Ngành kinh doanh xổ số đang làm ăn ra sao?
Doanh nghiệp xơ sợi, dệt may, da giày kỳ vọng một viễn cảnh tốt hơn Trúng xổ số phải đóng những loại thuế nào? Trúng số hơn 34 tỷ đồng, vì sao không nhận tiền qua chuyển khoản? |
Trong khuôn khổ phiên họp thứ 31 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, hôm nay 18/3, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc sẽ trả lời chất vấn về nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực tài chính.
Doanh thu kinh doanh xổ số tăng mạnh trong năm 2023 trong đó có đóng góp loại hình xổ số điện toán Vietlott. Ảnh minh họa |
Trong báo cáo gửi các đại biểu Quốc hội chuẩn bị cho phiên chất vấn trước đó, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã có thông tin cụ thể về hoạt động kinh doanh xổ số. Theo báo cáo, kinh doanh xổ số là ngành nghề kinh doanh có điều kiện, chỉ có doanh nghiệp nhà nước được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xổ số mới được phép tổ chức hoạt động kinh doanh xổ số.
Hiện nay, cả nước có 64 doanh nghiệp nhà nước đang kinh doanh xổ số, bao gồm 63 công ty xổ số kiến thiết tại 63 tỉnh, thành phố và Công ty TNHH MTV Xổ số điện toán Việt Nam (Vietlott).
Báo cáo kết quả hoạt động kinh cho thấy, năm 2023, doanh thu hoạt động kinh doanh xổ số đạt 153.037 tỷ đồng, tăng 11% so với năm 2022. Trong đó, khoảng 50% doanh thu dùng để trả thưởng, nộp ngân sách 45.016 tỷ đồng, tăng 10,3% so với năm 2022.
Toàn bộ nguồn thu từ xổ số được nộp vào ngân sách địa phương và ưu tiên đầu tư cho lĩnh vực giáo dục đào tạo, dạy nghề và y tế. Phần còn lại ưu tiên chi thực hiện các công trình, dự án đầu tư chống thiên tai, chống biến đổi khí hậu, nông thôn mới và các nhiệm vụ đầu tư quan trọng khác thuộc đối tượng đầu tư ngân sách địa phương.
Theo đánh giá, đây là nguồn thu quan trọng của địa phương, đặc biệt là các tỉnh miền Nam để thực hiện các mục tiêu đầu tư phát triển của tỉnh. Bên cạnh đó, hoạt động kinh doanh xổ số cũng tạo công ăn việc làm cho hệ thống đại lý và người bán vé số.
Đáng chú ý, mặc dù thị trường xổ số tăng trưởng ổn định, đáp ứng nhu cầu giải trí của người dân, góp phần tăng thu ngân sách và tạo công ăn việc làm tại địa phương, tuy nhiên, vẫn còn có những tồn tại, hạn chế.
Cụ thể, sản phẩm xổ số thủ công vẫn chiếm tỷ trọng lớn và phát triển không đồng đều giữa các khu vực. Ngoài ra, gần đây có tình trạng một số tổ chức, cá nhân lợi dụng pháp luật dân sự để kinh doanh, phân phối vé xổ số qua ứng dụng điện tử, internet, các trung gian thanh toán... một số đại lý xổ số ép không cho người bán vé dạo trả lại vé ế. Những tồn tại hạn chế này chủ yếu do thị hiếu của người tiêu dùng, tập quán vùng miền và xổ số điện toán mới đưa vào hoạt động được 7 năm nên thị phần còn nhỏ.
Để khắc phục những hạn chế trên, tháng 1 vừa qua, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ dự thảo Nghị định thay thế 2 Nghị định số 30 và số 78 về kinh doanh xổ số. Nội dung hướng đến là hiện đại hóa hoạt động xổ số, tăng cường công khai minh bạch trong kinh doanh xổ số. Đồng thời, Bộ Tài chính sẽ xử lý nghiêm các trường hợp lợi dụng để thực hiện kinh doanh, phân phối vé xổ số trái quy định pháp luật, nhằm bảo vệ quyền lợi của người chơi.
“Bộ Tài chính sẽ tiếp tục theo dõi, quản lý chặt chẽ hoạt động kinh doanh xổ số trên phạm vi cả nước để đảm bảo thị trường phát triển theo hướng hiện đại, công khai, minh bạch”, báo cáo của Bộ Tài chính nhấn mạnh.