Lương tăng không theo kịp lạm phát, chuyên gia nói gì?
Những điểm nhìn mới về mô hình tăng trưởng của Việt Nam Nghịch lý giá cá tra giảm, sản lượng tăng: Tổng cục Thống kê nói gì? Chuyên gia nói gì về việc “lương tăng 1 đồng, giá tăng 3 đồng”? |
Từ ngày 1/7/2024, mức lương cơ sở chính thức được điều chỉnh tăng thêm 30%, từ 1,8 triệu đồng/tháng lên 2,34 triệu đồng/tháng; lương hưu cũng điều chỉnh tăng 15%; mức lương tối thiểu (theo tháng và theo giờ) tăng 6% so với năm 2023.
Như những lần tăng lương trước đây, bên cạnh tâm lý phấn khởi khi được tăng lương, đa phần người dân lo ngại giá cả hàng hóa tăng theo, thậm chí nhanh chân tăng trước như một số lần điều chỉnh lương trước đây.
Lương chưa tăng, giá đã tăng?
Ngay khi lương tăng, giá cả hàng hóa đã rục rịch tăng, từ ổ bánh mì, mớ rau hay rổ trứng gà. Theo ghi nhận, một tiểu thương tại chợ dân sinh trên địa bàn quận Cầu Giấy cho biết, giá của nhiều mặt hàng như rau xanh cũng rục rịch tăng. Tuy nhiên, giá rau tăng lại do thời tiết thay đổi liên tục làm hỏng rau, hay nhiều mặt hàng khác lại tăng giá do nguồn cung khan hiếm. Việc tăng giá cả hàng hoá không chỉ do tăng lương mà vì nhiều nguyên do khác.
Bên cạnh tâm lý phấn khởi khi được tăng lương, đa phần người dân lo ngại giá cả hàng hóa tăng theo. Ảnh: Linh Trang |
Trước lo ngại về tăng lương sẽ kéo theo tăng giá gây lạm phát, chuyên gia kinh tế, PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh, giảng viên cao cấp Học viện Tài chính cho rằng nhiều năm nay, phản ứng thông thường của thị trường là lương tăng thì giá cũng tăng theo, thậm chí giá cả thị trường còn tăng trước khi chính sách tăng lương có hiệu lực và sau khi tăng lương, giá tiếp tục có điều chỉnh tăng một lần nữa.
Tình trạng giá tăng theo lương thường tập trung vào những mặt hàng tiêu dùng thiết yếu và ở những giai đoạn, thời điểm hệ thống phân phối còn mỏng, nguồn cung hàng hóa của doanh nghiệp hạn chế, dễ đứt gãy, khả năng điều tiết, can thiệp thị trường yếu.
Tuy nhiên, theo chuyên gia, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) vẫn trong tầm kiểm soát như mục tiêu đề ra. Cụ thể, tính chung 6 tháng đầu năm 2024, CPI bình quân tăng 4,08% so với cùng kỳ năm 2023. Chỉ số lạm phát cơ bản bình quân tăng 2,75% so với cùng kỳ, thấp hơn mức CPI bình quân chung (tăng 4,08%).
“Những yếu tố như giá lương thực, điện, dịch vụ giáo dục và dịch vụ y tế làm tăng CPI nhưng thuộc nhóm hàng được loại trừ trong danh mục tính lạm phát cơ bản. Chỉ số CPI kiểm soát như mục tiêu đề ra do sự phối hợp nhịp nhàng giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ trong việc quản lý thị trường tài chính tiền tệ cùng với sự vào cuộc nhanh chóng, kịp thời, đồng bộ và quyết liệt của các cơ quan quản lý giá cả và cơ quan quản lý thị trường, tránh các đợt tăng giá sốc vào một số thời điểm nhạy cảm”, ông Thịnh nhận định.
Trước nhiều ý kiến cho rằng việc tăng lương tác động lớn tới lạm phát. Lý giải điều này, chuyên gia cho rằng việc tăng lương là nhân tố gây sức ép tăng cung tiền và tăng áp lực lạm phát trong 6 tháng cuối năm 2024.
