019. PV GAS cũng đã hoàn thành xây dựng và đã được PVN phê duyệt phương án tái cấu trúc giai đoạn 2016- 2020.
Trong danh sách thoái vốn nhà nước năm 2018, còn có Tập đoàn Hoá chất Việt Nam (Vinachem). Theo đề án tái cơ cấu 2017- 2020, sau cổ phần hóa, Vinachem sẽ giảm sở hữu xuống 51- 65% tại các DN niêm yết. Chuẩn bị cho quá trình cổ phần hóa và IPO Vinachem năm 2019, Nhà nước sẽ xử lý triệt để vấn đề thoái vốn của tập đoàn.
Theo đánh giá của các công ty chứng khoán, hiệu ứng thoái vốn đã tạo động lực tăng trưởng mạnh mẽ cho VN- Index trong năm 2017 và sẽ tiếp tục góp thêm phần sôi động của thị trường chứng khoán trong năm 2018.