Khuyến nghị cổ phiếu hôm nay 24/1: HPG, MSB và LPB
Khuyến nghị cổ phiếu hôm nay 19/1: HHV, PTB và CTD Khuyến nghị cổ phiếu hôm nay 22/1: PPC, GMD và VHC Khuyến nghị cổ phiếu hôm nay 23/1: FPT, TPB và VCG |
Khuyến nghị cổ phiếu HPG - Khả quan
Tập đoàn Hòa Phát (HOSE: HPG) vừa công bố doanh thu và lợi nhuận ròng quý IV/2023 lần lượt đạt 34.930 tỷ đồng (tăng 33% so với cùng kỳ) và 2.970 tỷ đồng (tăng 48% so với quý trước, là mức lợi nhuận cao nhất trong 6 quý vừa qua).
Theo SSI Research, dẫn đến những thắng lợi này, ngoài giá thép phục hồi khoảng 4 - 7% trong quý giúp bù đắp chi phí đầu vào tăng, sản lượng tiêu thụ cao cũng là động lực chính giúp lợi nhuận phục hồi mạnh.
Lũy kế cả năm 2023, doanh thu và lợi nhuận ròng HPG lần lượt đạt 120.360 tỷ đồng (giảm 16% so với năm trước) và 6.830 tỷ đồng (giảm 19,1%), cao hơn ước tính của SSI Research là 114.610 tỷ đồng và 6.150 tỷ đồng |
Quý IV/2023, tổng sản lượng thép xây dựng, HRC và phôi thép đạt 2,1 triệu tấn (tăng 41% so với cùng kỳ và tăng 23,1% so với quý trước), tương đương với công suất hoạt động là 99%, đây là quý ghi nhận sản lượng cao thứ 3 từ trước đến nay.
Sản lượng sản xuất thép thô thấp hơn ở mức 1,9 triệu tấn do một lò cao tạm dừng sản xuất để bảo trì định kỳ, như đã đề cập trong các báo cáo trước đó.
Bên cạnh đó, mảng thép xây dựng có mức phục hồi ấn tượng nhất, với sản lượng tăng 48% so với cùng kỳ và 32% so với quý trước, đạt 1,21 triệu tấn. Đây là quý đánh dấu sản lượng thép xây dựng cao thứ 2 từ trước đến nay, chỉ sau quý I/2022 nhờ nhu cầu bị dồn nén từ việc mở cửa trở lại sau thời gian giãn cách xã hội do dịch Covid-19.
Sự phục hồi ổn định đến từ sự phục hồi của nhu cầu thị trường trong nước, xuất khẩu thép được cải thiện và tập đoàn giành được nhiều thị phần hơn. Thị phần của HPG tại thị trường miền Nam tăng khoảng 4% do sản lượng của các công ty thép trong khu vực giảm đáng kể so với cùng kỳ trong bối cảnh biên lợi nhuận giảm trong 2 năm qua.
Mặt khác, mảng HRC cũng ghi nhận sản lượng tiêu thụ cao nhất trong lịch sử ở mức 804.000 tấn (tăng 36% so với cùng kỳ và tăng 5% so với quý trước). Sản lượng xuất khẩu duy trì tốt ở mức 359.000 tấn, giảm 11% so với quý trước từ mức đỉnh trong quý III/2023 nhưng tăng gần 8 lần so với cùng kỳ (HPG bắt đầu đẩy mạnh kênh xuất khẩu từ quý II/2023).
Sản lượng trong nước quý IV/2023 cũng phục hồi đáng kể 25,6% so với quý trước, đạt 454.000 tấn (tuy nhiên vẫn giảm 16,8% so với cùng kỳ). Trong khi đó, sản lượng tiêu thụ thép ống và tôn mạ kẽm cũng tăng 12,4% so với cùng kỳ và 24,8% so với quý trước.
Lũy kế cả năm 2023, doanh thu và lợi nhuận ròng lần lượt đạt 120.360 tỷ đồng (giảm 16% so với năm trước) và 6.830 tỷ đồng (giảm 19,1%), cao hơn ước tính của SSI Research là 114.610 tỷ đồng và 6.150 tỷ đồng.
Hiện, các chuyên gia của SSI có khuyến nghị khả quan đối với cổ phiếu HPG, giá mục tiêu 1 năm là 30.000 đồng/cp, dựa trên dự báo lợi nhuận ròng năm 2024 là 11.200 tỷ đồng (tăng 65% so với năm cũ). Mức giá này cao hơn khoảng 4% so với giá trị thị trường.
Khuyến nghị cổ phiếu MSB - Khả quan
Trong báo cáo mới đây, Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) đưa ra khuyến nghị khả quan cho cổ phiếu MSB của Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (HoSE: MSB), với quan điểm ngân hàng có lợi thế chi phí vốn thấp khi sở hữu tỷ lệ CASA cao và cơ cấu vay liên ngân hàng cũng ở mức cao trong hệ thống.
Bên cạnh đó, lãi suất liên ngân hàng duy trì ở mức thấp tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động kinh doanh ngoại hối và trái phiếu chính phủ cũng như giúp giảm chi phí vốn của MSB. Ngoài ra, chi phí huy động giảm mạnh và tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA) cải thiện khi nền kinh tế phục hồi trở lại cũng là yếu tố hỗ trợ cho chi phí vốn thấp của ngân hàng.
