Ngân hàng đồng loạt giảm lãi suất, doanh nghiệp nói gì?
Ngân hàng thương mại rục rịch giảm lãi suất huy động Ngân hàng tìm cách đẩy vốn ra nền kinh tế Hàng loạt ngân hàng giảm lãi suất tiết kiệm |
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước về việc giảm lãi suất cho vay, nhiều ngân hàng đã triển khai các chương trình giảm lãi suất trực tiếp cho khách hàng hiện hữu và các khoản cho vay mới thông qua nhiều gói tín dụng ưu đãi. Điều này được cho sẽ mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp và nền kinh tế.
Ông Đỗ Văn Bằng – Giám đốc Công ty TNHH Minh Thành Phát – cho biết khi ngân hàng giảm lãi suất, doanh nghiệp sẽ có cơ hội huy động nguồn vốn với lãi suất thấp hơn, giúp giảm áp lực trong hoạt động sản xuất kinh doanh.
“Lãi suất thấp giúp doanh nghiệp có khả năng vay vốn với số tiền lớn hơn, do áp lực trả lãi thấp hơn. Từ đó giúp giảm áp lực tài chính đối với các dự án đầu tư, mở rộng kinh doanh, nâng cấp cơ sở hạ tầng và mua sắm thiết bị mới”, ông Bằng nói.
Nhiều ngân hàng đã triển khai các chương trình giảm lãi suất trực tiếp cho khách hàng hiện hữu và các khoản cho vay mới. Ảnh minh hoạ |
Giám đốc Công ty TNHH Minh Thành Phát cho biết, sau dịch bệnh COVID-19 doanh nghiệp gặp nhiều thách thức, trong đó có vấn đề vốn vay. Dòng tiền là yếu tố quan trọng trong quá trình phục hồi và phát triển doanh nghiệp sau đại dịch. Nhưng việc tiếp cận nguồn vốn rất khó khăn, có thời điểm lãi suất lên đến 15%, khiến doanh nghiệp chịu nhiều áp lực.
Để vượt qua khó khăn, doanh nghiệp phải tìm kiếm các nguồn vốn khác, tái cấu trúc nợ, điều chỉnh kế hoạch kinh doanh… và xem xét các giải pháp khác để duy trì và phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Tương tự, ông Trần Văn Thường – Giám đốc Công ty Thiết bị Điện Sơn Đông – nhận định, khi ngân hàng giảm lãi suất cho vay, doanh nghiệp được hưởng một số lợi ích, trong đó quan trọng nhất là giảm chi phí vay. Lãi suất thấp giúp doanh nghiệp trả ít tiền hơn cho khoản vay của mình. Điều này có thể làm giảm đi các chi phí tài chính và tăng lợi nhuận.
“Lãi suất thấp cũng giúp giảm áp lực tài chính lên doanh nghiệp, giúp họ dễ dàng hơn trong việc đầu tư vào các dự án mở rộng, nâng cấp cơ sở hạ tầng, mua sắm thiết bị mới hoặc mở rộng quy mô kinh doanh”, ông Thường nhấn mạnh.
Theo các chuyên gia kinh tế, các quyết định nới lỏng chính sách tiền tệ và giảm lãi suất cho vay thường có mục tiêu hỗ trợ tăng cường hoạt động kinh doanh và phục hồi kinh tế sau những thách thức như dịch bệnh hay suy thoái. Với lãi suất thấp hơn, doanh nghiệp có thể tiết kiệm chi phí tài chính trong quá trình vay vốn. Điều này giúp giảm giá thành sản phẩm và tạo ra lợi thế cạnh tranh.
Bên cạnh đó, lãi suất thấp cũng giúp doanh nghiệp có khả năng tiếp cận nguồn vốn vay dễ dàng hơn, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Từ đó có nguồn tiền đầu tư vào mở rộng kinh doanh, nâng cấp cơ sở hạ tầng, và phát triển sản phẩm hoặc dịch vụ mới.
Tuy nhiên, việc giảm lãi suất cũng có thể gây ra một số tác động tiêu cực. Khi lãi suất giảm xuống thấp, ngân hàng sẽ khắt khe hơn với đối tượng vay để tránh rủi ro nợ xấu. Một số doanh nghiệp có khả năng tiếp cận nguồn vốn kém, có tài sản thế chấp không đủ hoặc không minh bạch tài chính có thể gặp khó khăn trong việc vay vốn.
Nhìn chung việc giảm lãi suất là một biện pháp có thể mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp và kinh tế, nhưng cần phải cân nhắc kỹ lưỡng và duy trì sự cân đối trong chính sách tiền tệ để tránh tạo ra những tác động tiêu cực không mong muốn.
Trước đó, nhiều ngân hàng đồng loạt giảm tiếp lãi suất tiết kiệm và lãi suất cho vay trong nửa đầu tháng 8. Cụ thể, so với giai đoạn cao điểm vào cuối năm ngoái, lãi suất tiết kiệm đã giảm tới 3-4%/năm, đặc biệt với kỳ hạn từ 6 tháng trở lên, hiện về ngang với giai đoạn nửa đầu 2022.
Lãi suất huy động giảm mạnh sau nhiều lần Ngân hàng Nhà nước hạ lãi suất điều hành cộng với bối cảnh ngân hàng đang dư dả tiền khi khó cho vay. Trong bối cảnh lãi suất đầu vào đã hạ nhiệt nhanh và mạnh, Ngân hàng Nhà nước gần đây yêu cầu các nhà băng đồng thời giảm lãi suất khoản vay cũ và mới ít nhất 1,5-2%, theo chỉ đạo của Chính phủ nhằm hỗ trợ doanh nghiệp và người dân vượt qua khó khăn.
Một số ngân hàng đã đưa ra nhiều gói ưu đãi giảm lãi suất khoản vay mới để kích cầu tín dụng. Tùy từng ngân hàng và nhóm khách hàng, lãi suất khoản vay hiện hữu giảm khoảng 1% đến 2%/năm từ đầu năm tới nay. Lãi suất khoản vay cũ cũng đã có sự điều chỉnh, tuy nhiên giảm chậm hơn so với lãi suất khoản vay mới.
Đại diện một số doanh nghiệp cho hay, việc giảm lãi suất huy động và cho vay mục đích có thể là để tạo điều kiện thuận lợi cho vay vốn và thúc đẩy sự phát triển kinh tế. Lãi suất thấp có thể khuyến khích các doanh nghiệp và cá nhân vay vốn để đầu tư vào các dự án sản xuất, mở rộng kinh doanh và tạo ra các cơ hội mới.
Tuy nhiên, việc thúc đẩy thủ tục vay vốn nhanh chóng là một yếu tố quan trọng trong việc đảm bảo tác động tích cực của việc giảm lãi suất. Nếu thủ tục vay vốn quá phức tạp, chậm chạp hoặc gặp nhiều rào cản, thì nguy cơ các doanh nghiệp không thể nhanh chóng tận dụng lợi thế của lãi suất thấp là rất cao.