Nỗ lực đưa hàng Việt thâm nhập vào thị trường Thái Lan
Ngày 12/8 tại Hà Nội, Trung tâm hỗ trợ Doanh nghiệp Hà Nội, Campus K và Viện hỗ trợ đổi mới sáng tạo phối hợp tổ chức Hội nghị “Thúc đẩy sáng tạo và đổi mới trong xúc tiến thương mại Việt Nam - Thái Lan”.
Với hơn 100 doanh nghiệp và khách mời tham dự, sự kiện có ý nghĩa tăng cường kết nối - giao thương hiệu quả, sâu rộng và thường xuyên hơn giữa các doanh nghiệp, đầu mua Việt Nam - Thái Lan, thúc đẩy chuyển đổi số với hệ sinh thái SmartSME và ứng dụng các nền tảng thương mại điện tử tại Thái Lan để giúp các doanh nghiệp bán hàng đa kênh qua biên giới (B2B2C).
Tiềm năng lớn từ thị trường Thái Lan
Phát biểu khai mạc hội nghị, bà Đặng Thị Hương - Phó giám đốc Trung tâm hỗ trợ doanh nghiệp Hà Nội (Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội) cho biết: “Xúc tiến thương mại đóng vai trò then chốt trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế. Mặt khác, xúc tiến thương mại không chỉ đơn thuần là việc thúc đẩy bán hàng, mà còn bao gồm việc xây dựng thương hiệu, phát triển thị trường và tạo dựng mối quan hệ bền vững với đối tác. Đặc biệt, trong bối cảnh công nghệ số đang phát triển mạnh mẽ, việc áp dụng các giải pháp sáng tạo và đổi mới trong xúc tiến thương mại sẽ giúp các doanh nghiệp Việt Nam nâng cao sức cạnh tranh và mở rộng thị trường”.
Bà Đặng Thị Hương - Phó giám đốc Trung tâm hỗ trợ doanh nghiệp Hà Nội (Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội) phát biểu khai mạc. Ảnh: Phương Cúc |
Đặc biệt, Thái Lan là một đất nước rất năng động, có nhiều sáng tạo trong phát triển kinh tế-xã hội. Trong những năm gần đây, tốc độ tăng trưởng kinh tế luôn ở mức cao. Thái Lan và Việt Nam là hai nước có nhiều nét tương đồng về ngôn ngữ, văn hóa,… cho nên đây là thị trường quan trọng cần phát triển và mở rộng.
Với dự kiến kim ngạch thương mại song phương Việt Nam - Thái Lan khoảng 25 tỷ USD vào năm 2025, Thái Lan hiện là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam trong khối ASEAN. Bởi dù là quốc gia xuất khẩu nông sản hàng đầu nhưng Thái Lan vẫn có nhu cầu lớn về các mặt hàng thuỷ sản, rau quả, hạt điều, cà phê và nhiều loại trái cây tươi, nông sản chế biến từ Việt Nam.
Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, Thương mại Việt Nam - ASEAN tăng 35% trong tháng đầu năm 2024, trong đó, Thái Lan là nước có hoạt động xuất nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam trong khối. Cụ thể, Thái Lan là nước xuất khẩu lớn nhất trong khối của Việt Nam với 734 triệu USD, tăng 31,6% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2023.
Thái Lan sở hữu một mạng lưới phân phối toàn diện, cung cấp vô số cơ hội cho sản phẩm Việt Nam gia nhập và tiếp cận người tiêu dùng Thái. Hơn nữa, Việt Nam, Thái Lan và các quốc gia ASEAN khác đều là thành viên của một loạt các hiệp định thương mại song phương và đa phương, chẳng hạn như Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) và các Hiệp định Thương mại tự do giữa ASEAN với các đối tác khác nhau.
Đáng chú ý nhất, Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) đã xóa bỏ hầu hết các rào cản thuế quan đối với hàng hóa giữa các nước thành viên. Sự hợp tác này không chỉ tạo ra một môi trường thuận lợi cho xuất nhập khẩu mà còn thúc đẩy Việt Nam và Thái Lan cùng nhau phát triển chuỗi cung ứng và sản xuất, tăng cường tiềm năng xuất khẩu sang các nước thứ ba.
