Nhiều doanh nghiệp tăng tốc xuất khẩu ngay ngày đầu năm
Nông sản Việt “tăng tốc” xuất khẩu sang thị trường Mỹ Để nông sản Việt Nam tăng tốc xuất khẩu vào Bắc Âu |
Xuất khẩu nông sản lạc quan về giá
Theo ông Phạm Thái Bình - Tổng giám đốc Công ty Cổ phần nông nghiệp công nghệ cao Trung An (Cần Thơ), hiện doanh nghiệp đã trong tình trạng kín đơn hàng xuất khẩu từ cuối năm 2022 kéo dài đến giữa tháng 4/2023. Lịch khai trương chính thức của công ty hằng năm luôn là mùng 6 Tết, tuy nhiên năm nay từ mùng 4 đã mở cửa hoạt động trở lại nhằm kịp tiến độ giao hàng cho đối tác.
Theo đó, Trung An tăng tốc xuất khẩu để hàng giao cho các đối tác từ Malaysia, Singapore, Hàn Quốc, Úc, khu vực Trung Đông và đặc biệt là EU với tổng sản lượng trên 30.000 tấn. Tính trung bình một ngày công ty phải đảm bảo đơn hàng 15 container gạo các loại với giá thấp nhất đạt mức 468 USD/tấn, trung bình là 505 USD/tấn, còn gạo thơm cao cấp đến 917 USD/tấn. Đây là mức giá đảm bảo cho người nông dân và doanh nghiệp có lãi.
Nhiều doanh nghiệp đã xuất khẩu sầu riêng sang thị trường Trung Quốc bằng đường chính ngạch |
Cũng từ cuối năm 2022 xuất khẩu gạo của Việt Nam đã gặp nhiều thuận lợi về giá cả và thị trường. Cụ thể, giá gạo xuất khẩu loại 5% tấm luôn duy trì mức cao nhất thế giới, nhiều thời điểm vượt Thái Lan. Bước sang năm 2023, nông sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam vẫn tiếp tục đà tăng trưởng sản lượng xuất khẩu và được giá. Cũng ngay sau kỳ nghỉ tết, giá gạo xuất khẩu tăng khoảng 10 USD/tấn, cụ thể gạo 5% tấm đang ở mức khoảng 470 USD/tấn, so với mức 458 - 460 USD/tấn trước đó. Nhờ thế, thị trường lúa gạo nội địa và xuất khẩu sôi động trở lại và tăng tốc nhanh ngay sau kỳ nghỉ Tết.
Trong khi đó, chuyến hàng đầu tiên ngay sau kỳ nghỉ Tết của Lộc Trời là qua EU và Trung Quốc với sản lượng 5.000 tấn trong kế hoạch xuất khẩu nửa triệu tấn gạo vào hai thị trường này trong năm 2023 của công ty. "Để đáp ứng nhu cầu xuất khẩu, Lộc Trời đã hợp tác với chính quyền địa phương, các hợp tác xã và bà con nông dân xây dựng các vùng trồng theo chất lượng của từng thị trường. Từng bước hoàn thiện mô hình canh tác cánh đồng lớn, cơ giới hóa đồng bộ, hướng đến bảo vệ môi trường và giảm giá thành sản xuất để sản phẩm ngày càng cạnh tranh hơn" - ông Nguyễn Duy Thuận, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Lộc Trời cho hay.
Không chỉ lúa gạo, năm 2023 được dự báo cũng là năm thuận lợi với mặt hàng rau quả đặc biệt là trái cây xuất khẩu mạnh vào các thị trường lớn. Ông Nguyễn Đình Tùng - Tổng giám đốc Công ty Vina T&T cho hay, khách hàng của công ty không nghỉ Tết nên công ty chỉ nghỉ mùng 1. Và từ 28 tháng Chạp, đơn vị đã chuẩn bị hàng để xuất khẩu. "Từ đầu năm 2023 đến nay công ty thực hiện các đơn hàng xuất khẩu sầu riêng vào Trung Quốc; bưởi vào Mỹ, Singapore, New Zealand, Úc; nhãn vào Nhật Bản… Đây đều là những mặt hàng chiến lược mới, xuất khẩu rất tốt trong năm 2023. Nếu duy trì được tốc độ như hiện nay thì xuất khẩu của ngành rau quả sẽ tăng trưởng đến 30%"- ông Tùng chia sẻ.
Doanh nghiệp xuất khẩu đặt nhiều kỳ vọng
Năm 2023 được dự báo sẽ đầy thách thức nhưng một số lĩnh vực ngành nghề lại có khởi đầu lạc quan, khí thế nhất là các doanh nghiệp xuất khẩu nông lâm thủy sản. Việc thị trường Trung Quốc nới lỏng các quy định phòng chống dịch Covid-19 cũng mở ra nhiều cơ hội cho rất nhiều doanh nghiệp xuất khẩu tăng tốc ngay trong đầu năm 2023 này.
Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, nhiều nhóm ngành xuất khẩu được hưởng lợi khi Trung Quốc dần nới lỏng các biện pháp phòng dịch trong nước và dự kiến các hoạt động kinh tế sẽ thực sự sôi động từ quý II/2023. Đứng đầu là các doanh nghiệp ngành hàng không, xuất khẩu nông thủy sản, xi măng, cao su, thép, gạo... Do đó, các doanh nghiệp đang theo rất sát thông tin mở cửa thị trường của Trung Quốc để có các chiến lược tăng tốc xuất khẩu hàng hóa vào thị trường này.
Đơn cử, thủy sản được xem là ngành có lợi lớn khi Trung Quốc mở cửa thị trường. Nhận định này được đưa ra từ thực tế việc xuất khẩu sang Trung Quốc vẫn tăng trưởng trong suốt 2 năm chịu tác động vì dịch bệnh và chính sách thắt chặt kiểm dịch. Chính vì vậy, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) đánh giá nhu cầu tiêu thụ của Trung Quốc sẽ tiếp tục tăng khi việc đi lại tại nước này cũng được nới lỏng. "Kim ngạch xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc đạt hơn 1,6 tỷ USD năm 2022 và sẽ còn tăng cao hơn trong năm 2023" - ông Trương Đình Hòe - Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam đánh giá.
Không chỉ là thị trường tiêu thụ lớn nhất, Trung Quốc cũng là mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng của thế giới. Vì vậy, thông tin mở cửa thị trường còn được kỳ vọng sẽ giúp giải quyết các nút thắt về giá cung ứng nguyên vật liệu trong chuỗi sản xuất, nhất là linh kiện, máy móc thiết bị và dệt may, da giày, công nghiệp phụ trợ...
Ngoài ra, với việc thực thi lộ trình cắt giảm thuế quan theo các Hiệp định thương mại tự do (FTA) và việc đẩy mạnh chương trình phục hồi, phát triển kinh tế xã hội sẽ là động lực thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu. Thu hút đầu tư trong nước và nước ngoài tích cực cũng sẽ là động lực tạo thêm năng lực sản xuất mới cho xuất khẩu trong năm 2023.