Cơ chế nào hút các nhà đầu tư ''rót vốn'' vào trạm sạc điện?
Hiện nay, Việt Nam đang trên đà phát triển mạnh mẽ thị trường xe điện. Trong đó, TP. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh là những trung tâm tiêu thụ lớn nhất. Có rất nhiều nhà đầu tư muốn tham gia kinh doanh lĩnh vực trạm sạc. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều bất cập và rào cản khiến các doanh nghiệp chưa thể đầu tư mạnh mẽ và phát triển rộng khắp.
Chia sẻ về những khó khăn gặp phải trong quá trình xây dựng trạm sạc, ông Vũ Thắng - Giám đốc Trung tâm Phát triển trạm sạc Vinfast - bày tỏ: "Trong quá trình xây dựng trạm sạc, chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn. Bộ Khoa học và Công nghệ có quy chuẩn/tiêu chuẩn về trụ sạc nhưng chưa có quy chuẩn/tiêu chuẩn về việc xây dựng trạm sạc, hệ thống/thiết bị bảo vệ trạm sạc. Trong quá trình xây dựng, chúng tôi phải áp dụng tiêu chuẩn tương đương của quốc tế ", ông Thắng nêu.
Cần chính sách giải "bài toán" hạ tầng trạm sạc cho xe điện. Ảnh: Vinfast |
Bên cạnh đó, ông Vũ Thắng cho biết, doanh nghiệp gặp khó khăn về vấn đề pháp lý trong việc hướng dẫn lắp đặt trạm sạc do ở mỗi địa phương thường khác nhau, nguồn điện/mức độ cung cấp điện không đồng đều.
Ngoài ra, một giám đốc công ty đầu tư trạm sạc tại TP. Hồ Chí Minh cho hay, các quy định pháp lý về đầu tư trạm sạc điện công cộng còn hạn chế, gây khó khăn cho doanh nghiệp trong quá trình xin giấy phép và triển khai dự án. Chẳng hạn, doanh nghiệp khi đăng ký địa điểm kinh doanh trạm sạc xe điện tại nơi công cộng phải chờ phản hồi của các sở, ban, ngành khác và chính quyền tại địa phương đặt trạm sạc. Doanh nghiệp không biết chờ đến khi nào, trong khi đơn vị cho thuê mặt bằng làm trạm sạc lại hối thúc.
Thị trường xe điện đang phát triển khá tốt, nhất là phân khúc giá rẻ đáp ứng được nhu cầu khách hàng. Tuy nhiên, hạ tầng trạm sạc công cộng được cho là vẫn chưa đáp ứng hết nhu cầu của người dùng, dẫn đến quá tải trạm sạc tại các chung cư, trung tâm thương mại ở một số thời điểm nhất định. Nếu áp dụng đơn giá điện kinh doanh cho trạm sạc thì các doanh nghiệp đầu tư trạm sạc gần như không có lãi, thậm chí có thể lỗ vốn.
Theo các chuyên gia, vấn đề thiếu trạm sạc xe điện hiện nay là do nhà nước chưa có quy định rõ ràng nên chưa thu hút được các nhà đầu tư tham gia phát triển. Do đó, để khuyến khích đầu tư trạm sạc cần có chính sách hỗ trợ, ưu đãi về thuế, quy hoạch cho trạm sạc, tiêu chuẩn về hệ thống sạc cũng cần được tính tới để xe điện nào cũng sạc được, tránh lãng phí.
Trước những khó khăn, rào cản trong việc phát triển thị trường xe điện, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà vừa yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải cùng các bộ, ngành rà soát, đề xuất chính sách khuyến khích doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu, người dân chuyển sang phương tiện giao thông dùng xe điện, nhiên liệu xanh.
Phó Thủ tướng giao Bộ Xây dựng hướng dẫn địa phương bổ sung quy hoạch về trạm, trụ sạc điện trong xây dựng đô thị, hạ tầng giao thông. Đồng thời, ông cũng lưu ý cần có chính sách hỗ trợ cho nhà đầu tư trạm, trụ sạc điện về đất đai, quy hoạch, thuế, phí.
Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương sớm trình cơ chế tính giá điện cho các trạm sạc. Năm ngoái, khi xây dựng dự thảo sửa biểu giá bán lẻ điện, Bộ Công Thương từng đề xuất điện cho trạm sạc áp theo giá bán kinh doanh hoặc sản xuất và khung giờ (bình thường, thấp điểm và cao điểm), song tới nay, chính sách này chưa được chốt. Về vấn đề này, ông Hà lưu ý, cơ chế giá cần trên nguyên tắc hỗ trợ trực tiếp cho người sử dụng xe điện.
Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh, chương trình chuyển đổi năng lượng xanh chưa có trọng tâm, lộ trình rõ ràng trong bối cảnh nhiều quốc gia đang triển khai chính sách liên quan mạnh mẽ. Do đó, Phó Thủ tướng giao Bộ Giao thông Vận tải nghiên cứu, đưa ra cơ chế điều hành liên ngành (bộ, ngành, địa phương) về phát triển hạ tầng cho xe điện. Cơ chế này tương tự một số ban chỉ đạo công trình, dự án trọng điểm về giao thông, năng lượng.