Tuy nhiên, mức tăng lương này chỉ được áp dụng với dưới 8% lực lượng lao động trong nền kinh tế nên tác động không quá lớn đến mặt bằng giá cả và lạm phát. Hơn nữa, Quốc hội, Chính phủ, Bộ Tài chính đã có chính sách giảm 2% thuế giá trị gia tăng cho nhiều mặt hàng; giảm 36 loại phí, lệ phí; giảm tiền thuê đất… có thể làm mặt bằng giá cả của nền kinh tế giảm thấp.
Kiểm soát lạm phát tâm lý
Để hạn chế tác động của việc “té nước theo mưa”, lạm phát tâm lý khi tăng lương, PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh cho rằng Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) và Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cần tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động giá cả, thị trường, tránh tình trạng tăng giá theo tăng lương đối với nhóm hàng hóa, dịch vụ thiết yếu, hàng hóa do Nhà nước quyết định, đặc biệt sau ngày 1/7/2024 khi việc tăng lương cơ sở được thực hiện.
Ngoài ra, để có thể đạt tốc độ tăng trưởng GDP và giữ chỉ số CPI ở mức dưới 4,5% như chỉ tiêu của Quốc hội đề ra và tìm cách ổn định thị trường tài chính tiền tệ, tiếp tục hạ thấp tỷ lệ lạm phát cần thực hiện tốt một số giải pháp.
Thứ nhất, cần tiếp tục giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, tạo nền tảng cho phục hồi và phát triển bền vững của nền kinh tế. Tăng trưởng GDP quý 1/2024 đạt 5,66%, quý 2/2024 tăng 6,93% so với cùng kỳ năm trước, đây là tốc độ tăng tương đối cao trong nhiều năm. Tăng trưởng kinh tế sẽ là nhân tố hỗ trợ đắc lực cho việc giữ ổn định nền kinh tế, giúp ổn định tâm lý, tránh tình trạng lạm phát tâm lý.
Thứ hai, Ngân hàng Nhà nước cần tiếp tục theo dõi sát tình hình biến động của nền kinh tế thế giới và thị trường tài chính - tiền tệ. Chủ động thực hiện điều hành linh hoạt lãi suất, công cụ thị trường mở, tích cực quản lý và điều chỉnh tỷ giá hối đoái linh hoạt, phù hợp với sự phát triển của nền kinh tế, từng bước ổn định và nâng cao giá trị đồng Việt Nam, góp phần kìm giữ lạm phát cơ bản để làm cơ sở cho việc kìm giữ chỉ số CPI.
Thứ ba, về phía Bộ Tài chính, cần xem xét kỹ lưỡng nhu cầu và khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế, tính toán cẩn trọng mức độ, thời hạn, hình thức, phương thức huy động vay nợ công để vừa đảm bảo kích thích nền kinh tế hồi phục và phát triển nhanh chóng, vừa đảm bảo hiệu quả sử dụng vốn vay, đảm bảo khả năng trả nợ vay và sự ổn định, phát triển trong dài hạn của nền kinh tế. Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Bên cạnh đó, cần tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về điều hành giá.
Ngoài sức ép từ tăng lương lên mặt bằng giá cả nửa cuối năm 2024, các cơ quan có thẩm quyền sẽ điều chỉnh giá một số mặt hàng Nhà nước quản lý theo lộ trình đã định trước (có thể sẽ tăng giá điện 2 lần (vào cuối tháng 7/2024 và cuối năm 2024), tăng học phí đại học, giá dịch vụ y tế...) cũng gây tác động lan truyền, làm tăng CPI ở Việt Nam qua nhiều vòng.
Do đó, việc tăng giá điện, nước, giá dịch vụ y tế, giáo dục đào tạo thực hiện tăng theo lộ trình của Chính phủ cần tính toán thời gian, mức độ phù hợp, tránh dẫn tới áp lực làm tăng sức ép lạm phát…