Nghịch lý giá cá tra giảm, sản lượng tăng: Tổng cục Thống kê nói gì?
Tận dụng tốt CPTPP, xuất khẩu cá tra lần đầu tăng trưởng dương Ngành thuỷ sản tìm cơ hội phục hồi xuất khẩu những tháng cuối năm Xuất khẩu cá tra Việt: Phile cá tra đông lạnh vẫn là "con át chủ bài" |
Báo cáo của Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho thấy sản lượng cá tra tháng 6/2024 ước đạt 164,9 nghìn tấn, tăng 4,8% so với cùng kỳ năm trước. Sản lượng cá tra quý II/2024 ước đạt 462,1 nghìn tấn, tăng 5,8%. Tính chung 6 tháng đầu năm 2024, sản lượng cá tra ước đạt 831,8 nghìn tấn, tăng 5,4% so với cùng kỳ.
Đáng chú ý, dù sản lượng cá tra tăng khá tuy nhiên giá cá tra nguyên liệu có xu hướng giảm. Cụ thể, giá cá tra nguyên liệu bình quân 6 tháng đầu năm 2024 khoảng 27.700 đồng/kg, thấp hơn cùng kỳ khoảng 1.000 đồng/kg.
Xuất khẩu cá tra có nhiều khởi sắc trong nửa đầu năm 2024. Ảnh: VASEP |
Theo đại diện Tổng cục Thống kê giá cá tra nguyên liệu bình quân 6 tháng đầu năm tuy thấp hơn cùng kỳ nhưng vẫn cao hơn nhiều so với mức giá khoảng 26.000 đồng/kg tại thời điểm cuối năm 2023. Với mức giá trung bình 27.700 đồng/kg người nuôi đã có lãi nên đã thu hoạch cá phục vụ nhu cầu chế biến xuất khẩu dẫn đến sản lượng cá tra tăng khá trong 6 tháng đầu năm nay.
Thứ nữa, xuất khẩu cá tra đang trên đà phục hồi, kim ngạch xuất khẩu cá tra ước tính tháng Sáu đạt 166 triệu USD, tăng 24,2% so cùng kỳ năm trước. Tính chung 6 tháng đầu năm kim ngạch xuất khẩu cá tra ước đạt 863 triệu USD, tăng 5,8% so cùng kỳ. Xuất khẩu cá tra phục hồi, các doanh nghiệp chế biến thủy sản tăng sản lượng chế biến phục vụ xuất khẩu, nhu cầu cá tra nguyên liệu tăng dẫn đến sản lượng thu hoạch tăng khá trong 6 tháng đầu năm 2024.
Ngoài ra, giá cá tra nguyên liệu trong quý II và quý III/2023 duy trì ở mức cao (trung bình khoảng 29.000 đồng/kg) nên người nuôi thu được lợi nhuận lớn và mở rộng diện tích nuôi trong giai đoạn này. Thời gian nuôi cá tra trung bình từ 8 đến 10 tháng, do vậy những diện tích thả nuôi trong quý II và quý III năm ngoái cho thu hoạch trong 6 tháng đầu năm nay. Đặc biệt, diện tích nuôi cá tra hầu hết thuộc các vùng nuôi của doanh nghiệp với chu trình sản xuất khép kín nên tiết kiệm chi phí sản xuất và cho năng suất, sản lượng cao.
Tín hiệu tích cực từ xuất khẩu Báo cáo của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) trước đó cho biết kim ngạch xuất khẩu cá tra trong 5 tháng đầu năm 2024 ước đạt 725 triệu USD, tăng 2% so với cùng kỳ năm 2023. Đáng chú ý, xuất khẩu cá tra tháng 4/2024 đạt 168 triệu USD, tăng 13% so với tháng 4/2023, và tháng 5/2024 đạt 146 triệu USD, tăng 8% so với tháng 5/2023. Trong 5 tháng đầu năm, thị trường nhập khẩu cá tra Việt Nam lớn nhất vẫn là Mỹ, tiếp theo là Trung Quốc, châu Âu và một số thị trường Nam Mỹ khác. Đối với thị trường Mỹ, phi lê cá tra đông lạnh tiếp tục là mặt hàng chủ lực trong xuất khẩu sang thị trường này. Tính đến hết tháng 5/2024, xuất khẩu phi lê cá tra đông lạnh sang Mỹ đạt hơn 120 triệu USD, tăng 19% so với cùng kỳ năm 2023, chiếm 98% tổng giá trị xuất khẩu cá tra sang Mỹ. Tại thị trường châu Âu, VASEP cho biết mặc dù thị trường này sôi động trở lại từ tháng 4/2024, kim ngạch xuất khẩu cá tra sang châu Âu trong 5 tháng đầu năm 2024 chỉ đạt 70 triệu USD, giảm 7% so với cùng kỳ năm 2023. Theo một số chuyên gia, trong những tháng cuối năm, các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam cần tận dụng tối đa những ưu đãi và lợi thế mà Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam – châu Âu (EVFTA) mang lại để tham gia sâu hơn vào thị trường châu Âu. |