Doanh nghiệp cần nỗ lực hơn nữa để “đem chuông đi đánh xứ người”
Mặc dù hệ thống phân phối đa dạng của Thái Lan tạo ra nhiều cơ hội cho hàng hóa Việt Nam thâm nhập thị trường, nhưng sự cạnh tranh giữa hàng hóa xuất khẩu của hai nước là không thể tránh khỏi, bởi cơ cấu hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam và Thái Lan có nhiều điểm tương đồng.
Phân tích về lý do vì sao doanh nghiệp Việt Nam chưa bán được hàng sang Thái Lan, ông Trịnh Bá Dương - Chủ tịch Liên minh Xúc tiến thương mại ASEAN HUB&YEN-D đã chỉ ra một số yếu điểm. Thứ nhất, doanh nghiệp Việt hiện đang thiếu thông tin thực tế để khai thác thị trường ngách, tiêu dùng xanh và tiêu dùng sức khoẻ của nước bạn. Thứ hai, mẫu mã và bao bì cũng như chất lượng sản phẩm chưa đáp ứng được thị hiếu, văn hoá, sở thích, thói quen của người tiêu dùng Thái và chưa phù hợp với các kênh bán hàng hiện đại và kênh bán hàng truyền thống của nước sở tại.
Ông Trịnh Bá Dương - Chủ tịch liên minh Xúc tiến thương mại ASEAN HUB&YEN-D giới thiệu mô hình Hybird Integrated Export Platform giúp doanh nghiệp Việt chủ động xuất khẩu hàng hoá sang Thái Lan. Ảnh: Phương Cúc |
Thứ ba, chưa khai thác hiệu quả nguồn lực của kiều bào Việt Nam tại Thái Lan, đặc biệt cùng Đông Bắc và qua Lào cũng như khai thác các kênh ngoại giao của các Bộ và Hiệp hội.
Ông Trịnh Bá Dương đặc biệt nhấn mạnh về năng lực marketing của doanh nghiệp Việt còn yếu, chưa xây dựng được thương hiệu của riêng mình, do đó hàng hoá vẫn chưa được chú ý và quan tâm. Điểm thứ yếu nữa mà Chủ tịch Liên minh Xúc tiến thương mại ASEAN HUB&YEN-D chỉ ra, đó là doanh nghiệp Việt chưa biết làm giấy tờ và thủ tục để xuất khẩu vào Thái Lan.
Có mặt tại sự kiện, ông Pichakorn Pumkaew, Chủ tịch Công ty Together We Growth Thailand cho hay công ty sẵn sàng giúp đỡ doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu hàng hóa sang Thái Lan, thậm chí xây dựng vị thế tốt cho những doanh nghiệp chưa biết phải bắt đầu từ đâu.
Ông Pichakorn Pumkaew, Chủ tịch Công ty Together We Growth Thailand cam kết hỗ trợ cho doanh nghiệp Việt muốn thâm nhập thị trường Thái Lan. Ảnh: Phương Cúc |
Thị trường Thái Lan sở hữu kênh phân phối đa dạng, từ những khu chợ truyền thống sôi động đến các cửa hàng tiện lợi hiện đại, siêu thị rộng lớn và đại siêu thị khổng lồ. Mỗi kênh phân phối đều có những đặc điểm riêng về giá cả, bao bì và sở thích của người tiêu dùng. Doanh nghiệp muốn thâm nhập thành công vào thị trường này cần nghiên cứu kỹ lưỡng từng kênh để điều chỉnh chiến lược tiếp cận phù hợp.
Người tiêu dùng Thái Lan nổi tiếng với gu thẩm mỹ tinh tế và chú trọng đến sức khỏe. Họ ưa chuộng các sản phẩm có màu sắc bắt mắt, ít đường, ít dầu mỡ và tốt cho sức khỏe. Thương mại điện tử cũng đang bùng nổ tại Thái Lan, mở ra nhiều cơ hội cho doanh nghiệp tiếp cận người tiêu dùng trực tuyến.
“Để chinh phục thị trường Thái Lan, doanh nghiệp Việt Nam cần đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật khắt khe, xin giấy chứng nhận nhập khẩu từ các cơ quan chức năng và ứng dụng công nghệ tiên tiến trong chế biến và bảo quản sản phẩm. Điều này không chỉ đảm bảo chất lượng sản phẩm trong quá trình vận chuyển mà còn đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng Thái Lan về các sản phẩm an toàn, chất lượng và tốt cho sức khỏe”, ông Pichakorn Pumkaew lưu ý.