Những điểm nhìn mới về mô hình tăng trưởng của Việt Nam
Những thông điệp đầu năm khẳng định tâm thế tăng trưởng kinh tế mới Yếu tố nào giúp xuất khẩu tăng trưởng mạnh trong tháng 1/2024? |
Ảnh minh hoạ. |
Báo cáo này do nhóm chuyên gia dẫn đầu là GS.TS Ngô Thắng Lợi (Trường ĐH Kinh tế quốc dân) đã đi sâu phân tích những tác động của tăng trưởng kinh tế đến thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội giai đoạn 1990 – 2020.
Nhiều phát hiện đáng chú ý được nêu trong báo cáo. Về những biểu hiện tích cực, báo cáo này cho biết, Việt Nam luôn định hướng các mục tiêu phát triển ở mức khá cao và luôn hoàn thành vượt mức. Cùng đó các chỉ tiêu phản ánh thành quả tiến bộ xã hội có xu hướng được cải thiện tích cực cùng với quá trình tăng trưởng kinh tế nhanh.
Tuy nhiên báo cáo cũng thẳng thắn chỉ ra những điều còn bất cập trong tăng trưởng kinh tế cùng các tác động đến thực hiện công bằng xã hội. Giai đoạn từ 1990 đến 2020 Việt Nam tuy có tốc độ tăng trưởng nhanh nhưng đang có xu hướng chậm dần. Theo đó, tăng trưởng biên độ đang có xu hướng giảm và chưa đủ mạnh để tạo ra những đột phá trong thực hiện tiến bộ xã hội. Chất lượng tăng trưởng cải thiện chậm làm giảm khả năng tăng thu nhập của nền kinh tế.
Hai bất cập khác cũng rất đáng quan tâm là sự bất công bằng trong phân phối thu nhập có xu hướng gia tăng trong quá trình tăng trưởng nhanh. Hiệu ứng của tăng trưởng kinh tế đến tiến bộ xã hội đang giảm dần.
“Tăng trưởng kinh tế chưa có tác động đồng thuận đến cải thiện các nhu cầu phi vật chất và điều này đã hạn chế đến phát triển con người”, báo cáo nhìn nhận.
Nguyên nhân cơ bản của những bất cập nêu trên là nằm ở mô hình phát triển với các biểu hiện mô hình phát triển kiểu cũ không còn phù hợp chẳng hạn như mô hình phát triển theo chiều rộng, mô hình phát triển dàn đều, mô hình phát triển vì người nghèo. Cùng đó còn có việc phát triển thiếu bao trùm trên cả khía cạnh vùng lẫn doanh nghiệp.
Báo cáo nhìn nhận, Việt Nam thành công vượt 2 trên 3 “cửa ải”. Đó là “cửa ải” về vấn đề an ninh lương thực và cơ bản xây dựng được tiền đề của một nước công nghiệp cùng “cửa ải” danh sách các nước có thu nhập trung bình thấp.
"Còn lại cửa ải thứ ba chưa vượt qua được là trở thành nước công nghiệp vào năm 2020", báo cáo nhận định.
Báo cáo nêu quan điểm, giai đoạn 2024 - 2030 là giai đoạn quyết định để Việt Nam chuyển mình thành một nước công nghiệp theo tinh thần của Chiến lược phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030. Đây là thời mốc quan trọng và mở ra nhiều cơ hội phát triển cho kinh tế nước ta đặc biệt là dưới tác động của quá trình toàn cầu hóa, hội nhập kinh tế quốc tế và cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Báo cáo này nêu lên một số khuyến nghị cho mô hình tăng trưởng trong thời gian tới. Theo đó cần thực hiện phát triển bao trùm ở góc độ không gian với việc tăng trưởng nhanh ở các vùng mang tính động lực và chính sách kết nối vùng động lực với các vùng khác, đặc biệt là các vùng chậm phát triển. Ở góc độ doanh nghiệp, mô hình phát triển bao trùm cần tạo môi trường, cơ hội để các doanh nghiệp có cùng một sân chơi mà ở sân chơi đó giúp cho doanh nghiệp thoả sức thực hiện phát triển kinh doanh.
“Việt Nam không thể không tăng trưởng nhanh, nhưng phải gắn với chất lượng tăng trưởng. Điều này đòi hỏi phải có mô hình phát triển hài hòa nhằm đạt tác động tốt nhất từ tăng trưởng cho tiến bộ xã hội. Trong đó, bệ đỡ của phát triển hài hòa chính là thể chế phát triển hài hòa”, báo cáo nêu.
Chia sẻ thêm về mô hình tăng trưởng trong giai đoạn tới, một số chuyên gia lưu ý rằng, trong khoảng một thập niên tới, mở rộng công nghiệp hóa, chuyển dịch cơ cấu công nghiệp và cải cách thể chế để phân bổ hiệu suất các nguồn lực là các yếu tố tăng năng suất cho Việt Nam. Đồng thời Việt Nam cần chuẩn bị cho thời đại tăng trưởng dựa trên đổi mới sáng tạo cho thập niên 2030 và xa hơn.
Trong bối cảnh toàn cầu hóa, sự chuyển hoán cơ cấu và liên tục tăng năng suất sẽ làm cho Việt Nam cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Đây là điều kiện để Việt Nam tránh được vị trí của "bánh sandwich", là trường hợp của một nước không cạnh tranh được với nước đi sau có chi phí sản xuất rẻ hơn, nhưng chưa cạnh tranh được với nước đi trước.