Phóng sinh rằm tháng Bảy: Hiểu đúng để hành động đúng
Chùa Ba Vàng báo cáo thu chi, riêng tiền lễ hội mỗi ngày thu trăm triệu Tháng cô hồn: Tên gọi, nguồn gốc và những điều đại kỵ Gợi ý mâm cỗ chay cúng Rằm tháng 7 thơm ngon và đẹp mắt |
Những năm gần đây, cứ đến dịp rằm tháng Bảy, ở khắp các chợ, nhất là chợ chim, chợ cá lại tái diễn cảnh ùn ùn người đi mua chim, mua cá, mua rùa, mua ốc để thực hiện hành vi được gọi là “phóng sinh” những mong bản thân mình, gia đình mình, dòng họ mình thêm phần may mắn, công danh chức tước hanh thông vạn sự.
Có “cầu” ắt có “cung”. Dịp này cũng là lúc người ta ra sức đi lùng sục rồi bẫy, bắt, chim, rùa, ốc mang tính tận diện cốt sao có “hàng” để mang tới các điểm kinh doanh “phóng sinh”.
May mắn, hanh thông đâu chưa thấy nhưng nhìn những chú chim đầu ngoẹo sang bên trong lồng cùng rớt dãi rồi những chú rùa bật ngửa nằm chờ “phóng sinh”, lòng riêng không chỉ những Phật tử mà cả người thường đi ngang qua đều không khỏi xót xa cho thân phận những con vật bỗng chốc bị biến thành vật hy sinh cho một thói ứng xử của con người.
Mà trong số những con vật nằm chờ được phóng sinh kia, có bao nhiêu con sống được đến lúc tự do.
Chưa hết. Phóng sinh như được thấy thực sự có một sự nghịch lý, đó là một việc làm tốt (phóng sinh) phải phụ thuộc vào một việc làm không tốt (nghề cung cấp động vật phóng sinh). Vậy thì việc làm đó có được coi là tốt hay không cũng như có đưa đến kết quả tốt như mong muốn không?
Rồi đây đó, báo chí, mạng xã hội đưa những cảnh ùn ùn những lồng chim, lồng rùa, lồng ốc trước những đám đông người chen lấn nhau chờ đến mình làm phóng sinh và đó thực sự là những quang cảnh rất, rất phản cảm.
Những dòng sông, dòng kênh ao hồ lại oằn mình gánh những đám túi ni lông, những chiếc lồng nan bị vứt bỏ sau hành vi phóng sinh của con người. Môi trường, nguồn nước thêm một lần ô nhiễm nặng và những người công nhân môi trường đô thị cộng thêm cái vất vả vào những cái vất vả vốn có trong công việc hàng ngày của họ.
Ảnh minh hoạ |
Nếu có những may mắn, hanh thông nào đó đến với những ai làm cái gọi là phóng sinh động vật rằm tháng Bảy thì đó là những may mắn, hanh thông phải đánh đổi bằng sự huỷ diệt, ô nhiễm môi trường, mạng sống của động vật cùng sự nặng nhọc của những người đi sau hậu phóng sinh.
Những may mắn hanh thông có được bằng lối đó, sao lại gọi là may mắn, hanh thông đúng nghĩa cho được?
Giáo lý nhà Phật tuy có chỗ cao siêu cũng còn có những điều đi cùng cuộc cuộc sống, gắn với cuộc sống. Phóng sinh chỉ có ý nghĩa thực sự nếu là giải cứu một con vật sắp bị giết hại. Những con vật chuẩn bị giết hại mà mình tìm cách mua lại, phóng sinh để chúng có đời sống tiếp tục, đó mới phù hợp giáo lý nhà Phật.
Lại cũng có ý kiến cho rằng, phóng sinh mà không hiểu, không đúng cách, không chỉ đơn giản là sai mà còn là sát sinh hay có người mỉa mai gọi là “phóng tử”. Làm như thế, không những tạo nghiệp nặng, lâu dài cho luân hồi, còn tạo nghiệp ngay trong đời này. Ồ ạt săn bắt, hành hạ các loài muông thú... làm mất cân bằng sinh thái, thì hậu quả về môi trường đã phải gánh chịu ngay rồi.
Có câu “Phật tại tâm” mà trước những cảnh rầm rộ mỗi dịp rằm tháng Bảy, người người, nhà nhà đi mua ở chợ rùa chim, cá ốc rồi mang ra hồ ao thả, ngẫm lại càng đúng. Phóng sinh xuất phát từ tâm, tùy tâm người làm, nếu tâm không thiện, suy tính điều ác thì phóng sinh theo phong trào, chạy đua mua cho thật nhiều xét tới cùng phỏng có ích gì?
Ngược lại, phóng sinh khi sinh vật cần, khi vô tình bắt gặp, không toan tính thì dù chỉ một con chim cũng thật đáng quý.
Phóng sinh chính là biểu hiện của lòng từ bi, đức hiếu sinh, tình yêu thương muôn loài, xem sự sống của vạn vật như chính mạng sống của mình.
Phóng sinh là một biểu hiện của nét đẹp văn hóa, thể hiện lối sống vị tha, nhân bản, sợi dây gắn kết đầy yêu thương cùng chan hoà giữa con người với thế giới loài vật xung quanh, chứ đâu phải là cốt mưu cầu gì cho tâm nguyện của mình. Với phóng sinh khi con vật vào tay chúng ta là để trả món nợ cho ta, nhưng thay vì sát hại để trả thù, ta chọn cách giải thoát, cho chúng thêm cơ hội sống, nghĩa là xóa bỏ mọi thù hận, không còn tương báo với chúng nữa.
Phóng sinh nhắc nhớ chúng ta cố gắng gieo trồng thiện nhân để gặt thiện quả ngay từ những hành vi trong cuộc sống ở mọi nơi, mọi lúc.
Đó là những đích đến của giáo lý nhà Phật mà hành vi phóng sinh nói với chúng ta.
Lại nói về những cảnh phóng sinh mùa Vu lan, ngày rằm tháng Bảy hiện tại.
Có người bảo nếu cứ còn tái diễn cảnh phóng sinh như đã thấy thì thà đem số tiền mua cá, mua chim phóng sinh đó làm những việc khác như giúp đỡ bệnh nhân, cung cấp thức ăn chay miễn phí thì thiết thực và ý nghĩa hơn nhiều.
Quả không sai.
Một tâm thiện phải đi đôi với trí tuệ mới không bị rơi vào tình trạng phản tác dụng.