Nghị định mới về kinh doanh xăng dầu: Đáp ứng kịp thời yêu cầu từ thực tiễn
“Hiến kế” hoàn thiện Nghị định 95 và 83 về kinh doanh xăng dầu Kỳ lạ đề xuất doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu được quyền nghỉ bán… nếu lỗ |
Tuy nội dung chỉ tập trung sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định số 95 và Nghị định số 83 về kinh doanh xăng dầu song Nghị định số 80 (có hiệu lực ngay từ ngày ban hành 17/11/2023) đã mang dáng dấp của một nghị định mới về hoạt động này.
Với vị trí, vai trò là nguồn nguyên liệu đầu vào chiến lược của nền kinh tế cũng như đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của nhân dân, Nghị định số 80 với các nội dung được sửa đổi bổ sung tập trung vào các mục tiêu: Giải quyết kịp thời những tồn tại, bất cập hiện nay của cơ chế quản lý kinh doanh xăng dầu; đáp ứng nhu cầu tiêu thụ xăng dầu trong nước; góp phần bảo đảm an ninh năng lượng; góp phần kiểm soát chỉ số giá tiêu dùng; hài hòa lợi ích giữa doanh nghiệp sử dụng xăng dầu làm đầu vào cho hoạt động sản xuất kinh doanh, người tiêu dùng và doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu.
Nghị định 80 giải quyết kịp thời những tồn tại, bất cập hiện nay của cơ chế quản lý kinh doanh xăng dầu, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng. Ảnh minh họa |
Những nội dung của Nghị định 80 được cập nhật đã bổ sung thêm nhiều tiêu chí nhằm tăng cường hiệu lực quản lý thị trường xăng dầu trong bối cảnh thực tiễn rất phức tạp của thị trường xăng dầu thế giới thời gian qua. Đồng thời nội dung Nghị định 80 đã bổ sung nhiều nội dung quan trọng, phản ánh tâm tư nguyện vọng và nhiều kiến nghị của các thương nhân kinh doanh xăng dầu, tạo điều kiện cho các thương nhân kinh doanh đúng pháp luật.
Có thể nhận thấy điều đó qua một số quy định mới quan trọng của Nghị định số 80 như điều chỉnh thời gian rà soát, công bố chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về cảng Việt Nam, chi phí đưa xăng dầu từ các nhà máy lọc dầu trong nước về cảng, premium để tính giá xăng dầu từ nguồn sản xuất trong nước từ 6 tháng xuống 3 tháng; rút ngắn thời gian điều hành giá xăng dầu từ 10 ngày xuống 7 ngày, thời gian điều hành giá xăng dầu được thực hiện vào ngày thứ Năm hàng tuần; cho phép đại lý kinh doanh xăng dầu được lấy xăng dầu từ tối đa 3 nguồn; bỏ loại hình Tổng đại lý bán lẻ xăng dầu nhằm giảm bớt khâu trung gian trong hệ thống phân phối xăng dầu.
Hiện nay, giá xăng dầu đang được điều hành theo hướng Nhà nước quy định công thức giá cơ sở đầy đủ. Giá cơ sở này sẽ làm căn cứ để cơ quan nhà nước điều hành giá bán lẻ xăng dầu trong nước. Việc quy định mức giá cơ sở theo một công thức cố định với các chi phí được tính dựa trên mức chi phí bình quân do các doanh nghiệp báo cáo theo hướng dẫn của Bộ Tài chính sẽ không bao giờ phản ánh đúng mức chi phí của từng doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu.
Thời gian qua, thị trường xăng dầu có nhiều biến động, một trong những nguyên nhân là do các chi phí kinh doanh xăng dầu chưa được tính đúng, tính đủ trong cơ cấu giá cơ sở xăng dầu do Nhà nước điều hành dẫn đến doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu bị thua lỗ, không có động lực duy trì hoạt động kinh doanh.
Để khắc phục tình trạng trên, Nghị định 80 đã sửa đổi, bổ sung quy định về công thức giá cơ sở mặt hàng xăng dầu.
Đồng thời để tăng cường kỷ luật thị trường, rút kinh nghiệm từ thực tiễn hoạt động của thị trường với mặt hàng kinh doanh có điều kiện như xăng dầu, Nghị định số 80 quy định rõ về các trường hợp thu hồi Giấy phép kinh doanh xăng dầu của thương nhân nhằm đảm bảo tuân thủ quy định của pháp luật, tránh việc làm đứt gẫy đột ngột nguồn cung xăng dầu.
Nghị định 80 cũng đã được xây dựng theo hướng thực tiễn cao với việc đưa ra nhiều điều khoản chuyển tiếp nhằm tạo điều kiện ổn định cho việc kinh doanh sau thời điểm nghị định này có hiệu lực
Nghị định 80 được ban hành là nỗ lực không nhỏ của cơ quan quản lý nhà nước mà trực tiếp là Bộ Công Thương nhằm hướng tới mục tiêu bảo đảm an ninh năng lượng nói riêng và an ninh kinh tế, an ninh quốc gia nói chung. Cùng đó, việc quản lý và kinh doanh mặt hàng xăng dầu phù hợp với bối cảnh thực tiến có ý nghĩa hết sức quan trọng nhằm góp phần ổn định kinh tế vĩ mô trong mọi tình huống.