Chiến lược tập trung vào phân khúc khách hàng cá nhân và doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs) dưới sự tư vấn của McKinsey mang đến sự đa dạng hóa trong danh mục cho vay của ngân hàng. Trong kế hoạch tài chính từ năm 2023 – 2027, MSB cũng đặt ra mục tiêu tổng tỷ trọng của khách hàng cá nhân và SMEs không nhỏ hơn 60% tổng dư nợ.
Với tầm nhìn trở thành ngân hàng bán lẻ, kỳ vọng MSB có thể mở rộng biên lãi ròng (NIM) cũng như thu hút thêm CASA và thu nhập dịch vụ trong tương lai.
BVSC kỳ vọng tổng thu nhập hoạt động của MSB năm 2023, 2024 lần lượt đạt 12.822 tỷ đồng (tăng 20,0% so với năm trước) và 14.748 tỷ đồng (tăng trưởng 15%); lợi nhuận trước thuế đạt 6.210 tỷ đồng (tăng trưởng 7,3%) và 7.740 tỷ đồng (tăng trưởng 24,6%).
BVSC cho rằng mức giá phù hợp cho cổ phiếu MSB là 16.700 đồng/cổ phiếu, tương đương mức lợi suất 18,4%.
Khuyến nghị cổ phiếu LPB - Trung lập
Báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2023 của Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (HOSE: LPB) cho thấy, tổng thu nhập hoạt động (TOI) trong quý tăng 76,4% so với cùng kỳ năm trước lên 6.491 tỷ đồng, nhờ thu nhập ngoài lãi tăng đột biến 246%.
Lũy kế cả năm 2023, TOI đạt 15.625 tỷ đồng, tăng 10,3% so với năm cũ. Công ty Chứng khoán VNDirect cho rằng, nguyên nhân có thể đến từ ghi nhận một phần phí trả trước từ thỏa thuận banca với Dai-ichi life.
Vào cuối năm 2023, dư nợ tín dụng của LPB tăng trưởng 17% so với cùng kỳ, cao hơn mức 12,7% của năm 2022 và theo sát dự báo của VNDirect (16%). Tuy nhiên, thu nhập lãi thuần lũy kế cho cả năm 2023 giảm 5,9% so với cùng kỳ do NIM giảm.
Tại ngày cuối năm 2023, NIM của ngân hàng đạt 3,23%, (giảm 0,73 điểm phần trăm so với cùng kỳ), và tiếp tục giảm từ mức 3,96% vào cuối 2022. VNDirect cho rằng, xu hướng giảm của NIM sắp đi đến hồi kết, khi NIM chỉ giảm 0,02 điểm phần trăm so với quý trước trong quý IV/2023.
Các nhà phân tích còn dự đoán, NIM của LPB sẽ đi ngang trong năm 2024 nhờ chi phí vốn (COF) thấp hơn trong năm 2024. COF chỉ tăng 0,2 điểm phần trăm so với quý trước trong quý IV/2023, đây là tín hiệu cho thấy COF có thể giảm trong các quý sắp tới. Trong khi đó, lợi suất tài sản không đổi so với quý trước, duy trì ở mức 9,3%, cao hơn so với quý IV/2022.
Vẫn trong quý IV/2023, LPB ghi nhận lợi nhuận ròng tăng mạnh 293,5% so với cùng kỳ lên 2.628 tỷ đồng. Lũy kế cả năm, lợi nhuận ròng tăng 23,5%, nhờ TOI cao hơn và chi phí dự phòng giảm. Tỷ lệ chi phí/tổng thu nhập hoạt động (CIR) cả năm 2023 của LPB là 36,9%, giảm nhẹ so với mức 37,5% vào năm 2022 nhờ TOI tăng lên.
Khép lại quý IV/2023, tỷ lệ nợ xấu (NPL) của LPB giảm 1,46 điểm phần trăm so với quý III/2023 và giảm 0,12 điểm phần trăm so với quý IV/2022 xuống 1,34%, đánh dấu quý đầu tiên kể từ đầu năm 2023 tỷ lệ nợ xấu giảm.
Tỷ lệ nợ nhóm 2 giảm quý thứ ba liên tiếp kể từ quý I/2023, giảm 0,1 điểm phần trăm so với quý III/2023 và giảm 0,4 điểm phần trăm so với cùng kỳ. LPB đã sử dụng bộ đệm dự phòng để xử lý nợ xấu, với tỷ lệ xử lý nợ xấu tăng từ 0,6% năm 2022 lên 1,5% vào năm 2023.
VNDirect nhấn mạnh, tỷ lệ bao phủ nợ xấu (LLR) của ngân hàng đã cải thiện từ 67,5% trong quý III/2023 lên 93,8% trong quý IV/2023, cho thấy ngân hàng vẫn còn bộ đệm dự phòng dồi dào để xử lý nợ xấu trong thời gian tới.
Trên cơ sở đó, VNDirect đưa ra khuyến nghị trung lập đối với cổ phiếu LPB, giá hợp lý là 15.700 đồng/cp, thấp hơn 11% so với thị giá hiện nay.