Những thực phẩm nên và không nên kết hợp với trà
Thực phẩm nào nên và không nên ăn khi có vấn đề tuyến giáp? Người cao huyết áp nên ăn gì, kiêng gì để tốt cho sức khỏe? Thực phẩm tự nhiên giúp cơ thể sản sinh collagen? |
Uống trà là một thú vui quá đỗi thân thuộc với đời sống sinh hoạt của người dân Việt. Tuy nhiên việc chỉ thưởng thức trà nguyên vị có thể sẽ không phù hợp với khẩu vị của nhiều thực khách. Vì vậy đã có vô vàn những món ăn kèm và công thức kết hợp mới mẻ với trà được đưa ra để sáng tạo vị trà và đa dạng thêm những trải nghiệm của thực khách được thưởng thức trà ngon. Mặc dù vậy, có những công thức kết hợp hay thực phẩm ăn kèm lại là đại kiêng kỵ với trà, mà bất cứ thực khách nào cũng cần cảnh giác để không vô tình gánh chịu những hệ quả không mong muốn trong trải nghiệm dùng trà.
Những thực phẩm không nên kết hợp với trà
Muối: Mặc dù muối có thể có lợi hơn khi cân bằng vị đắng của trà nhưng từ quan điểm sức khỏe, chuyên gia dinh dưỡng khuyên bạn không nên cho một nhúm muối vào trà để giảm nguy cơ nạp nhiều natri quá mức 2.300 mg mỗi ngày. Do đó việc thêm muối vào trà là điều không nên làm.
Tinh dầu không tốt khi dùng pha trà: Nhiều người có sở thích thêm các loại dầu có hương vị vào trà hoặc thực phẩm. Tinh dầu được chiết xuất từ thực vật nhưng không phải tất cả chúng đều an toàn khi ăn vào. Nếu sử dụng phải chắc chắn đó là loại thực phẩm được công nhận là an toàn. Không nên lạm dụng nó vì tinh dầu có thể rất mạnh.
Chuyên gia dinh dưỡng tư vấn, mặc dù việc sử dụng chút ít các loại tinh dầu như bạc hà hoặc hoa oải hương rất thú vị nhưng không nên sử dụng chúng trong trà nóng vì tinh dầu có nồng độ cao. Ngoài ra, vì tinh dầu hòa tan trong chất béo nên tốt nhất nên trộn tinh dầu với thực phẩm hoặc đồ uống có chứa một ít chất béo, thay vì đồ uống như trà.
Chất ngọt: Ngày càng nhiều người lạm dụng đồ ngọt, nhất là giới trẻ. Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) báo cáo tại quốc gia này, trung bình đàn ông trưởng thành tiêu thụ 19 muỗng cà phê đường bổ sung mỗi ngày và phụ nữ trưởng thành là 15 muỗng cà phê.
Tiêu thụ quá nhiều đồ uống có đường có liên quan đến béo phì, tiểu đường type 2 và tăng huyết áp, do đó, việc hạn chế đường là điều hợp lý. Kể cả chất làm ngọt nhân tạo cũng gây tranh cãi, đặc biệt là khi nói đến việc giảm cân.
Những thực phẩm rất tốt để kết hợp với trà
Lá bạc hà: Bạc hà tươi đã được chứng minh là làm giảm sự khó chịu về tiêu hóa cho những người mắc hội chứng ruột kích thích. Một nghiên cứu khác đã tìm thấy tinh dầu bạc hà trong bạc hà có tác dụng làm dịu và có thể giúp giảm căng thẳng.
Lá bạc hà có tác dụng làm dịu và có thể giúp giảm căng thẳng khi kết hợp với trà. Ảnh: TP |
Theo nghiên cứu, bạc hà là một loại thảo mộc tuyệt vời với rất nhiều lợi ích. Nên thêm bạc hà vào chế độ ăn uống của mình vì bạc hà giàu chất chống oxy hóa, vitamin, sắt...
Trái cây: Vị ngọt của trái cây không phải là lợi ích duy nhất khi thêm vào tách trà. Pha trà với trái cây cũng sẽ bổ sung thêm chất xơ, vitamin và chất chống oxy hóa. Tất cả các loại trái cây sẽ bổ sung thêm chất chống oxy hóa, đặc biệt là theo mùa và ở độ chín, giá trị dinh dưỡng và hương vị cao nhất. Ví dụ, thêm quả việt quất dại với trà đen, đào với trà trắng và xoài với trà xanh.
Nước ép hoặc vỏ chanh, cam, quýt: Vỏ hoặc nước ép cam, quýt, chanh không chỉ làm tăng hương vị của trà mà còn có những lợi ích sức khỏe tiềm ẩn. Thêm nước chanh vào tách trà sẽ cung cấp vitamin C, một chất chống oxy hóa mạnh mẽ có đặc tính chống viêm.
Tương tự như vậy, vỏ cam quýt sẽ cung cấp polyphenol, vitamin C và mùi thơm dễ chịu. Thậm chí còn có nghiên cứu liên kết việc ăn trái cây họ cam quýt với việc giảm nguy cơ ung thư phổi và các lợi ích về thần kinh nhờ các flavonoid từ cam quýt.
Sữa: Việc thêm sữa vào trà sẽ mang lại một số lợi ích cho sức khỏe. Theo một nghiên cứu, ngoài việc làm giảm vị đắng của trà, sữa còn có thể làm giảm tác dụng làm ố răng của trà, cung cấp canxi tốt cho xương và protein xây dựng cơ bắp.
Lưu ý là nên thêm chút sữa vào trà chứ không nên làm ngược lại để tránh bị vón cục.
Thêm gừng vào trà rất hữu ích: Trà gừng là một loại đồ uống hỗ trợ tiêu hóa được nhiều người ưa chuộng. Ngay cả khi không có túi trà gừng, việc thêm một ít bột gừng, chiết xuất hoặc gừng tươi vào bất kỳ tách trà nào cũng sẽ mang lại những lợi ích tương tự.
Trà gừng hỗ trợ tiêu hóa rất tốt và được nhiều người ưa chuộng. Ảnh: Vuatra |
Uống trà pha gừng để có khả năng giảm bớt các vấn đề về đường tiêu hóa. Gừng cũng có đặc tính chống viêm, kháng khuẩn và chống ung thư. Nếu cảm thấy buồn nôn, một tách trà gừng có thể giúp xoa dịu. Bên cạnh việc ngon miệng, việc ngâm gừng vào trà có thể hoạt động như một chất hỗ trợ tiêu hóa, giúp cải thiện tình trạng buồn nôn, đau bụng, nôn mửa hoặc say tàu xe.