Ngân hàng sẵn sàng giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn
Ngân hàng đồng loạt giảm lãi suất, doanh nghiệp nói gì? Tài sản thanh lý từ các ngân hàng có phải là “món hời”? Ngân hàng nào đang giữ lãi suất huy động tiền gửi cao nhất? |
Định hướng giảm dần vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn
Theo quy định của Thông tư 08/2020/TT-NHNN của Ngân hàng nhà nước, từ 1/10, các ngân hàng phải tuân thủ tỷ lệ tối đa của nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung hạn và dài hạn là 30% thay vì 34% như hiện nay.
Trước đó, tỷ lệ này đã giảm từ mức 37% xuống còn 34% từ ngày 1/10/2022. Việc hạ tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn sẽ có một số ảnh hưởng nhất định tới các ngân hàng.
Số liệu mới nhất được Ngân hàng nhà nước công bố cho thấy, tính đến tháng 7/2023, hầu hết các ngân hàng đều đáp ứng tỷ lệ tối đa nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung dài hạn là 34% (áp dụng từ 1/10/2022 đến ngày 30/9/2023).
Theo đó, tỷ lệ này ở mức 24,97% với nhóm các ngân hàng thương mại có vốn nhà nước, 33,66% ở các ngân hàng thương mại cổ phần. Xét chung toàn hệ thống, tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn là 26,14%.
Hình minh họa |
Theo Ngân hàng nhà nước, hệ thống ngân hàng chủ yếu huy động vốn ngắn hạn (khoảng 88% tiền gửi là kỳ hạn 12 tháng trở xuống) nhưng vẫn phải đáp ứng các nhu cầu cho vay trung dài hạn (trên 52% dư nợ tín dụng VND của hệ thống là trung dài hạn). Tỷ lệ tín dụng/GDP của Việt Nam có xu hướng tăng nhanh, đặc biệt từ năm 2020, tuy có dấu hiệu tăng chậm lại trong năm 2022 nhưng vẫn trong xu hướng tăng, tiềm ẩn rủi ro đối với hệ thống các tổ chức tín dụng.
Thực tế, dù lãi suất tiết kiệm kỳ hạn ngắn thấp hơn lãi suất tiết kiệm kỳ hạn dài, người dân vẫn ưu tiên lựa chọn gửi tiết kiệm kỳ hạn ngắn do người dân lo ngại biến động của lãi suất, tỷ giá trong dài hạn. Do đó, hầu hết nguồn vốn trung và dài hạn của ngân hàng đều không đủ để đáp ứng nhu cầu cho vay trung và dài hạn, các ngân hàng phải sử dụng đến nguồn vốn ngắn hạn để cho vay kỳ hạn dài.
Số liệu của Ngân hàng nhà nước cũng cho thấy, đến ngày 29/8/2023, tín dụng nền kinh tế đạt khoảng 12,56 triệu tỷ đồng, tăng 5,33% so với cuối năm 2022 (cùng kỳ năm 2022 tăng 9,87%), huy động vốn đến 31/8 tăng 5,36%. Tốc độ tăng trưởng vốn huy động cũng không tăng hơn so với cho vay. Điều này cho thấy, tăng trưởng tín dụng chậm, đến nay thanh khoản dư thừa nhưng các ngân hàng vẫn chỉ tỏ ra cầm chừng với vốn huy động tiền gửi dân cư vì phần lớn đây là vốn ngắn hạn.
Định hướng giảm rủi ro thanh khoản qua tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn đã được đưa ra hơn 3 năm qua. Việc siết chặt các chỉ số an toàn để đảm bảo hoạt động ngân hàng bền vững vẫn là mục tiêu mà cơ quan quản lý đang hướng đến.
Ngân hàng xoay sở
Đánh giá về tác động của Thông tư 08 trong ngắn hạn và dài hạn, theo Công ty Chứng khoán KBSV: trong ngắn hạn, việc hạ tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn sẽ làm chậm quá trình giảm lãi suất cho vay các kỳ hạn dài của các ngân hàng trong bối cảnh nền kinh tế đang cần được hỗ trợ để tăng trưởng kinh tế.
Đồng thời, Thông tư mới cũng sẽ phần nào gây áp lực lên nhu cầu huy động kỳ hạn dài của các ngân hàng, làm tăng chi phí vốn (COF) của các ngân hàng, gây áp lực làm thu hẹp biên lãi ròng (NIM).
Dù vậy, trong dài hạn, với chủ trương lành mạnh hóa hoạt động tín dụng và bảo đảm thanh khoản cho hệ thống ngân hàng, việc áp dụng quy định mới được kỳ vọng sẽ giúp các ngân hàng kiểm soát tốt hơn rủi ro thanh khoản. Đồng thời ổn định hoạt động trước những thay đổi trong và ngoài nước, đồng thời thúc đẩy phát triển nền kinh tế bền vững.
Hiện nay, các ngân hàng cho vay vào tín dụng bất động sản chủ yếu là vốn trung, dài hạn, trong khi nguồn vốn huy động chủ yếu ngắn hạn. Vì thế, PGS. TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng, phải giảm dần gánh nặng của ngân hàng thương mại về vốn trung dài hạn, đẩy qua trực tiếp mà trong đó thị trường trái phiếu là một kênh quan trọng.
Các chuyên gia cũng nhìn nhận, Thông tư 08 sắp sửa thi hành là một phần động lực cho các ngân hàng mua lại trái phiếu trước hạn và tập trung phát hành kì hạn dài trong thời gian tới, bên cạnh động lực đến từ mặt bằng lãi suất đã giảm tương đối so với thời điểm trước.
Không ít ngân hàng như Techcombank, OCB, MSB, TPBank, ABBank, HDBank… cũng đẩy mạnh phát hành và mua lại trái phiếu trong thời gian qua.
Bên cạnh đó, hầu hết các ngân hàng đều có kế hoạch tăng vốn trong năm nay nhằm tăng nguồn vốn trung và dài hạn, giảm thiểu áp lực trong việc giảm dần tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn trong tương lai.
Tổng giám đốc một ngân hàng cổ phần cho biết, đã nghiên cứu và chuẩn bị rất kỹ vấn đề này, đặc biệt là cấu trúc các kỳ hạn huy động ngân hàng đang đi theo những tiêu chuẩn quốc tế về quản trị rủi ro ngân hàng, quy định về tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn. Do đó, ngân hàng sẽ điều chỉnh lại các kỳ hạn huy động trung – dài hạn trên các nền tảng số sao cho cấu trúc huy động vốn phù hợp với quy định hiện hành của Ngân hàng nhà nước.