Sản phẩm “Make in Vietnam” - Luồng gió mới thúc đẩy sức sáng tạo
LUVIT: Tạo sự đột phá, nâng tầm giá trị sản phẩm Make in Vietnam Doanh nghiệp Việt đưa ra giải pháp an ninh mạng Make in VietNam |
Nền sản xuất Việt Nam “Make in Vietnam” là một yêu cầu được đặt ra trong Nghị quyết số 29-NQ/TW năm 2022 của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.
Theo đó xây dựng và triển khai chương trình quốc gia về nâng cao năng lực độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường của nền sản xuất Việt Nam đến năm 2045 (Make in Vietnam 2045) theo hướng chú trọng nâng cao tự chủ về nguyên liệu, công nghệ, sản xuất và thị trường; tăng cường năng lực sáng tạo và thiết kế, phát triển các ngành công nghiệp sử dụng nhiều công nghệ, có giá trị gia tăng cao và các ngành công nghiệp phát thải các-bon thấp; khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào đổi mới, hấp thụ và làm chủ công nghệ, nhất là công nghệ lõi, công nghệ nguồn…
Như vậy định hướng cho nền sản xuất mới của Việt Nam là hết sức rõ ràng và cũng đồng thời xác định những tiêu chuẩn mới cho doanh nghiệp Việt Nam thay vì bằng lòng với vị trí một công xưởng chế tạo.
Dù được nhìn dưới góc độ nào, “Make in Vietnam” đều bao gồm các yếu tố sáng tạo tại Việt Nam, làm ra tại Việt Nam, thiết kế tại Việt Nam, sản xuất tại Việt Nam. Khi thực hiện chiến lược “Make in Vietnam", các doanh nghiệp sẽ phải sáng tạo nhiều hơn, thiết kế nhiều hơn, nhờ vậy huy động trí tuệ Việt Nam vào việc giải quyết được bài toán thực tiễn Việt Nam. Giá trị gia tăng tại Việt Nam vì thế sẽ cao hơn so với việc chỉ đơn thuần là gia công, lắp ráp.
Chiến lược “Make in Vietnam" không chỉ giúp Việt Nam cải thiện được chất lượng tăng trưởng, xây dựng nền kinh tế tự chủ mà còn là tấm hộ chiếu để kinh tế Việt Nam, doanh nghiệp Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Nhìn rộng hơn việc xây dựng nền sản xuất “Make in Vietnam” còn là trách nhiệm của Việt Nam như một quốc gia toàn cầu. Không chỉ dừng ở sử dụng, tiêu dùng công nghệ của nhân loại, Việt Nam cũng phải đóng góp cho sự phát triển công nghệ của nhân loại. Đó cũng là một yêu cầu của hiện đại hoá đất nước.
Đặc biệt nền sản xuất “Make in Vietnam” sẽ không chỉ giúp Việt Nam thịnh vượng mà còn giúp Việt Nam có ổn định, hòa bình lâu dài, không trở thành nô lệ của chủ nghĩa tư bản giám sát mà hiện vẫn được nguỵ trang dưới các mỹ từ như “kết nối và chia sẻ toàn cầu”.
Ảnh minh hoạ. |
Để hiện thực hoá tầm nhìn cho nền sản xuất này, một đòi hỏi ngay từ bây giờ là nâng cao khả năng đổi mới sáng tạo cho nền kinh tế, cho doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế. Đổi mới sáng tạo có khả năng đóng góp tới 95% vào mức độ cạnh tranh của nền kinh tế, 66% giá trị đổi mới sáng tạo sẽ tác động đến cuộc sống người dân. Song theo kết quả khảo sát của Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam, mức độ hoạt động đổi mới sáng tạo của các doanh nghiệp Việt Nam chưa tương xứng, chưa bắt kịp xu hướng và sự phát triển nhanh của công nghệ.
Một câu hỏi lớn nữa cũng được đặt ra là Việt Nam đang ở đâu trên bản đồ đổi mới sáng tạo của thế giới? Theo thước đo trình độ công nghệ từ 1 đến 5, hiện chúng ta đang ở mức 2,5, trong khi các nước trong khu vực như Hàn Quốc đang ở mức 4, thậm chí nhiều lĩnh vực khác công nghệ đạt đến mức hiện đại nhất thế giới.
Mặt khác, đầu tư cho đổi mới sáng tạo ở Việt Nam còn chưa cao, chỉ chiếm 0,6% GDP, do đó các phát minh sáng chế của Việt Nam là hết sức ít ỏi so với các nước. Trong khi đó các doanh nghiệp khởi nghiệp Việt Nam phần lớn chỉ ứng dụng các giải pháp công nghệ, kỹ thuật số ít đòi hỏi về nghiên cứu chuyên sâu.
Những dữ liệu trên cho thấy, ngay từ bây giờ để thúc đẩy đổi mới sáng tạo tạo tiền đề cho việc hiện thực hoá nền sản xuất “Make in Vietnam”, cần có những cơ chế đột phá, thể chế hóa vào các luật về khoa học và công nghệ; trong đó chú trọng việc thống nhất quản lý nhà nước về khoa học-công nghệ và đổi mới sáng tạo, không để mảng đổi mới sáng tạo ít nhiều mang tính “rơi tự do” như hiện nay. Đồng thời, tiếp tục xử lý một số rào cản chính sách, khuyến khích đầu tư mạo hiểm, chuyển giao công nghệ, nhất là thúc đẩy thương mại hóa ý tưởng, sản phẩm nghiên cứu có tiềm năng.