Sử dụng thẻ tín dụng ngân hàng: Miếng pho mát trong bẫy chuột?
Nợ xấu thẻ tín dụng tăng kỷ lục Đừng để cuốn sâu vào "bẫy" nợ thẻ tín dụng Thẻ tín dụng ngân hàng nào lãi suất thấp nhất? |
Mới đây, vụ việc của anh P.H.A tại Quảng Ninh sử dụng thẻ tín dụng của Ngân hàng Eximbank và nợ hơn 8,5 triệu đồng vào năm 2013, đến năm 2023 khoản nợ này tăng lên thành hơn 8,83 tỷ đồng khiến dư luận cả nước xôn xao. Kinh ngạc hơn, số nợ anh A phải gánh chỉ bắt đầu với 8,5 triệu đồng tiền nợ gốc nhưng phần nợ lãi lên tới hơn 8,8 tỷ đồng.
Sự việc xảy ra khiến hàng nghìn người đang sử dụng thẻ tín dụng không khỏi lo lắng cho số nợ đang chực chờ của bản thân. Ngay lập tức, vấn đề được nhiều người quan tâm hơn cả là cách tính lãi thẻ tín dụng. Trên mạng xã hội, các nhà "toán học online" xuất hiện với những công thức tính nợ, được khai mở. Dù tính toán bằng nhiều cách nhưng người ta vẫn khó hình dung về việc vì sao từ khoản nợ 8,5 triệu đồng sau 11 năm có thể phình to tới hơn 1.000 lần!
Thẻ tín dụng trước hết là một phương tiện thanh toán thuận tiện hơn và khá an toàn so với tiền mặt. |
Trước tiên, ở khía cạnh tích cực, thẻ tín dụng trước hết là một phương tiện thanh toán thuận tiện hơn và khá an toàn so với tiền mặt. Điểm lợi nhất là thẻ cho phép chủ thẻ dễ dàng sử dụng một khoản tiền do ngân hàng cấp sẵn, đặc biệt trong tình huống khẩn cấp. Khoản tiền này nhiều hay ít phụ thuộc vào độ khả tín của người sử dụng. Chủ thẻ được sử dụng ngay một món tiền lớn, rồi chọn cách trả lại ngân hàng toàn bộ trong một lần, hay chia ra, trả thành từng lần nhỏ để giảm bớt gánh nặng tài chính trong ngắn hạn.
Tuy nhiên, về mặt hạn chế, không giống như thẻ ghi nợ (debit card), thẻ tín dụng không liên kết với bất cứ tài khoản ngân hàng nào của bạn. Khoản tiền được cấp trong thẻ tín dụng thực chất là một khoản vay ngân hàng đặc thù, với lãi suất cao hơn nhiều lần các khoản vay bình thường, kèm theo các điều khoản phạt trả chậm và lãi chồng lãi rất cao, từ 26% đến 75% và tính lãi gộp theo ngày. Nghĩa là, khoản vay này cứ tăng lên mỗi ngày và tích lũy thành một món nợ khổng lồ với chủ thẻ.
Điều đáng sợ là thẻ tín dụng có xu hướng khuyến khích người dùng tiêu pha quá mức, một khi đã hình thành thói quen này sẽ rất dễ dính vào bẫy nợ (the Ugly). Khi có một món tiền lớn, bạn sẽ ảo tưởng về khả năng tài chính của mình và dễ dàng tiêu sắm vượt quá khả năng chi trả. Với khoản nợ thẻ tín dụng này, do lãi suất rất cao, tích tụ hàng ngày, khó để trả hết nổi. Chủ thẻ tín dụng khi không thể trả được nợ cho ngân hàng sẽ đối mặt với khả năng bị kiện tụng, bị tuyên phá sản, hoặc tìm đến những nguồn vay nặng lãi cắt cổ phi pháp để giải quyết hậu quả.
Trở lại câu chuyện về khoản nợ từ hơn 8 triệu đồng thành hơn 8 tỷ đồng đến nay vẫn còn nhiều thông tin chưa được làm rõ, nên chưa thể kết luận đúng sai. Thiết nghĩ, để xây dựng một nền kinh tế tiêu dùng lành mạnh, các ngân hàng cần nâng cao quản trị khâu phát hành thẻ tín dụng, không nên chạy đua số lượng để phát hành tràn lan, kém hiệu quả và dễ phát sinh những tranh chấp không đáng có; đồng thời, sát sao trong công tác chăm sóc khách hàng bởi họ là những người mang lại lợi nhuận cho ngân hàng.
Ở chiều ngược lại, việc quản lý tài chính cá nhân cần được giáo dục bài bản từ nhà trường đến gia đình, hệ thống pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cần được hoàn thiện. Tấm thẻ tín dụng với nhiều tiện ích nhưng cũng ẩn chứa hiểm họa rất lớn, dễ khiến người dùng rơi vào khủng hoảng tài chính. Thói quen "đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trước khi dùng" không bao giờ là thừa cả!