“Hiến kế” hoàn thiện Nghị định 95 và 83 về kinh doanh xăng dầu
Thêm giải pháp chống gian lận trong kinh doanh xăng dầu Quyết liệt xử lý nghiêm vi phạm trong kinh doanh xăng dầu Quản lý thị trường Vĩnh Long phạt 30 triệu đồng 2 doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu |
Sáng 14/2, tại Hà Nội, Bộ Công Thương và Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã tổ chức Hội thảo Góp ý Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 95/2021/NĐ-CP và Nghị định 83/2014/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu.
Soạn thảo Nghị định trên tinh thần “lắng nghe, cầu thị”
Hiện tại, Bộ Công Thương đang chủ trì soạn thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 95 và Nghị định số 83 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu. Dự thảo sửa đổi, bổ sung quy định về: Công thức giá, phương thức điều hành giá xăng dầu, thời gian điều hành, công bố giá, mức chiết khấu tối thiểu trong kinh doanh xăng dầu, quyền và nghĩa vụ của thương nhân kinh doanh xăng dầu…
Hội thảo thu hút sự tham gia của rất nhiều doanh nghiệp đến từ 50 tỉnh, thành phố trên cả nước |
Phát biểu tại Hội thảo, ông Trần Duy Đông – Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước – Bộ Công Thương khẳng định, hội thảo được tổ chức nhằm lắng nghe ý kiến của các chuyên gia, doanh nghiệp để sửa đổi Nghị định kinh doanh xăng dầu sao cho phù hợp nhất với bối cảnh thế giới, bối cảnh kinh tế xã hội trong nước, sát với các biến động thị trường và đảm bảo mục tiêu quản lý nhà nước nhưng phải làm sao tạo động lực và điều kiện cho doanh nghiệp phát triển, hài hòa lợi ích doanh nghiệp, người dân.
Xăng dầu là mặt hàng rất quan trọng, nhạy cảm, ảnh hưởng đến quốc kế dân sinh, là đầu vào quan trọng của nền kinh tế, đầu vào cho mục tiêu kiểm soát CPI. Đây cũng là lý do mặt hàng xăng dầu luôn nhận được quan tâm của cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp, người dân.
Theo đó, ông Trần Duy Đông khẳng định: Tất cả những vấn đề đưa ra đều đang trong quá trình soạn thảo Nghị định, trao đổi ý kiến để làm sao đưa ra hướng xử lý phù hợp nhất trong bối cảnh hiện nay. Mỗi 1 phương án lựa chọn đều có ưu và nhược điểm, nhưng khi lựa chọn thì phải chấp nhận. Việc làm chính sách thì phải hướng đến lâu dài và tôn trọng quy định khách quan, không chạy theo những vấn đề cục bộ, mang tính hiện tượng.
“Quan điểm của Bộ Công Thương và ban soạn thảo là thực sự lắng nghe, thực sự cầu thị để làm sao có thị trường xăng dầu đảm bảo mục tiêu kiểm soát CPI, đảm bảo cuộc sống người dân và hoạt động của doanh nghiệp” – ông Trần Duy Đông thông tin.
Ông Trần Duy Đông – Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước – Bộ Công Thương phát biểu tại hội thảo |
Ông Đậu Anh Tuấn - Phó Tổng Thư ký, Trưởng Ban Pháp chế - VCCI nhận định: Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 95 và 83 của Bộ Công Thương lần này là rất rõ ràng, rất thẳng thắn và không ngại va chạm. Đây là tín hiệu thúc đẩy đối thoại.
Đại diện VCCI cho rằng, Nghị định kinh doanh xăng dầu sẽ tác động lớn đến doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, tác động gián tiếp đến doanh nghiệp đang sử dụng nguồn cung xăng dầu và ảnh hưởng đến đời sống người dân. Do đó, VCCI đã hợp tác với Bộ Công Thương, Văn phòng Chính phủ trong góp ý xây dựng dự thảo lần này.
Về quan điểm trong việc soạn thảo Nghị định, ông Đậu Anh Tuấn cho rằng: "Cần nhất quán quan điểm về cạnh tranh bình đẳng, tự do kinh doanh và công khai minh bạch. VCCI tin rằng khi mà đáp ứng yêu cầu này thì sẽ đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp, người dân" .
Cũng theo ông Đậu Anh Tuấn, mệnh lệnh hành chính chỉ là giải pháp tình thế chứ không thể bền vững bằng mệnh lệnh thị trường. Nên ở góc độ nào đó, cần phải trao thị trường xăng dầu về cho thị trường để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp kinh doanh bền vững. Đây cũng là một yêu cầu quan trọng trong sửa đổi Nghị định 95 và 83 lần này, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp muốn bán hàng, muốn cạnh tranh, muốn đầu tư, muốn phục vụ.
