Quản lý chất lượng không khí: Còn nhiều bất cập
Giao thông đường bộ phát thải 70% lượng bụi gây ô nhiễm không khí
Kết quả công bố của dự án cho thấy: Việt Nam có rất nhiều văn bản pháp luật về quản lý chất lượng không khí, nhưng một số lĩnh vực chưa có cơ quan chịu trách nhiệm khiến cho việc điều phối và hợp tác giữa cơ quan quản lý cấp trung ương và cấp địa phương còn chưa hiệu quả. Đáng nhấn mạnh là việc trao đổi thông tin giữa các cơ quan có chức năng quản lý về chất lượng không khí cũng rất hạn chế. Điều này gây khó khăn trong việc tổ chức thực hiện cũng như hiệu quả công việc.Cụ thể, Bộ Giao thông vận tải được phân công kiểm soát lượng khí thải của phương tiện giao thông đường bộ, cũng như xây dựng ban hành công bố quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khí thải xe cơ giới theo tiêu chuẩn EURO 4 và EURO 5. Tuy nhiên, gần đây nhiệm vụ này lại không có trong chức năng nhiệm vụ của Bộ. Ngoài ra, nhiều hoạt động quản lý chất thải không khí giữa các Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Công Thương còn bị trùng lặp. Việc phân công trách nhiệm kiểm tra, xử phạt hành chính các cơ sở gây ô nhiễm còn gặp nhiều chồng chéo từ cấp trung ương tới địa phương. Do đó, có nhiều trường hợp thanh tra ở nhiều cấp khác nhau có thể đồng thời đến kiểm tra và xử phạt một doanh nghiệp có hành vi vi phạm ô nhiễm môi trường gây ra không ít phiền toái cho doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, việc thiếu các văn bản quy định cụ thể về chất lượng không khí và các vấn đề liên quan đến kiểm soát ô nhiễm đã gây ra khó khăn cho công tác quản lý chất lượng không khí của Chính phủ. Cụ thể như Luật không khí sạch thiếu các quy định về tiêu chuẩn môi trường cho các ngành công nghiệp và chưa có quy định về đầu mối chính chịu trách nhiệm điều phối….
Để khắc phục những hạn chế này, Nhóm chuyên gia JICA khuyến cáo: Việt Nam cần xây dựng và ban hành kế hoạch bảo vệ môi trường không khí để thiết lập mối liên hệ và trách nhiệm của các cơ quan về chất lượng không khí, đặc biệt là để hiểu rõ hơn nữa hiện trạng quản lý chất lượng không khí ở cấp trung ương và cấp tỉnh. Đồng thời rà soát, bổ sung, sửa đổi các Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và tiêu chuẩn môi trường liên quan đến công tác kiểm soát ô nhiễm không khí. Cần có chính sách đào tạo chuyên môn và chuyên sâu về quản lý chất lượng không khí cho cán bộ phụ trách cho từng lĩnh vực như kiểm soát ô nhiễm khí thải công nghiệp, khí thải xây dựng, phát thải khí nhà kính và khí thải từ các hoạt động nông nghiệp. Xây dựng cơ chế chia sẻ thông tin về môi trường không khí đô thị, tăng cường sự tham gia của cộng đồng.
Mặc dù còn những bất cập song ông Fumihiko Okiura, Trưởng đại diện Văn phòng JICA tin tưởng, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ triển khai ứng dụng một cách có hiệu quả những kết quả của Dự án nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng cũng như tăng cường thể chế quản lý chất lượng không khí nói riêng và bảo vệ môi trường nói chung tại Việt Nam./.
T.Tâm