Loại rau nào bán đầy chợ có thể phòng ngừa 4 loại ung thư?
Theo WebMD, rau họ cải có hơn 3.000 loại khác nhau. Tuy nhiên, các loại thông dụng có thể kể đến là bắp cải, cải thảo, súp lơ, cải brussel, cải xoăn, cải làn, củ cải, su hào, cải xoong, xà lách rocket, cải cầu vồng, cải ngọt, cải mơ,... Rau họ cải không chỉ giàu vitamin, khoáng chất mà còn có đặc tính chống ung thư mạnh mẽ. Theo các nghiên cứu cho thấy ăn nhiều rau họ cải có thể giúp phòng ngừa 4 loại ung thư phổ biến là ung thư tuyến tiền liệt, ung thư đại trực tràng, ung thư phổi và ung thư vú.
Nhóm loại rau họ cải có tác dụng phòng ngừa 4 loại ung thư. (Ảnh: Vinmec) |
Các loại rau họ cải rất giàu chất dinh dưỡng, chất xơ và một số carotenoid như beta-carotene, lutein, zeaxanthin; vitamin C, E, K, B9 và nhiều khoáng chất khác. Chất carotenoid đã được nghiên cứu chứng minh có tác dụng giảm nguy cơ mắc nhiều loại ung thư. Trong khi đó, vitamin C, E, K, B9 có đặc tính chống oxy hóa, giảm sự tổn thương của tế bào. Còn chất xơ có thể ngăn ngừa ung thư bằng cách giảm thời gian tiếp xúc của các chất gây ung thư với cơ thể, đồng thời loại bỏ các chất này khỏi cơ thể. Chất xơ cũng giúp chúng ta duy trì được cân nặng ở mức khỏe mạnh, giảm nguy cơ mắc các loại ung thư liên quan tới béo phì. Bên cạnh đó, chất xơ còn là nguồn thức ăn của hệ lợi khuẩn có trong đường ruột. Sở hữu đường ruột khỏe mạnh có thể phòng ngừa được nhiều bệnh, trong đó có ung thư.
Những công dụng khác của các loại rau họ cải
Rau cải bắp: Bắp cải chứa nhiều chất xơ, vitamin và khoáng chất như vitamin K, kali, phốt pho... Thường xuyên ăn bắp cải giúp bảo vệ sức khỏe làn da, tăng cường thị lực, giúp xương chắc khỏe và chống lại các nguy cơ gây ung thư.
Rau cải xoong: Cải xoong chứa nhiều chất chống oxy hóa như lutein, zeaxanthin, beta-carotene. Các chất này có tác dụng hạn chế nguy cơ mắc bệnh đục thủy tinh thể, thoái hóa điểm vàng, các vấn đề liên quan đến thị lực. Hỗ trợ giảm lượng cholesterol xấu trong cơ thể, từ đó ngăn ngừa các bệnh về tim mạch.
Bông cải xanh: Bông cải xanh (súp lơ) chứa nhiều vitamin B, C, K, chất xơ và các chất chống oxy hóa giúp giảm viêm, kiểm soát lượng đường trong máu, đặc biệt tốt với phụ nữ. Ngoài ra, các hoạt chất sinh học trong bông cải xanh còn có khả năng làm chậm quá trình lão hóa của não bộ, ngăn ngừa tình trạng suy giảm trí nhớ.
Rau cải thìa: Loại rau này chứa nhiều protein, chất xơ, có tác dụng kích thích tiêu hóa, giảm cảm giác thèm ăn, có lợi cho việc kiểm soát cân nặng. Loại rau này còn có hàm lượng folate, kali, vitamin C, B6, E và beta-carotene dồi dào giúp làm đẹp da, ngăn ngừa bệnh tim mạch, ung thư.
Rau cải cúc: Cải cúc chứa nhiều protid, vitamin A, B, C... có tác dụng chống cháy nắng và ngăn ngừa hình thành các đốm nâu, giảm dị ứng, giúp các mô liên kết luôn khỏe mạnh, hỗ trợ lưu thông máu... Đặc biệt, cải cúc còn chứa nhiều chất diệp lục, có tác dụng loại bỏ cholesterol dư thừa.
Rau cải ngồng: Trong 100 gram cải ngồng có 45mg vitamin C, tương đương với 75% nhu cầu vitamin C của cơ thể mỗi ngày. Vitamin C giúp cơ thể chống lại các gốc tự do, tăng cường hệ miễn dịch, ngừa nhiễm trùng, chống viêm, giúp cơ thể chống lại bệnh tật. Đặc biệt trong mùa đông lạnh, việc bổ sung vitamin C sẽ giúp giảm đáng kể nguy cơ nhiễm trùng đường hô hấp trên.
Ngoài ra, vitamin B6 có trong rau giúp duy trì hệ thống miễn dịch mạnh mẽ và điều chỉnh lượng đường trong máu. Cải ngồng cũng là thực phẩm không chứa cholesterol. Điều này tốt cho người bị bệnh cao huyết áp – đối tượng dễ gặp phải nguy cơ về bệnh tim mạch.
Lưu ý khi ăn rau họ cải
Hầu hết mọi người có thể ăn các loại rau họ cải mà không có tác dụng phụ nếu ăn với mức độ vừa phải. Tuy nhiên, có một số người nên cẩn trọng khi ăn rau họ cải.
Người đang dùng thuốc làm loãng máu: Đây là nhóm cần hạn chế tiêu thụ rau họ cải. Nguyên nhân là do một số loại rau họ cải, đặc biệt là cải làn, cải xoăn và bông cải xanh, có hàm lượng vitamin K cao, có thể có tác dụng làm đông máu.
Người bị suy giáp: Theo một số chuyên gia, người mắc chứng suy giáp nên hạn chế hoặc tránh ăn các loại rau họ cải. Bởi rau họ cải chứa các hợp chất gọi là goitrogens, có thể làm giảm khả năng hấp thụ iốt của cơ thể, từ đó cản trở hoạt động của tuyến giáp. Iốt là yếu tố cần thiết để sản xuất hormone tuyến giáp. Thiếu hụt hoặc không hấp thụ đủ iốt có thể dẫn đến suy giáp hoặc làm trầm trọng thêm tình trạng này.
Người bị sỏi thận: Rau họ cải có thể chứa nhiều oxalate, làm tăng nguy cơ hình thành sỏi canxi oxalate.