Góp ý hoàn thiện Nghị định 95 và Nghị định 83
Góp ý tại hội thảo, đại diện doanh nghiệp bán lẻ, ông Hà Danh Tùng – Công ty TNHH Thương mại vận tải xăng dầu Hà Giang cho rằng: Hiện cả nước có khoảng 950 doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu, với 9.000 cửa hàng bán lẻ, chiếm 53% cửa hàng bán lẻ trên tổng số 17.000 cửa hàng trên cả nước. Chi phí tối thiểu cho cửa hàng xăng dầu mỗi tháng tầm 100 triệu đồng, vì thế nếu không có nguồn thu nào giải quyết 100 triệu đồng đó thì doanh nghiệp bán lẻ sẽ thua lỗ.
“Thời gian qua, rất nhiều doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu thua lỗ, thua lỗ này không chỉ trong 1-2 tháng mà đã kéo dài cả năm nay rồi” – ông Hà Danh Tùng khẳng định.
Về những bất cập trên thị trường xăng dầu, ông Hà Danh Tùng cho rằng, các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu hiện nay chỉ được lấy từ một nguồn phân phối. Trong khi các doanh nghiệp bán buôn lại vẫn có cửa hàng bán lẻ và cạnh tranh trực tiếp với các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu. Vì thế, doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu kiến nghị, ban soạn thảo khi xây dựng Nghị định 83 cần tạo sự bình đẳng giữa thương nhân phân phối và doanh nghiệp bán lẻ. Cùng với đó, nên tính toán chi phí kinh doanh định mức của doanh nghiệp bán lẻ hợp lý, nhằm đảm bảo hoạt động và lợi ích của doanh nghiệp bán lẻ.
Cũng trên cương vị doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu, ông Giang Chấn Tây - Giám đốc Công ty TNHH MTV Bội Ngọc, tỉnh Trà Vinh cho rằng: Thị trường xăng dầu thời gian qua đã bộc lộ nhiều bất ổn, những bất ổn này chủ yếu liên quan đến vấn đề chiết khấu.
Nên để ổn định tình hình thị trường xăng dầu hiện nay, ông Giang Chấn Tây kiến nghị, cần quy định mức chiết khấu, xem chiết khấu như một khoản phí của doanh nghiệp, thay vì doanh nghiệp nộp cho nhà nước thì đảm bảo cho hoạt động của doanh nghiệp bán lẻ, để thị trường hoạt động ổn định trong bối cảnh biến động của thị trường xăng dầu. Theo đó, muốn thay đổi mức chiết khấu thì cần thay đổi cách tính giá, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu hoạt động ổn định.
Bên cạnh đó, theo ông Giang Chấn Tây, để hoạt động thị trường xăng dầu ổn định, thay vì chỉ để doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu nhập hàng ở một nơi như hiện nay thì hãy tạo thuận lợi để doanh nghiệp được nhập hàng từ 3 nguồn khác nhau.
Nhiều doanh nghiệp xăng dầu góp ý hoàn thiện dự thảo Nghị định |
Với cương vị thương nhân phân phối xăng dầu, ông Văn Tấn Phụng- Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Thương mại Dầu khí Đồng Nai cho rằng: Trước đây, tất cả các thương nhân phân phối được quyền mua với nhau, nhưng thời điểm hiện tại các thương nhân phân phối cũng chỉ được mua từ 3 đầu mối.
Trong khi đó, thương nhân phân phối đóng vai trò quan trọng đối với duy trì thị trường xăng dầu, đôi khi là “bà đỡ” cho doanh nghiệp bán lẻ. Từ đó, ông Văn Tấn Phụng kiến nghị, để thương nhân phân phối được mua từ nhiều đầu mối và mua của nhau. Cùng với đó, thay điều chỉnh giá xăng dầu 10 ngày mỗi lần, cần sửa lại quy định điều chỉnh giá 10 ngày một lần như trước đây, có như vậy mới đảm bảo được quy trình phân phối hàng hoá.
Cùng quan điểm trên, ông Hoàng Trung Dũng – Thương nhân phân phối xăng dầu trên địa bàn TP. HN cho rằng: Cơ bản thì Nghị định 83 và 95 là tương đối ổn định, trong đó Nghị định 83 đã có từ năm 2014. Trong giai đoạn khó khăn của Covid-19 (năm 2020-2021), hoạt động kinh doanh xăng dầu vẫn diễn ra ổn định, mức chiết khấu đều và nguồn hàng không thiếu. Nên ở mức độ nào đó, Nghị định 83 vẫn hoạt động tốt, động lực cơ bản là chiết khấu vẫn duy trì cho doanh nghiệp hoạt động.
