Kim loại quý tiếp tục phải chịu sức ép do áp lực lãi suất tăng cao
Nhóm kim loại suy yếu, giá quặng sắt vẫn duy trì động lực tăng Áp lực nào khiến giá kim loại không ngừng suy giảm? Giá kim loại quý nối dài đà tăng, nông sản diễn biến trái chiều |
Đối với nhóm kim loại quý, bạch kim là mặt hàng tăng giá duy nhất khi tăng 0,09% lên 915,9 USD/ounce, đứt chuỗi giảm 3 phiên liên tiếp. Giá bạc giảm mạnh 1,28%, đóng cửa tại mức 22,45 USD/ounce, trong khi giá vàng nối dài đà giảm sang phiên thứ năm liên tiếp khi giảm 0,87% xuống 1.848,31 USD/ounce.
Ảnh minh họa |
Thị trường kim loại quý tiếp tục phải chịu sức ép trước xu hướng tăng của lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ và đồng USD neo ở mức cao. Đồng bạc xanh và lợi suất trái phiếu Mỹ liên tục được đẩy lên bởi lo ngại rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ giữ lãi suất cao hơn lâu hơn để kiềm chế lạm phát về mức mục tiêu 2%. Báo cáo lạm phát quan trọng được công bố vào hôm qua cho thấy lạm phát ở Mỹ đã hạ nhiệt, nhưng chưa đủ để FED có thể thay đổi lập trường chính sách tiền tệ cứng rắn.
Cụ thể, báo cáo từ Bộ Lao động Mỹ chỉ ra chỉ số giá tiêu dùng cá nhân (PCE) lõi, loại trừ biến động giá thực phẩm và năng lượng dễ biến động, tăng 3,9% trong tháng 8 (YoY), giảm tốc từ mức tăng 4,3% ghi nhận trong tháng 7. Tuy nhiên, PCE toàn phần tăng 3,5% trong tháng 8 (YoY), từ mức tăng 3,4% trong tháng 7, do giá xăng dầu tăng cao.
Tuy vậy, bạch kim vẫn nhận được lực mua áp đảo hơn do triển vọng tiêu thụ lạc quan. Theo Hội đồng Bạch kim Thế giới (WPIC), sự phát triển liên tục của ngành năng lượng tái tạo và ô tô hạng nhẹ sẽ hỗ trợ tăng trưởng bền vững nhu cầu sợi thủy tinh, dẫn đến tăng trưởng nhu cầu bạch kim trong công nghiệp.
Đối với nhóm kim loại cơ bản, giá đồng COMEX tăng phiên thứ hai liên tiếp khi tăng 0,8% lên 3,73 USD/pound. Giá quặng sắt chốt phiên tại 119,61 USD/tấn sau khi tăng 1,32%.
Cả giá đồng và giá quặng sắt đều nhận được hỗ trợ khi nhà đầu tư có kỳ vọng lạc quan hơn về kinh tế Trung Quốc, quốc gia tiêu thụ kim loại lớn nhất thế giới.
Cụ thể, theo kết quả khảo sát của hãng tin Reuters, chỉ số quản lý mua hàng (PMI) sản xuất chính thức của Trung Quốc dự kiến sẽ tăng lên 50 điểm trong tháng 9, tăng từ mức 49,7 điểm trong tháng 8. Trong khi đó, ngân hàng Goldman Sachs dự báo PMI sản xuất của Trung Quốc sẽ đạt 50,2 điểm trong tháng 9.
Ngoài ra, kết quả phân tích dữ liệu vệ tinh của công ty SpaceKnow cũng chỉ ra nền kinh tế Trung Quốc có dấu hiệu phục hồi mạnh mẽ hơn trong tháng 9 và niềm tin người tiêu dùng đã được cải thiện. Chỉ riêng hoạt động sản xuất, chỉ số đơn đặt hàng sản xuất dự kiến sẽ tăng lên 51 điểm trong tháng 9, cao hơn 3 điểm cơ bản so với tháng 8.
Bên cạnh đó, đối với quặng sắt, lực mua mặt hàng này được đẩy mạnh trong bối cảnh tồn kho tại Trung Quốc ở mức yếu. Dữ liệu từ công ty tư vấn SteelHome cho thấy tồn kho tại các cảng của Trung Quốc đã giảm xuống 110,65 triệu tấn trong tuần tính đến ngày 22/9, mức thấp nhất kể từ tháng 7/2020.