Một thành phố trực thuộc TW đẩy mạnh phát triển KCN, kỳ vọng "hút" 2,5 tỷ USD FDI từ các "đại bàng"
Năm 1993, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 358/TTg thành lập Ban Quản lý Khu chế xuất Hải Phòng. Giai đoạn từ năm 1993 đến 2007, trên địa bàn thành phố mới chỉ có 3 khu công nghiệp (KCN) là Đồ Sơn - Hải Phòng (trước đây là Khu chế xuất Hải Phòng, thành lập năm 1993); Nomura - Hải Phòng (thành lập năm 1994); Đình Vũ (thành lập năm 1996), với diện tích đất tự nhiên là 849,66 ha, quỹ đất công nghiệp cho thuê là 650,8 ha.
Đến nay sau 3 thập kỷ không ngừng nỗ lực, Hải Phòng có 14 KCN được thành lập, đầu tư đồng bộ hạ tầng kỹ thuật với diện tích 6.080,21 ha, tạo ra quỹ đất sản xuất công nghiệp 4.028,46 ha và tỷ lệ lấp đầy trung bình đạt khoảng 60,5%.
Hải Phòng đang đẩy mạnh phát triển các khu công nghiệp mới để đón thêm các nhà đầu tư, doanh nghiệp nước ngoài |
Trong đó, Khu kinh tế (KKT) Đình Vũ - Cát Hải đã được đầu tư xây dựng hạ tầng hoàn chỉnh, đồng bộ, phát huy được hiệu quả và đạt kết quả cao so với mục tiêu đặt ra. Hiện tỷ lệ lấp đầy của các KCN đạt 63,8%, tính đến cuối năm 2023.
Một vị đại diện chính quyền Hải Phòng cho biết, thành phố đã chuẩn bị cho giai đoạn phát triển công nghiệp mới đến năm 2050, trong đó quy hoạch 25 KCN với tổng diện tích tối đa 15.777 ha (bao gồm 14 KCN đã được thành lập với 6.080,21 ha, chiếm 38,5% so với diện tích các KCN được quy hoạch thời gian tới); thực hiện thành lập mới KKT phía Nam Hải Phòng, dự kiến khoảng 20.000ha, tạo bàn đạp phát triển mới cho thành phố trong tương lai.
Theo số liệu mới công bố, 2 tháng đầu năm 2024, tổng thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) toàn thành phố Hải Phòng đạt 165,24 triệu USD, trong đó cấp mới 18 dự án với số vốn là 150,27 triệu USD, cấp mới trong KCN và KKT 11 dự án, đạt 149,18 triệu USD (chiếm 99,27%); cấp mới ngoài KCN, KKT 7 dự án đạt 1,09 triệu USD (chiếm 0,73%).
Năm 2024, thành phố đặt kỳ vọng thu hút từ 2 đến 2,5 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài. Để đạt được mục tiêu trên, Hải Phòng tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ mở rộng, phát triển kinh tế, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi. Đồng thời, tập trung giải phóng mặt bằng, đẩy nhanh tiến độ xây dựng cơ sở hạ tầng hiện đại tại các KCN tạo lợi thế để tăng tốc thu hút vốn đầu tư.
Nhiều năm qua, với phương châm “Hải Phòng luôn đồng hành và hỗ trợ hiệu quả cho các nhà đầu tư” bằng các chỉ đạo cụ thể, quyết liệt, Hải Phòng đã trở thành địa phương dẫn đầu cả nước về thu hút vốn FDI vào lĩnh vực sản xuất công nghiệp. FDI chuyển từ chiều rộng sang chiều sâu, với nhiều dự án quy mô lớn, công nghệ cao, nằm trong chuỗi sản phẩm toàn cầu của các tập đoàn kinh tế lớn, các công ty đa quốc gia trên thế giới.
Giá trị sản xuất công nghiệp trong KCN, KKT năm 2022 của Hải Phòng đạt 683.715 tỷ đồng, chiếm 82% tỷ trọng sản xuất công nghiệp toàn thành phố. Giá trị xuất khẩu đạt 2.287.886 tỷ đồng, trong đó giai đoạn 2008-2023 là 2.275.843 tỷ đồng, bằng 189 lần giai đoạn trước đó.
Giá trị năm 2022 là 581.700 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 95,2% toàn thành phố. Đóng góp ngân sách giai đoạn 1993 - 2007 đạt 1.640,3 tỷ đồng, chiếm 7,7% toàn Thành phố; giai đoạn 2008 - 2023 đạt 80.084 tỷ đồng, chiếm 11,6% toàn Thành phố, bằng 49 lần giai đoạn trước.
Các KCN, KKT còn góp phần giải quyết việc làm, chuyển dịch cơ cấu, tăng năng suất lao động và cải thiện chất lượng nguồn nhân lực của thành phố. Tính đến nay, KCN, KKT đã giải quyết việc làm cho gần 200.000 lao động, chiếm trên 18% tổng số lao động các ngành nghề, lĩnh vực thành phố (gấp 3,5 lần số lao động trong KCN, KKT năm 2013).