Nhưng từ khi Nghị định 95 có hiệu lực, giá xăng dầu điều chỉnh từ 15 ngày xuống còn 10 ngày, cùng với giá xăng dầu thế giới có sự “nhảy múa” thời gian gần đây, nhất là từ năm 2022 dẫn đến thị trường xăng dầu có nhiều biến động. Tuy nhiên, sự biến động của thị trường xăng dầu thế giới diễn ra theo chu kỳ 10 năm một lần, nên khi xung đột Nga – Ukraine kết thúc, thị trường sẽ ổn định trở lại.
Về góp ý cho dự thảo Nghị định 83 và 95, ông Hoàng Trung Dũng cho rằng, việc sửa điều chỉnh giá xăng dầu từ 15 ngày lên 10 ngày, ngày lễ hay thứ 7, chủ nhật lại lùi lại đã gây ra những bất cập. Vì thế, kiến nghị nên để 15 ngày điều chỉnh một lần, trong trường hợp đặt biệt thì đề nghị Thủ tướng điều chỉnh.
Kiến nghị thứ 2 ông Hoàng Trung Dũng đưa ra với cơ quan soạn thảo nào, nên mở rộng nguồn nhập hàng tối thiểu cho doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu từ 3 nơi thay vì một nơi, nhằm tạo nên sự cạnh tranh về giá. Vì nếu thương nhân bán lẻ chỉ lấy hàng từ một đầu mối, mà đầu mối đó chẳng may bị đứt gãy nguồn cung thì sẽ ảnh hưởng đến thị trường xăng dầu, nên nếu linh hoạt mở rộng địa bàn nhập hàng cho đại lý bán lẻ thì thị trường sẽ thông và hoạt động của thị trường xăng dầu sẽ có sự bình ổn.
Có quan điểm khác, ông Bùi Ngọc Bảo – Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam cho rằng, muốn sửa đổi nghị định thì phải đánh giá được những tồn tại của những nghị định trước đó. Đồng thời nêu ý kiến, Hiệp hội đã có ý kiến lên ban soạn thảo. Trong đó Hiệp hội cho rằng ít nhất phải sửa đổi 10 điều khoản tại Nghị định 95.
Với ý kiến của các doanh nghiệp bán lẻ cho rằng phải có chiết khấu, ông Bùi Ngọc Bảo nói rằng: "Một số doanh nghiệp bán lẻ yêu cầu khi sửa đổi nghị định thì phải có chiết khấu. Nhưng cái này có phải là nhà nước cho đâu mà yêu cầu Nhà nước phải quy định vào Nghị định? Cái này là lấy từ túi doanh nghiệp khác".
Hệ thống bán lẻ tổng nhu cầu 22 triệu lít xăng dầu, trong đó qua hệ thống bán lẻ khoảng 70%. Đây chính là cứ điểm quan trọng nhất trong sản xuất kinh doanh. Việc không đủ chi phí để trả chiết khấu là cực chẳng đã, vì họ không có gì để chi cả.
"Bộ Công Thương, Bộ Tài chính năm 2022 đều thực hiện rất tốt chức năng của mình theo quy định của Nghị định. Như vậy tồn tại là nằm ở Nghị định chứ không phải vấn đề của hai bộ" - ông Bảo nhấn mạnh
Do đó, ông Bảo cho rằng, hiện nay doanh nghiệp phải đảm bảo dự trữ lưu thông trong 20 ngày. Do đó, để đủ chi phí cho doanh nghiệp, không quan trọng việc điều hành giá xăng dầu trong 5 hay 7 ngày mà là giá xăng dầu phải tính trên cơ sở bình quân 20 ngày tồn kho của doanh nghiệp, theo đúng quy định lưu thông bắt buộc. Còn nếu không tính đủ trong 20 ngày, họ lỗ thì sẽ không còn tiền trả chiết khấu cho doanh nghiệp bán lẻ.
Với vấn đề chi phí, ông Bảo cho rằng nên để doanh nghiệp tự cộng và công khai chi phí. Nhà nước nên quản lý các yếu tố như phụ phí, premium... Hiện nay Bộ Tài chính đang sử dụng chi phí doanh nghiệp báo cáo lên nhưng lại lấy bình quân thì không đúng. Cho nên nên để doanh nghiệp tự tính toán để đảm bảo đủ chi phí và chiết khấu.