Kỳ lạ đề xuất doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu được quyền nghỉ bán… nếu lỗ
Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực dầu khí, kinh doanh xăng dầu và khí Kết luận của Phó Thủ tướng Lê Minh Khái về dự thảo Nghị định kinh doanh xăng dầu |
Đề xuất được doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu viện dẫn là tại Dự thảo sửa đổi dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 95/2021/NĐ-CP ngày 1/11/2021 và Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 03/9/2014 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu đang được lấy ý kiến các bộ ngành và doanh nghiệp, cơ quan soạn thảo “chưa đưa vào quy định chi phí định mức”.
Bên cạnh đó, một lý do nữa được đại diện doanh nghiệp đưa ra là các doanh nghiệp đầu mối thời gian qua thường xuyên lợi dụng các kẽ hở trong các quy định pháp luật để “chèn ép” các doanh nghiệp bán lẻ. Bởi vậy các quy định về chi phí kinh doanh định mức trong giá thành cơ sở xăng dầu cần được quy định rõ ràng, chi tiết để không còn cảnh chèn ép như đã xảy ra và các doanh nghiệp bán lẻ không còn cảnh thường xuyên phải nhận chiết khấu 0 đồng.
Có thể thấy với mặt hàng xăng dầu là mặt hàng đặc biệt, kinh doanh có điều kiện đã được quy định rất rõ và tác động không nhỏ đến đời sống kinh tế xã hội, là nguyên liệu đầu vào quan trọng của nền kinh tế. Vì vậy, không nên và không thể bắt thị trường, người tiêu dùng làm “con tin” cho câu chuyện lỗ - lãi của doanh nghiệp. Khi kinh doanh có lãi, thì lợi ích "chảy" vào túi doanh nghiệp, còn khi lỗ thì lại đưa thị trường và người tiêu dùng “chịu trận” thay.
Kinh doanh xăng dầu là loại kinh doanh có điều kiện. Ảnh minh hoạ |
Mặt khác do tính chất đặc biệt không đơn thuần là mặt hàng phục vụ cho tiêu dùng mà còn tác động trực tiếp đến an ninh năng lượng và ổn định kinh tế xã hội nên thực chất việc doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu cũng đồng nghĩa với việc cung cấp dịch vụ công. Hình như nhiều doanh nghiệp không biết do vô tình hay hữu ý “quên” mất yếu tố này khi thực hiện quan điểm hài hoà lợi ích doanh nghiệp, Nhà nước và người tiêu dùng. Nói ngắn gọn thì doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu có sứ mạng cao hơn việc kinh doanh, bán lẻ cao hơn các mặt hàng khác.
Đáng chú ý là các điều kiện để tham gia việc kinh doanh xăng dầu cũng như gia nhập thị trường này đã được quy định rõ ràng thế nên viện lý do “lỗ” để tự cho mình quyền đóng cửa là điều khó có thể chấp nhận. Điều này còn có thể coi như hành vi lạm dụng quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp. Không những vậy, doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu khi không có lãi mà vẫn còn xăng dầu dự trữ chỉ chờ giá tăng còn có thể xem như đồng nghĩa với hành vi đầu cơ trục lợi.
Tại Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung các Nghị định 84 và 95, sau khi tiếp thu ý kiến , cơ quan soạn thảo đã đưa ra đề xuất doanh nghiệp chỉ được ký hợp đồng làm đại lý bán lẻ cho tối đa 3 thương nhân phân phối hoặc đầu mối kinh doanh. Bộ Công Thương- cơ quan soạn thảo Nghị định mới lý giải lựa chọn phương án này thay vì bảo lưu 1 đầu mối là nhằm đa dạng nguồn cung cấp xăng dầu cho đại lý, tăng vị thế cho đại lý trong quá trình đàm phán mua hàng. Đại lý bán lẻ phải nằm trong hệ thống phân phối của thương nhân phân phối hoặc đầu mối và chịu sự kiểm soát của thương nhân đó.
Ở lần sửa đổi này, dự thảo Nghị định không quy định chiết khấu vì theo quan điểm của cơ quan soạn thảo, chi phí này đã được tính trong chi phí kinh doanh định mức. Mặt khác, chiết khấu do các doanh nghiệp tự thỏa thuận. Đây cũng là yếu tố cạnh tranh quan trọng giữa các thương nhân để mở rộng thị phần.
Liên quan đến kiến nghị doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu được quyền nghỉ nếu lỗ, có thể thấy việc quy định cụ thể đến độ chi tiết tại dự thảo Nghị định sửa đổi các Nghị định 84 và 95 theo đó bán 1 lít xăng được lãi bao nhiêu tiền là điều phi thực tế, phi kinh tế thị trường cũng như có thể làm rối loạn hệ thống bán lẻ xăng dầu trên cả nước.
Bởi như một chuyên gia nhận định, nếu thế thì cả nước chắc hẳn sẽ có việc người người và doanh nghiệp đổ xô sang kinh doanh xăng dầu, bán lẻ xăng dầu và thị trường xăng dầu sẽ chứng kiến những cảnh tượng hỗn loạn chưa từng có.
Chia sẻ về vấn đề này nhiều chuyên gia cho rằng, giải pháp tốt nhất mà cũng thực tế nhất là khi đàm phán hợp đồng mua bán giữa doanh nghiệp bán lẻ với doanh nghiệp phân phối và doanh nghiệp đầu mối cần rõ ràng. Dần dần hướng tới việc phải thực hiện việc “mua đứt bán đoạn”, đặc biệt là đối với những doanh nghiệp bán lẻ chưa phải là "chân rết" của một doanh nghiệp đầu mối nào. Mà nội dung này đã được quy định rất rõ trong Nghị định 95.
Điều này là đặc biệt vì việc ổn định hệ thống bán lẻ cùng với nỗ lực bảo đảm nguồn cung của Bộ Công Thương và các cơ quan hữu quan khác là phải là mục tiêu quan trọng hàng đầu.
Trở lại đề xuất của doanh nghiệp, có thể thấy trong trường hợp nếu bị thua lỗ mà muốn đóng cửa để chờ giá lên thì cần có sự cho phép của cơ quan quản lý có thẩm quyền, không thể tuỳ tiện hoặc thậm chí tự ý dành cho mình quyền “đóng cửa” vì đây là mặt hàng kinh doanh có điều kiện ở tất cả các khâu thành lập, hoạt động, ngừng kinh doanh hoặc đóng cửa. Bởi nếu doanh nghiệp nào cũng tự cho mình quyền tự đóng cửa như thế thì hiển nhiên là sẽ tạo hiệu ứng domino không còn là xáo trộn nữa mà còn đe doạ đến cả sự ổn định của thị trường xăng dầu cả nước. Đó hẳn là điều không một ai mong muốn và một cách thẳng thắn, không được phép để xảy ra.